Khan hiếm nhân lực ngành trí tuệ nhân tạo
Ngành công nghệ thông tin (CNTT) đang phát triển nhanh kéo theo nhu cầu nhân lực cũng tăng mạnh. Một ngành mới trong lĩnh vực CNTT xuất hiện vài năm gần đây là ngành trí tuệ nhân tạo (AI), đang thu hút khá lớn nhân lực.
Chỉ đáp ứng 10% nhu cầu thị trường
Thông tin gây ngạc nhiên cho những người tham dự Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2019 vừa được tổ chức, khi cho rằng nguồn nhân lực AI hiện chỉ đáp ứng 10% nhu cầu thị trường. Cuộc chiến tranh giành nhân sự ngành này đang là thách thức không nhỏ của nhiều doanh nghiệp (DN) công nghệ.
Ông Huỳnh Quốc Thắng, CEO Trường học Thông minh 789.vn – Công ty CP Công nghệ Giáo dục Tinh Hoa (quận Từ Liêm, TP Hà Nội), cho biết công ty của ông sau khi được đối tác ngoại đầu tư đã chi khá nhiều tiền cho các dịch vụ tuyển dụng để tìm những ứng viên giỏi, thực hiện các công đoạn số hóa và đưa trí tuệ nhân tạo vào ứng dụng của công ty. Tuy nhiên, đã 2 tháng nay không tìm được ứng viên nào dù mức lương, thưởng, chế độ phúc lợi khá cao so với mặt bằng chung. “Hiện chúng tôi cần ít nhất 5 nhân sự cho team AI và cũng con số đó cho chiến lược phát triển. Nhưng theo báo cáo của bộ phận nguồn nhân lực công ty, khả năng thuê freelance (tự do) là rất cao bởi nhân sự cho mảng AI ở Việt Nam thiếu và trình độ chưa cao. Chúng tôi đang tính đến phương án thuê ngoài, dù rủi ro về mặt công nghệ là rất cao nhưng không còn cách nào khác” – ông Thắng chia sẻ.
Doanh nghiệp công nghệ đang phải xoay xở cho bài toán nhân lực mảng AI
Giám đốc nhân sự một công ty công nghệ đang hoạt động tại Công viên Phần mềm Quang Trung (quận 12, TP HCM) có chung quan điểm với ông Thắng, rằng việc khan hiếm nhân sự ngành AI là minh chứng cho thấy nền kinh tế nước nhà đang phát triển tốt. Tuy nhiên, ở góc độ người hoạch định chiến lược nhân sự cho DN có gần 1.000 kỹ sư công nghệ, vị giám đốc này cảm thấy áp lực ngày một lớn cho sự phát triển của công ty khi nguồn nhân lực khan hiếm. “Công ty công nghệ nhưng chính con người mới làm nên sự phát triển của DN. Với những mục tiêu kinh doanh đưa ra, việc đầu tiên không phải là tiền đâu, mà là người đâu? Tôi đã phải đề xuất với công ty chiến lược tuyển sinh viên về đào tạo. Có thể mất 1-2 năm để đào tạo một nhân lực AI nhưng cách này còn hơn là đỏ mắt đi tìm người” – vị giám đốc này bộc bạch.
Cạnh tranh khốc liệt
Bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc vùng của Công ty việc làm Navigos Search North, cho rằng chưa thể đánh giá tổng thể nhu cầu nhân lực của ngành AI, song với tốc độ và tiềm năng phát triển những năm qua, có thể dự đoán ngành AI sẽ bùng nổ trong những năm tới.
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này, nhu cầu của DN tăng cao nhưng số lượng đào tạo chưa đáp ứng được. Nhiều DN phải chủ động tìm đến các trường đại học để phối hợp đào tạo và tìm nguồn nhân lực. Không chỉ thiếu hụt về số lượng, nhân sự trong lĩnh vực này thường có xu thế nhảy việc, đặc biệt khi các hãng công nghệ đổ xô tìm kiếm nhân lực khắp nơi. Đây là vấn đề đau đầu của DN trong việc tuyển dụng. Một khảo sát do Navigos Search North thực hiện mới đây trên nhóm ứng viên ngành CNTT cho thấy 70%-80% ứng viên muốn nhảy việc, hơn 50% nói sẽ ra nước ngoài làm việc nếu có lời mời hấp dẫn. “Qua khảo sát cũng cho thấy gần 60% DN tuyển dụng trong lĩnh vực CNTT nói họ gặp khó khăn lớn nhất là vấn đề nhân lực, sau đó mới đến vấn đề dữ liệu và gọi vốn đầu tư. Mức lương hiện nay dành cho các vị trí thuộc nhóm phát triển phần mềm liên quan đến AI khoảng 1.800 USD/tháng và khoa học dữ liệu là 1.600 USD/tháng. Dù lương rất hấp dẫn nhưng nguồn cung nhân lực khá ít ỏi nên nhiều DN gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân tài” – bà Ngọc Lan cho biết.
DN Việt cũng gặp phải sự cạnh tranh khi nhiều DN nước ngoài đến Việt Nam tìm kỹ sư công nghệ để mời sang nước họ làm việc do thiếu nguồn nhân lực công nghệ cao. Một làn sóng khởi nghiệp với việc thâu tóm, mua bán, sáp nhập các DN công nghệ trong nước với các đối tác ngoại cũng góp phần làm cho nguồn cung nhân lực AI ngày càng khan hiếm.
Đẩy mạnh đào tạo
Năm 2019, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội mở ngành cử nhân chất lượng cao về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo và đang đào tạo 40 sinh viên. Trường ĐH Công nghệ Thông tin – ĐHQG TP HCM đã đào tạo ngành này ở bậc cử nhân, hiện có 50 sinh viên từ năm 2017. Ngoài ra còn có một số trường đào tạo bậc thạc sĩ như Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội (30 người), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (15 người) và Viện John von Neumann – ĐHQG TP HCM (35 người). Một số cơ sở đào tạo khác như Học viện Kỹ thuật quân sự, Trường ĐH FPT, Trường ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Quy Nhơn… cũng đã xây dựng các chương trình học liên quan đến ngành AI.