Làn sóng mới trong thị trường lao động Trung Quốc: Không còn mê ‘phố thị’, thanh niên có xu hướng ‘di cư mới’, lập nghiệp với hoa quả là chuyện bình thường của cử nhân đại học

Làn sóng mới trong thị trường lao động Trung Quốc: Không còn mê ‘phố thị’, thanh niên có xu hướng ‘di cư mới’, lập nghiệp với hoa quả là chuyện bình thường của cử nhân đại học - Ảnh 1.

Sau nỗ lực trở thành một blogger về tài chính thất bại, Gong Chengqiang (30 tuổi) quyết định chuyển về nông thôn và có hứng thú với trái cây. Anh quyết định lập nghiệp với lĩnh vực này với mong muốn thay đổi thị hiếu, chất lượng và giá cả của 20 loại trái cây khác nhau. Mặc dù được các đồng nghiệp cùng làm blog ủng hộ và đầu tư nhưng bố mẹ của Gong lại vô cùng thất vọng với quyết định này của anh.

Gong nói: “Gia đình bố tôi cả đời làm nông dân. Mong ước duy nhất của họ là con cái có một cuộc sống khác. Vì vậy, họ thắc mắc tại sao cho tôi đi học nhiều năm như vậy rồi lại trở về làm nông”. Trong nhiều thập kỷ, những người ở độ tuổi như cha mẹ của Gong đã chuyển đến làm việc ở các thành phố của Trung Quốc, thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của đất nước. Nhưng khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có xu hướng phát triển chậm lại, những người trẻ tuổi đang phải đương đầu với tình trạng thất nghiệp đáng báo động, thậm chí cứ 5 người sẽ có 1 người trẻ thất nghiệp.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc trong độ tuổi 16-24 đã tăng lên mức kỷ lục 21,3% trong tháng 6, khi nền kinh tế đang chật vật hồi phục sau đại dịch và các doanh nghiệp tư nhân còn gặp nhiều khó khăn. Một số công ty cũng hạn chế tuyển dụng thêm nhân sự. Các ngành giáo dục, công nghệ,…cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố.

Những gia đình đầu tư cho con cái học đại học và nuôi hy vọng về một cuộc sống khá giả đang cảm thấy “giấc mơ này” ngày một mờ nhạt. Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến đều có tình trạng giảm dân số.

Gong nói: “Quay về thời 2014 khi tôi tốt nghiệp, ngay cả một sinh viên bình thường như tôi, không có kinh nghiệm, cũng có thể nhận được nhiều lời mời và tìm được việc làm tại một công ty tốt. Nhưng bây giờ thì…”.

Nông thôn Trung Quốc hiện là nơi cung cấp “sự nghỉ ngơi” cho giới trẻ nước này. Hồi tháng 5, tỉnh Quảng Đông đã công bố kế hoạch thí điểm để tuyển sinh 300.000 sinh viên tốt nghiệp ở các vùng nông thôn vào năm 2025. Sự tạo điều kiện bao gồm các vị trí công chức hai năm, thực tập nông nghiệp và các chương trình vườn ươm (incubators program) để giúp phát triển ý tưởng kinh doanh.

Du Peng, phó hiệu trưởng Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh cho biết tại một hội thảo hồi đầu năm nay: “Chúng tôi hiểu rằng một người trẻ là khoản đầu tư lớn nhất của một gia đình, thậm chí còn lớn hơn cả tài sản. Phải mất 20 năm hoặc hơn để nuôi dạy một người trẻ nên việc làm của họ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cả gia đình. Đó là lý do tại sao chính phủ rất quan tâm đến việc làm cho thanh niên.”

Nhưng khó có khả năng việc tập trung vào việc làm ở nông thôn sẽ cải thiện hoàn cảnh của thanh niên Trung Quốc do quy mô của thách thức kinh tế. Bloomberg Economics dự báo mức tăng trưởng GDP nước này sẽ giảm một nửa, xuống còn 4% mỗi năm trong thập kỷ sau đại dịch Covid. Giá nhà sụt giảm cũng khiến các hộ gia đình không chắc chắn về tương lai của mình.

Việc đưa sinh viên tốt nghiệp ra khỏi các thành phố có nguy cơ làm suy yếu tăng trưởng hơn nữa, đồng thời quá trình đô thị hóa chậm lại sẽ làm giảm nhu cầu về nhà mới, một yếu tố đóng góp chính cho nền kinh tế.

Tham khảo Bloomberg


Theo Bạch Linh