“Gen Z” – thế hệ lao động hiệu quả mới
Theo nhiều nghiên cứu đã được công bố, tới năm 2025, thế hệ Z (còn gọi là “gen Z” – những người sinh từ năm 1996-2012) dự kiến sẽ chiếm 30% lực lượng lao động tại Việt Nam. “Gen Z” lớn lên trong thời đại công nghệ bùng nổ.
Lực lượng lao động thuộc thế hệ này đang thể hiện những phẩm chất và kỳ vọng về môi trường làm việc mới. Bởi lẽ, họ vốn linh hoạt, khát khao khẳng định bản thân, chứng tỏ năng lực tại nơi làm việc, không bị ràng buộc vào các khuôn mẫu xã hội…
Sống chủ động
Nguyễn Phúc Gia Hưng (23 tuổi, quê Lâm Đồng) – trưởng nhóm sáng tạo nội dung của một công ty truyền thông lớn có trụ sở tại quận Gò Vấp, TP HCM – cho biết anh đã đi làm từ khi còn là sinh viên năm 3 ngành quan hệ công chúng Trường ĐH Văn Lang. Đến lúc ra trường, Gia Hưng đã được bổ nhiệm làm trưởng nhóm sáng tạo nội dung, phụ trách các kênh truyền thông số cho nhiều nhãn hàng nổi tiếng mà doanh nghiệp (DN) này đang thực hiện.
Thế hệ Z luôn kỳ vọng môi trường làm việc minh bạch, tôn trọng sự sáng tạo để họ thể hiện bản thân
“Trong nhóm có nhiều người hơn tuổi em nhưng tất cả đều làm việc rất chuyên nghiệp. Họ không quan trọng độ tuổi mà luôn san sẻ công việc cùng nhau và rất tôn trọng trưởng nhóm. Em cảm thấy may mắn là công ty luôn tạo điều kiện cho những người trẻ thể hiện mình và gần như không gặp rào cản nào. Đó cũng là lý do trong công ty em, đa phần “sếp” là người thế hệ Z” – Hưng nhận xét. Anh là đại diện tiêu biểu cho thế hệ lao động Z hiện nay.
Nói về vấn đề này, bà Phạm Lan Khanh, nhà sáng lập và điều hành mạng việc làm FreelancerViet, cho rằng trong 5 năm tới, “gen Z” sẽ giúp thị trường lao động, việc làm thay đổi mạnh mẽ khi sở hữu những ưu thế từ tiêu dùng, giải trí… cho đến việc tạo ra những điểm mới trong cuộc sống hiện đại. Khác với các thế hệ trước, “gen Z” có sự chủ động rất cao khi tìm kiếm cơ hội việc làm.
“Chẳng hạn, một bạn có niềm đam mê làm truyền hình nhưng học ngành ngân hàng đã tự thực hiện những video ngắn đưa lên TikTok, gây hiệu ứng mạnh đến nỗi một kênh truyền hình trực tuyến đã mời về cộng tác. Một bạn khác có đam mê kinh doanh đã âm thầm nghiên cứu kết quả kinh doanh, kênh bán hàng, hoạt động marketing của DN nọ. Khi “công trình” hoàn thành và trình ban giám đốc, bạn ấy đã được tuyển dụng vào vị trí quan trọng trong bộ phận phát triển kinh doanh của công ty. Đó là những dẫn chứng rất cụ thể cho thấy thế hệ Z rất “lạ đời” khi tìm việc” – bà Khanh dẫn chứng.
Trong phương thức giao tiếp công việc cũng cho thấy đa số những người “gen Z” chọn cách ứng dụng các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, Telegram… hoặc mạng nội bộ. Họ hạn chế gặp trực tiếp để tiết kiệm thời gian và linh hoạt về nơi làm việc. Vì vậy, việc kiến tạo môi trường làm việc phù hợp để thúc đẩy năng suất, sáng tạo… ở thế hệ lao động trẻ này là điều mà nhiều DN rất quan tâm.
Nguồn lực mới cho doanh nghiệp
Theo bà Phạm Thị Hoài Linh, Giám đốc Nhân sự Navigos Group, thập niên 2020 là thời điểm “gen Z” bắt đầu sự nghiệp. Khảo sát mới đây của Navigos Group cho thấy với nhiều người, tìm công việc mới có thể là điều đáng sợ nhưng với “gen Z” thì không. Họ dường như làm chủ được công nghệ và có những bước tiến nhanh khi tìm việc cũng như chuẩn bị cho mình trở thành những ứng viên xuất sắc.
“Thế hệ Z có xu hướng mở rộng mạng lưới khi quyết định tìm công việc mới. Họ hiểu rằng nhiều công việc tốt không hiển thị trên các nền tảng. Vì vậy, kết nối mạng trực tuyến và gặp trực tiếp là cách tốt nhất để cập nhật những gì đang xảy ra trong lĩnh vực của họ. Nhờ giỏi công nghệ nên thế hệ Z “bắt tín hiệu” việc làm tốt, cũng như xây dựng được hình ảnh của mình trên các mạng xã hội về tuyển dụng. Họ biết cách giới thiệu bản thân, kỹ năng và mục tiêu nghề nghiệp một cách chuyên nghiệp trên các nền tảng đó” – bà Linh nhìn nhận.
Ngoài ra, “gen Z” còn rất tích cực tham gia các hiệp hội nghề nghiệp, tham dự các sự kiện dành cho sinh viên của trường, kết nối với các chuyên gia làm việc trong lĩnh vực mà họ quan tâm. Họ tận dụng mọi cơ hội để gặp gỡ trực tiếp hoặc trực tuyến với những người khác trong lĩnh vực đó để tìm kiếm cơ hội.
Phát biểu tại tọa đàm “Văn hóa đa dạng và bình đẳng trong môi trường làm việc hiện đại” vừa được tổ chức ở TP HCM, bà Hoàng Hường, Giám đốc sản phẩm của Reputa Viettel, cho rằng “gen Z” là thế hệ có nhận thức khá rõ ràng về quyền được lựa chọn trong cuộc sống và công việc. Điều đó ảnh hưởng rất lớn tới việc lựa chọn con đường phát triển sự nghiệp của lớp nhân sự trẻ tuổi này.
“Môi trường làm việc và văn hóa DN cần được xây dựng dựa trên nền tảng trong suốt về mặt thông tin, ngang bằng về cơ hội phát triển, linh hoạt trong tư duy quản lý thì mới có thể tạo được động lực gắn bó và cống hiến lâu dài của các thành viên với tổ chức” – bà Hường nhấn mạnh.
Theo bà Hường, sự tham gia của thế hệ Z vào thị trường lao động đã tạo ra những cơ hội trong việc đẩy nhanh hơn nữa nỗ lực xây dựng văn hóa đa dạng, bình đẳng và bao trùm tại nơi làm việc. Những nỗ lực này không chỉ nhằm thu hút và giữ chân nguồn nhân lực trẻ mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển và đổi mới của DN trong bối cảnh hồi phục sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Tạo điều kiện để giới trẻ tự tin
Theo bà Phạm Lan Khanh, trong môi trường làm việc, sự hiện diện của những người thế hệ Z ngày càng nhiều. Vì vậy, các DN cần thay đổi chiến lược tuyển dụng, chính sách trọng dụng nhân tài và môi trường làm việc, qua đó tạo điều kiện để thế hệ trẻ tự tin khi đi làm. Chỉ khi được làm việc trong một môi trường tôn trọng sự bình đẳng và đa dạng như vậy, những người trẻ mới sẵn sàng lên tiếng, phát huy hết sức sáng tạo và khả năng của mình vì sự phát triển của DN.