Lao động thời vụ tại Hàn Quốc: Giảm nghèo hiệu quả

Theo Bộ Tư pháp Hàn Quốc (MoJ), Hội đồng Thẩm định bố trí lao động thời vụ người nước ngoài vừa nhất trí tuyển dụng thêm gần 27.000 lao động trong nửa đầu năm 2023 để bổ sung nhân lực ở vùng nông thôn và làng chài tại nước này. Để giải “cơn khát” lao động của các nông trại, doanh nghiệp nhỏ và để việc tuyển dụng lao động thời vụ được suôn sẻ, kịp thời, Hàn Quốc đang tăng cường trao đổi, hợp tác với các chính quyền địa phương tại Việt Nam.

Thu nhập “trong mơ”

Sau 5 tháng sang Hàn Quốc làm việc thời vụ, 18 lao động tại huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã trở về, mỗi người “bỏ túi” 120 – 150 triệu đồng. Đây là số tiền khá lớn với người dân vùng này.

Phấn khởi sau khi về đến quê hương, vợ chồng anh Đinh Văn Thôi – chị Hồ Thị Tuyết (xã Trà Mai, huyện Nam Trà My) cho biết so với trước lúc xuất cảnh, họ năng động, tự tin hơn. Theo anh Thôi, khi có ý định sang Hàn Quốc lao động, hai vợ chồng rất lo lắng vì từ trước đến nay chỉ quẩn quanh với núi rừng, ngay trong nước cũng chưa đi đâu xa. Vợ chồng anh cũng lo không biết giao tiếp ra sao với người Hàn Quốc bởi không rành tiếng. Sau khi nhận được tư vấn, động viên của các cấp chính quyền, vợ chồng anh quyết tâm gửi 3 con nhỏ ở nhà rồi cùng 16 lao động tại địa phương lên đường sang tỉnh Gyeongsang Nam – Hàn Quốc làm việc.

“Mỗi tháng, vợ chồng tôi thu nhập được hơn 75 triệu đồng, chủ trang trại thấy làm việc chăm chỉ nên thưởng thêm tiền sinh hoạt. Đi 5 tháng trở về, vợ chồng tôi tích cóp được hơn 350 triệu đồng. Đây là số tiền lớn, lúc trước có nằm mơ chúng tôi cũng không thấy” – chị Tuyết bày tỏ. Theo chị, chủ trang trại hứa hẹn sẽ bảo lãnh cho hai vợ chồng tiếp tục sang làm việc vào tháng 11 tới.

Ông Võ Như Sơn Trà, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) huyện Nam Trà My, cho biết hiện có 9 lao động địa phương được chủ sử dụng lao động bảo lãnh tiếp tục nhập cảnh Hàn Quốc làm việc. Trong đó, ngày 20-5, 3 lao động sẽ quay lại Hàn Quốc. Mỗi người chỉ bỏ ra khoảng 25-30 triệu đồng để làm hồ sơ, vé máy bay…

“Sắp tới, mỗi đợt sẽ đưa 30-50 người. Huyện sẽ đề xuất đưa 1 lao động có đủ chuyên môn, hiểu biết sang Hàn Quốc để kết nối, hỗ trợ, theo dõi và quản lý lao động thời vụ. Điều này sẽ giúp chương trình được triển khai hiệu quả, chuyên nghiệp hơn” – ông Trà nhận xét.

Lao động thời vụ tại Hàn Quốc: Giảm nghèo hiệu quả - Ảnh 2.

Lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam gặp mặt chúc mừng các lao động của huyện Nam Trà My vừa trở về từ Hàn Quốc. Ảnh: PHÚ THIỆN

Tăng cường hợp tác

Ông Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho hay đợt xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Hàn Quốc lần này là kết quả ký kết hợp tác giữa địa phương và quận Hamyang vào tháng 8-2022. Toàn bộ lao động đợt đầu được lãnh đạo quận Hamyang và chủ các trang trại đánh giá rất cao về trách nhiệm cũng như khả năng tiếp cận công việc.

“Thành công của nhóm lao động đi đợt đầu tiên đã tạo động lực cho những người khác. Từ đầu năm 2023 đến nay, 43 người của 5 xã đã đăng ký đi làm việc thời vụ theo chương trình hợp tác giữa quận Hamyang và huyện Nam Trà My, trong đó có 11 cặp vợ chồng” – ông Phước nói.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, người lao động (NLĐ) đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong thời hạn 3 tháng hoặc 5 tháng được cấp visa C-4 hay E-8 với công việc chủ yếu làm trong lĩnh vực nông nghiệp như: trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản nông sản… Điều kiện đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc cũng khá đơn giản: NLĐ ở độ tuổi 25 – 45, sức khỏe tốt, không yêu cầu về trình độ bằng cấp. Thu nhập của NLĐ thời vụ ở Hàn Quốc khoảng 40 – 50 triệu đồng/tháng, có thể hơn nếu họ tăng ca hoặc làm vượt trội.

Tuy nhiên, chỉ NLĐ tại các địa phương có ký kết thỏa thuận với phía Hàn Quốc mới được đi theo diện này. Đến nay, các tỉnh, thành đã ký thỏa thuận gồm: Lâm Đồng, Lai Châu, Hậu Giang, Hà Nam, Hà Giang, Quảng Bình, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Thái Bình, Thừa Thiên – Huế và Cà Mau.

Để chương trình lao động này hiệu quả hơn, bà Tạ Thị Thanh Thúy, Trưởng Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của Hàn Quốc triển khai thỏa thuận, giải quyết các vấn đề phát sinh nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho NLĐ. Bên cạnh đó, tăng cường tư vấn, cung cấp thông tin hỗ trợ NLĐ trong thời gian làm việc tại Hàn Quốc; chủ động cập nhật các hướng dẫn, quy định mới của chính phủ Hàn Quốc liên quan lao động nước ngoài để thông tin kịp thời đến NLĐ Việt Nam.

“Chương trình lao động thời vụ đang phát huy hiệu quả vượt ngoài mong đợi với NLĐ Việt Nam khi được trải nghiệm làm việc ở nước ngoài, có thu nhập cao. Do đó, thời gian tới, việc xúc tiến với các địa phương của Hàn Quốc để đưa lao động Việt Nam sang làm việc sẽ được đẩy mạnh, mở ra cơ hội cho NLĐ Việt Nam tại xứ sở kim chi” – bà Thúy nhấn mạnh.

Cà Mau kết nối đưa lao động sang Đức làm việc

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Cà Mau, cho biết địa phương vừa làm việc với các đơn vị liên quan về XKLĐ sang Đức. Nước này đang thiếu lao động phổ thông ở nhiều ngành nghề, nhất là cơ khí, điện, lắp ráp, điều dưỡng… Ngoài các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)…, Cà Mau đang mở rộng XKLĐ sang châu Âu để đáp ứng nhu cầu của NLĐ.

Xu hướng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đang phát triển tích cực ở Cà Mau. Thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về XKLĐ, các ngành chức năng tỉnh còn mở các lớp đào tạo nghề để góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho NLĐ.

V.Du