Lần đầu tại Việt Nam, học sinh cấp 3 được hóa thân làm CEO, CMO

Vietnam High School Business Case (VHBC) là cuộc thi giải quyết tình huống kinh doanh đầu tiên dành cho học sinh THPT tại Việt Nam, do Tổ chức định hướng và phát triển tiềm năng trẻ (YEO) cùng The Trainee Club và Student Consulting Group kết hợp tổ chức.

“Business case” là tình huống mà các doanh nghiệp, công ty đưa ra, có thể là giả định rằng công ty đang gặp vấn đề, hoặc cơ hội tiềm năng để ra mắt một sản phẩm hay tiếp cận thị trường nào đó. Nhiệm vụ của các thí sinh là tìm ra nguyên nhân cốt lõi vấn đề, đưa ra giải pháp, thuyết phục ban giám khảo tin đó là giải pháp tốt nhất cho doanh nghiệp.

Chia sẻ tại sự kiện phát động hôm 1/10, anh Trần Ngọc Sơn, CEO của The Trainee Club và là trưởng ban tổ chức cuộc thi, cho biết “business case” là công cụ được dùng rất nhiều trong giáo dục để phục vụ phát triển kỹ năng kinh doanh. Những người tham gia được đặt vào vị trí mà mình đang muốn trở thành như CEO, CMO hay chuyên gia tài chính, từ đó có động lực, môi trường để học hỏi và tiếp thu nhanh hơn.

Từ trước tới nay, rất nhiều học sinh Việt Nam dù trong hay ngoài nước đều lựa chọn kinh doanh là ngành muốn học, nhưng gần như không có cơ hội để các bạn biết rằng liệu mình có thực sự thích kinh doanh không, hay chuyên ngành muốn theo đuổi. Thông qua VHBC, khi được đặt vào những vị trí mà các bạn có thể trở thành trong 10-20 năm nữa, các bạn sẽ có một chút cảm nhận“, anh Sơn cho hay.

Lần đầu tại Việt Nam, học sinh cấp 3 được hóa thân làm CEO, CMO - Ảnh 1.

Anh Trần Ngọc Sơn, trưởng ban tổ chức VHBC, phát biểu tại lễ phát động cuộc thi hôm 1/10

Anh Eric Hà, CEO của Student Life Care – đối tác chiến lược của cuộc thi, đánh giá tiềm năng của các em học sinh là không giới hạn, kể cả độ tuổi cấp 2 hay cấp 3. Dựa trên kinh nghiệm du học và làm việc tại Australia, anh còn cho rằng quan điểm không cho con đi làm sớm để tập trung vào học hành tại Việt Nam khá sai lầm, khiến các em bị chậm đi nhiều.

Tại Australia, khi đến các cửa hàng đồ ăn nhanh hay doanh nghiệp vừa và nhỏ, tôi nhận thấy những người phục vụ toàn là học sinh cuối cấp 2 hoặc cấp 3. Còn ở Việt Nam, phải đến đại học các bạn mới được bố mẹ cho đi làm thêm. Những việc như giao tiếp, bấm nút tính tiền, làm gà rán thì tới cấp 2, cấp 3 làm được rồi. Đến đại học, sinh viên ở nước ngoài đã bắt đầu xin vào những công ty lớn”, anh nói.

Trả lời chúng tôi, anh Sơn bày tỏ tự tin rằng học sinh Việt Nam đủ khả năng giải quyết các tình huống kinh doanh trong cuộc thi, bằng chứng là rất nhiều bạn Việt Nam từng tham gia những cuộc thi quốc tế lớn, xử lý vấn đề khó hơn. Năm 2018, đội thi gồm 3 học sinh trường chuyên Thăng Long (Đà Lạt) đã vô địch Tiger Global Case Competition, cuộc thi giải quyết tình huống kinh doanh cho học sinh THPT lớn nhất thế giới.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ các bạn rất nhiều trong quá trình học hỏi những kiến thức mới về kinh doanh cũng như cách tiếp cận, thông qua các mentor và training workshop”, anh nói thêm.

Đơn đăng ký tham dự VHBC được mở từ ngày 24/9 – 18/10 dành cho các em 14-18 tuổi, mỗi nhóm gồm 3 thành viên. Thí sinh theo học chương trình vượt cấp THPT hoặc đủ điều kiện vẫn được đăng ký thi. Cuộc thi sẽ diễn ra qua 3 vòng và kết thúc vào ngày 27/11, dự kiến thu hút được khoảng 1.000 thí sinh trên cả nước. Tổng giá trị giải thưởng dành cho quán quân là 75 triệu đồng.


Ánh Ngọc