Ngóng chờ kế hoạch giải ngân gói hỗ trợ thuê trọ

Liên tục nhận câu hỏi “bao giờ nhận đơn hỗ trợ thuê trọ” của công nhân, nhưng bộ phận hành chính các công ty chỉ biết trả lời “đợi kế hoạch của thành phố”.

Cuối tháng 3, Chính phủ ban hành gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng cho lao động thuê trọ đang làm việc trong các khu công nghiệp, chế xuất, vùng kinh tế trọng điểm hoặc quay lại thị trường. Trong đó người đang làm việc trong doanh nghiệp nhận hỗ trợ 500.000 đồng mỗi người một tháng, nhận hàng tháng, tối đa ba tháng. Người quay lại thị trường lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đóng tại khu công nghiệp, chế xuất, khu kinh tế trọng điểm nhận một triệu đồng mỗi tháng, tối đa ba tháng.

Anh Trần Mạnh Cường, Phó phòng Tổ chức hành chính Tổng công ty May 10 (Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội), nơi có hơn 3.000 lao động làm việc, cho biết tuần qua, cán bộ công đoàn, nhân sự doanh nghiệp liên tục nhận được câu hỏi từ công nhân về tiền hỗ trợ. Tuy nhiên, cơ quan phụ trách về lao động, bảo hiểm xã hội của quận Long Biên, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở cho biết phải “đợi thành phố ban hành kế hoạch triển khai”.

Vì vậy, dù mẫu đăng ký hỗ trợ thuê trọ đã có sẵn, chỉ cần phát đến tay người lao động để điền thông tin và xin chữ ký của chủ trọ, bộ phận hành chính vẫn chưa thể làm hồ sơ. Họ phải đợi hướng dẫn cụ thể từ thành phố để công nhân làm giấy tờ một lần, không mất công sửa đổi, bổ sung. “Nhận được tiền hỗ trợ mà phải đi lại xin giấy tờ nhiều lần, người lao động dễ nản lòng”, anh Cường nói.

Một dãy phòng trọ với giá 500.000 đồng/phòng của công nhân KCN Thăng Long (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội), tháng 2/2022. Ảnh: Ngọc Thành

Một dãy phòng trọ với giá 500.000 đồng/phòng của công nhân KCN Thăng Long (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội), tháng 2/2022. Ảnh: Ngọc Thành

Nhà máy May 10 tại Hà Nội có khoảng 400 công nhân thuê trọ quanh Sài Đồng, Long Biên, nơi giá thuê trọ khoảng một triệu đồng mỗi người. Món tiền hỗ trợ 500.000 đồng đến một triệu mỗi tháng, tùy nhóm lao động đáp ứng một nửa đến toàn bộ chi phí thuê nhà trong tháng, là khoản động viên công nhân sau hơn hai năm trải qua trong dịch.

Trong mẫu đơn mà người lao động tự điền có yêu cầu thông tin căn cước công dân, số điện thoại và phần xác nhận của chủ nhà trọ. Anh Cường đề xuất thành phố nên có phương án mở để tạo điều kiện cho người lao động trong trường hợp không xin được xác nhận từ chủ nhà. Đơn cử chủ nhà ngại công khai căn cước, hoặc người lao động thuê không chính chủ, chỉ qua người quản lý chung. “Có thể nhờ tổ dân phố, chính quyền địa phương xác nhận”, anh gợi ý.

Bên cạnh đó, điều kiện hỗ trợ với người quay lại thị trường lao động phải có hợp đồng lao động, đang đóng BHXH bắt buộc tại tháng liền kề hoặc có tên trong danh sách trả lương nếu chưa tham gia BHXH, theo anh Cường, là chưa hợp lý. Cụ thể, lao động muốn làm hỗ trợ từ tháng 4 thì bắt buộc đang đóng BHXH trong tháng 3, nhưng lúc này họ chưa đi làm thì chưa thể có tên trong danh sách tham gia BHXH. Người lao động có thể phải đợi sang tháng 5 mới có thể làm đơn đề nghị hỗ trợ.

Bày tỏ băn khoăn vì đến nay địa phương chưa có kế hoạch triển khai chủ trương của Chính phủ, đại diện Tổng công ty May 10 cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ vì quyết định đã quy định hồ sơ, thủ tục, thời gian giải quyết và mẫu đơn đi kèm khá đầy đủ. Ở từng địa bàn, địa phương có thể thông báo cho cán bộ nhân sự, công đoàn các công ty và tập huấn một buổi để doanh nghiệp thực hiện luôn.

Lý giải việc chậm trễ, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết đang lấy ý kiến các bên liên quan và 30 quận, huyện, thị xã về kế hoạch triển khai, dự kiến sang tuần sẽ trình UBND thành phố. Hiện Hà Nội có 165.000 lao động làm việc trong khu công nghiệp, chưa có thống kê số người thuê trọ.

Thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu (Việt Yên, Bắc Giang), nơi tập trung hàng nghìn công nhân thuê trọ, phần lớp là lao động Công ty Hosiden, cách nhà máy sản xuất vài trăm mét. Ảnh: Ngọc Thành

Thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu (Việt Yên, Bắc Giang), nơi tập trung hàng nghìn công nhân thuê trọ, phần lớp là lao động Công ty Hosiden, cách nhà máy sản xuất vài trăm mét. Ảnh: Ngọc Thành

Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Công đoàn Công ty Hosiden (KCN Quang Châu, Việt Yên) cũng liên tiếp nhận được câu hỏi của công nhân “bao giờ có tiền hỗ trợ thuê trọ?”. Ông Tân sốt ruột, phản ánh lên công đoàn khu công nghiệp, nhưng cũng chỉ biết chờ địa phương ban hành kế hoạch triển khai.

Hosiden – doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện điện tử có khoảng 6.000 lao động, phần lớn đến từ các tỉnh vùng núi phía Bắc, gần 2.000 công nhân trong số này đang thuê trọ quanh khu công nghiệp Quang Châu. Công nhân Hosiden phần lớn trọ trong thôn Núi Hiểu – nơi cách công ty chỉ vài trăm mét.

Theo khảo sát của cán bộ công đoàn, những phòng nhỏ, giá rẻ nhất khoảng 800.000 đồng, phòng có vệ sinh khép kín dao động 1,2-1,5 triệu đồng, chưa tính điện nước. Mức hỗ trợ đáp ứng được 60-80% chi phí tiền trọ cho công nhân. Sau Tết Nguyên đán, hơn 1.000 lao động của Hosiden trở thành F0, phải nghỉ việc 7-10 ngày điều trị. Nhiều công nhân chưa nhận được khoản nghỉ ốm từ Bảo hiểm xã hội nên đang mong có tiền hỗ trợ nhà trọ để trả sinh hoạt phí.

Ông Tân cho rằng nếu người lao động gặp khó khi lấy xác nhận từ chủ trọ, địa phương nên có thêm phương án lấy xác nhận từ trưởng thôn hoặc chính quyền xã, bởi cấp đó nắm rõ nhất ai là người đang thuê trọ. Ông cũng đề xuất thêm khi chính quyền tỉnh xét duyệt chi tiền hỗ trợ về cho doanh nghiệp chuyển cho lao động, cần thông báo thêm cho Liên đoàn lao động địa phương để công đoàn cơ sở nắm được, giám sát quá trình chi trả trong 2 ngày như quy định.

Hiện Bắc Giang có sáu khu công nghiệp, hơn 380 doanh nghiệp hoạt động, hơn 175.000 lao động làm việc và 55.000 người trong số này là lao động ngoại tỉnh, đang thuê trọ quanh khu công nghiệp. Vì thế không chỉ Hosiden, rất nhiều doanh nghiệp cũng đang ngóng chờ hướng dẫn.

Ông Trần Văn Hà, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Bắc Giang, cho biết Sở đang chỉnh sửa góp ý của các ngành để trình UBND tỉnh ban hành hướng dẫn trong tuần này. Sở đã thông báo cho doanh nghiệp tuyên truyền cho lao động biết để chuẩn bị sẵn hồ sơ. “Khi tập huấn cho cán bộ doanh nghiệp, có vướng mắc gì Sở sẽ trao đổi cụ thể. Nội dung nào ngoài thẩm quyền, Sở sẽ báo cáo xin ý kiến Bộ Lao động Thương binh và Xã hội”, ông Hà nói.

Thủ tục lao động nhận tiền thuê trọ (Xem chi tiết). Đồ họa:Tạ Lư

Thủ tục lao động nhận tiền thuê trọ (Xem chi tiết). Đồ họa:Tạ Lư

Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh thông tin, ngay sau khi Chính phủ ban hành quyết định, Bộ đã có công văn đôn đốc các tỉnh sớm ban hành kế hoạch triển khai ngay đầu tháng 4. Quyết định của Chính phủ đã có hướng dẫn rất rõ ràng về điều kiện, thủ tục và thời gian giải quyết, địa phương linh động trong khâu thực hiện bởi mỗi nơi có đặc thù riêng. Doanh nghiệp nên chủ động thông báo cho lao động để chuẩn bị hồ sơ và lập dần danh sách nhận hỗ trợ. “Quan trọng là địa phương có sốt sắng làm không”, ông nói.

Theo Thứ trưởng Thanh, cần có xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội để khuyến khích người lao động tham gia vào khu vực có quan hệ lao động, hợp đồng, mở rộng bao phủ chính sách an sinh. Yêu cầu có xác nhận của chủ nhà trọ là cần thiết, để chứng minh người đó đang đi thuê nhà và thực sự cần hỗ trợ. Bước này nhằm nâng cao trách nhiệm của người lao động khi đi thuê nhà thì phải ký hợp đồng, có thông tin đầy đủ để tránh thiệt thòi khi có các gói an sinh. Ngày 25 hàng tháng, các tỉnh thành sẽ tổng hợp, báo cáo tiến độ về Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Vướng mắc tới đâu, Bộ sẽ tháo gỡ đến đó.

70% lao động cả nước đang thuê trọ trong các khu nhà người dân tự xây, diện tích dưới 3 m2 mỗi người. 70% công nhân thuộc nhóm thu nhập dưới 10 triệu đồng, mức bình quân 4-6 triệu, chưa tính tăng ca. Theo khảo sát của công đoàn, tiền trọ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM… bình quân 1-2 triệu đồng mỗi phòng một tháng là gánh nặng lớn với lao động. Nhiều công nhân trẻ, chưa lập gia đình ở ghép với nhau cho rẻ, xoay xở trong 2-3 m2.

Hồng Chiêu