Hà Nội rút gọn thủ tục chi tiền thuê trọ cho lao động

UBND TP Hà Nội ủy quyền cho các quận, huyện, thị xã xét duyệt, chi trả hỗ trợ tiền trọ ba tháng cho lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và quay lại thị trường.

Ngày 27/4, UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch hỗ trợ tiền thuê trọ cho người lao động. Với việc ủy quyền, thời gian giải quyết từ khi doanh nghiệp nhận đơn đề nghị đến khi tiền hỗ trợ về tới lao động khoảng 11-13 ngày. Phòng Lao động Thương binh và Xã hội trực tiếp chi trả tiền cho doanh nghiệp trong 2 ngày, sau khi UBND quận, huyện xét duyệt.

Theo quy định của Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố là cấp cuối cùng duyệt hồ sơ và cấp kinh phí hỗ trợ về doanh nghiệp.

Một khu trọ của công nhân KCN Thăng Long, (Đông Anh, Hà Nội) có mức thuê 500.000 đồng/phòng/tháng. Ảnh: Ngọc Thành

Một khu trọ của công nhân KCN Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội, có giá thuê 500.000 đồng/phòng/tháng. Ảnh: Ngọc Thành

Người lao động ở Hà Nội làm đơn đề nghị hỗ trợ theo mẫu nộp lên công ty. Doanh nghiệp lập danh sách, công khai tại nơi làm việc trong 3 ngày rồi gửi tới cơ quan Bảo hiểm xã hội để xác nhận lao động đang đóng bảo hiểm. Hồ sơ sau đó tiếp tục gửi về UBND cấp huyện thẩm định.

Doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ trực tiếp hoặc trực tuyến tới cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi đặt trụ sở đề nghị xác nhận. Thời gian cấp huyện tiếp nhận hồ sơ chậm nhất hết ngày 15/8. Thành phố cũng yêu cầu doanh nghiệp lưu trữ đơn đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà của người lao động ít nhất trong 5 năm.

Hà Nội có khoảng 165.000 lao động làm việc trong khu công nghiệp, tập trung tại Đông Anh, Long Biên, Thạnh Thất… và chưa có thống kê số thuê trọ.

Thủ tục lao động nhận tiền thuê trọ theo quy định của Chính phủ hôm 28/3 (Xem chi tiết). Đồ họa:Tạ Lư

Thủ tục lao động nhận tiền thuê trọ theo quy định của Chính phủ hôm 28/3 (Xem chi tiết). Đồ họa:Tạ Lư

Chính sách hỗ trợ tiền thuê trọ cho lao động với mức 0,5-1 triệu đồng mỗi người, tối đa ba tháng dành cho người có hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, (BHXH) đang làm việc trong doanh nghiệp và người quay lại thị trường lao động, làm việc khu công nghiệp, chế xuất, khu kinh tế, 24 tỉnh thành thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm. Khoảng 3,4 triệu người thụ hưởng, tổng kinh phí hỗ trợ 6.600 tỷ đồng.

Gói hỗ trợ nhằm “kéo” người lao động quay lại doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường lao động đứt gãy, các nhà máy thiếu nhân lực sau Tết Nguyên đán. Nhiều người về quê và đang băn khoăn có hoặc không trở lại thành phố. Sau thời gian này, nếu thị trường vẫn chưa thể phục hồi như kỳ vọng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tiếp tục đề xuất chính sách hỗ trợ cho lao động, doanh nghiệp.

Hồng Chiêu