Bùng nổ xu hướng “nhân sự Boomerang” tại Việt Nam: 91% nhân sự vẫn liên lạc với sếp cũ, cứ 5 người thì 1 người thổ lộ để tìm cơ hội việc làm
31% nhân sự cao cấp người Việt thừa nhận họ sẽ sẵn sàng quay lại công ty cũ để có cơ hội phát triển nghề nghiệp tốt hơn, một khảo sát từ Tập đoàn Tư vấn tuyển dụng Robert Walters cho biết.
Khảo sát thực hiện trên 1.000 nhân sự cao cấp tại 6 quốc gia Đông Nam Á cho thấy, 26% số người được hỏi (cao hơn mức trung bình của khu vực là 20%) sẽ trở lại công ty cũ nếu có sự thay đổi về lãnh đạo và 12% cho biết họ sẽ cân nhắc điều này để có mức lương tốt hơn.
Trong vòng 2 năm qua, có 34% nhân sự ở Việt Nam nghỉ việc nhằm tìm kiếm mức lương và phúc lợi cao hơn – trong số đó, hơn 34% thay đổi việc làm để tìm kiếm cơ hội thăng tiến.
Cánh cửa cũ mở ra cơ hội mới
91% những người được khảo sát thừa nhận vẫn duy trì một số hình thức liên lạc với quản lý cũ – một phần năm trong số này (20%) cho biết mục đích chính của việc này là mở ra cánh cửa cho các cơ hội việc làm trong tương lai.
Trên thực tế, 33% nhân sự cao cấp người Việt tiết lộ rằng trong vòng 2 năm qua họ đã từng liên hệ với nhà tuyển dụng trước đây để hỏi về cơ hội việc làm; trong khi đó, 23% nhân sự cho biết họ chưa làm điều đó nhưng cũng đã có ý định tương tự.
Xu hướng này của các nhân sự cao cấp đã và đang nhận được phản hồi tích cực từ các đơn vị tuyển dụng, với hơn 92% quản lý ở Việt Nam sẵn lòng xem xét tái tuyển dụng nhân sự cũ cho các vị trí phù hợp. Hơn ba phần tư (78%) nhà quản lý cho biết sẵn sàng tạo điều kiện cho các nhân viên cũ có năng lực tốt quay lại làm việc và 15% khác mở lòng với ý tưởng này, mặc dù họ sẽ có sự ngần ngại và cẩn trọng nhất định. Chỉ có 8% (thấp hơn tỷ lệ trung bình Đông Nam Á là 9%) các quản lý được khảo sát cho biết họ sẽ không tái tuyển dụng cựu nhân viên.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các nhân sự cao cấp Việt Nam có tinh thần cởi mở nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á khi đưa ra quyết định trở lại công ty cũ làm việc“, ông Phúc Phạm – Giám đốc Điều hành của Robert Walters Việt Nam, cho biết.
“Thật thú vị khi thấy 2 lý do hàng đầu được đưa ra bởi các nhân sự là cơ hội phát triển nghề nghiệp tốt hơn và sự thay đổi trong đội ngũ lãnh đạo. Điều này cho thấy sự quan tâm của họ đối với lộ trình phát triển cá nhân và môi trường làm việc tích cực. Đãi ngộ về lương thưởng không phải là động cơ duy nhất, các nhân sự cao cấp còn đề cao với những cơ hội có ý nghĩa và cảm giác gắn kết trên con đường sự nghiệp của mình”.
“Boomerang Employee” – Giải pháp ứng phó với tình trạng thiếu hụt nhân sự
“Trong khi thị trường tuyển dụng toàn cầu đã tương đối chậm lại vào năm 2023, tình trạng thiếu hụt ứng viên vẫn tiếp diễn – do đó, việc một lượng lớn nhân sự cao cấp sẵn sàng quay trở lại làm việc cho doanh nghiệp là một tin vui đối với các nhà lãnh đạo“, ông Toby Fowlston – Tổng giám đốc Điều hành của Tập đoàn Tư vấn tuyển dụng Robert Walters nhận xét.
“Không chỉ vậy, đây còn là những nhân tài có khả năng thích ứng nhanh vì đã từng làm việc tại doanh nghiệp trước đó. Những nhân viên này đã quen thuộc với quy trình và có mối liên hệ vững chắc với thương hiệu từ trước đó, vốn là những yếu tố mà một nhân viên mới có thể phải mất nhiều năm để thấm nhuần”.
Dựa trên khảo sát này, các công ty đang tìm kiếm nhân sự có thể xem xét tái kết nối với cựu nhân viên, đồng thời, đào tạo các quản lý để thiết lập một quy trình nghỉ việc tích cực bởi ‘Boomerang Employee’ (nhân sự quay lại) có thể sẽ là một giải pháp cho tình trạng thiếu hụt nhân sự chuyên môn trong tương lai.
Tuy nhiên, Robert Walters lưu ý các nhà tuyển dụng là quản lý và thiết lập sự cân bằng giữa việc tái tuyển dụng nhân viên cũ với nhân sự hiện tại, đặc biệt trong trường hợp nhân sự cũ được trở lại với vị trí cao hơn trước đây.
Nhà tuyển dụng nên đánh giá xem đã cân nhắc toàn diện các cơ hội cho nhân viên hiện tại của mình hay chưa, nếu không, họ có nguy cơ gửi đi thông điệp rằng nhân viên của mình có thể chọn con đường ‘Boomerang Employee’ để thăng tiến và có phúc lợi tốt hơn.