Đừng để mất điểm trước nhà tuyển dụng
Tìm việc làm là quá trình gian nan với nhiều ứng viên (ƯV). Trong đó, chuẩn bị CV (hồ sơ xin việc) và trả lời phỏng vấn trực tiếp là hai khâu quan trọng nhất để có được công việc như ý. Theo các chuyên gia tuyển dụng, nếu CV quá hời hợt, thiếu chỉn chu, ứng tuyển công việc không đúng yêu cầu; không đầu tư kỹ năng trả lời phỏng vấn sẽ khiến cơ hội có được việc làm trở nên xa vời.
Thiếu chuyên nghiệp
Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM được 6 tháng, Nguyễn Thị Khả Hân (quê Bạc Liêu) vẫn khó khăn khi tìm việc làm.
Thành tích học tập tốt, ngoại ngữ khá, tuy chưa có kinh nghiệm nhưng Hân hoạt động đoàn đội rất năng nổ. Cô tạo CV trên nhiều trang tuyển dụng, thường xuyên tìm và nộp hồ sơ ứng tuyển trực tuyến. Trong nửa năm, cô đã ứng tuyển gần 100 vị trí nhưng chỉ vài nơi phản hồi, còn đa phần nhà tuyển dụng không xem hồ sơ.
Hân bắt đầu hoang mang và tự hỏi mình đã sai ở bước nào trong hành trình tìm việc. Cô trao đổi với nhiều anh chị đi trước, cả chuyên gia tuyển dụng và đáp án được chỉ ra là CV rất sơ sài, hình ảnh không chỉn chu, thậm chí còn lỗi chính tả. Do vậy, CV của cô không qua được “vòng gửi xe” vì quy trình tuyển dụng hiện nay gần như tự động và sử dụng công nghệ cao trong quá trình sàng lọc hồ sơ.
Phỏng vấn là một bước quan trọng trong quá trình tuyển dụng. Nó không chỉ giúp nhà tuyển dụng đánh giá đúng năng lực của người tìm việc mà còn giúp ƯV có cơ hội thể hiện bản thân để giành được vị trí mong muốn.
Tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa – ĐHQG TP HCM chưa lâu, Trần Văn Duy (quê Đồng Nai) nhanh chóng được gọi phỏng vấn sau vài lần ứng tuyển. Điểm mạnh của Duy là biết thiết kế dù là kỹ sư điện lạnh. Thế nhưng, sau nhiều lần phỏng vấn, anh vẫn chưa được gọi đi làm.
Giám đốc nhân sự một công ty mà Duy ứng tuyển cho biết dù có CV ấn tượng nhưng khi trả lời phỏng vấn trực tiếp, anh bộc lộ nhiều điểm yếu. Trong đó, đáng chú ý là kỹ năng giao tiếp kém, khả năng giải quyết tình huống chưa đạt và Duy thiếu chuyên nghiệp khi y phục không chỉn chu. Một tiểu tiết khác nhưng cũng thể hiện sự thiếu linh hoạt là khi không tìm được địa chỉ công ty, anh phải gọi hỏi nhân viên tuyển dụng nhiều lần mới đến được.
Sau buổi phỏng vấn, công ty đã gửi email phản hồi ƯV, giải thích lý do vì sao Duy chưa được chọn và hy vọng anh sẽ thay đổi để sớm có được việc làm. “Tôi thật sự bối rối khi nhận được phản hồi phân tích rất rõ ràng. Đó là bài học mà tôi không bao giờ quên. Nhờ đó mà tôi đã nhận ra thiếu sót của mình trong bước đường tìm việc” – Duy bộc bạch.
Sinh viên mới ra trường tìm việc tại một ngày hội việc làm ở TP HCM
Chất lượng hơn số lượng
Ông Nguyễn Tân Duy, phụ trách nhân sự Công ty CP Công nghệ và Thương mại Systech (tỉnh Bình Dương), cho rằng nộp hồ sơ nhiều nơi sẽ giúp ƯV có nhiều cơ hội tìm được việc làm, song sẽ có tác dụng ngược nếu CV thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, ứng tuyển nhiều vị trí không đúng yêu cầu tuyển dụng… Nhiều ƯV không chú trọng trong cách trình bày, thiết kế CV quá ngắn hoặc quá dài cũng mất điểm trước nhà tuyển dụng.
Theo ông Duy, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng quy trình tuyển dụng chuẩn để tuyển chọn nhân sự. Công ty CP Công nghệ và Thương mại Systech đang sử dụng các công cụ, phần mềm lọc hồ sơ ƯV, phỏng vấn qua điện thoại, làm bài kiểm tra năng lực và phỏng vấn trực tiếp. Trong đó, khâu lọc hồ sơ ƯV là quan trọng nhất. Vì vậy, nếu CV của ƯV không ấn tượng, thiếu chuyên nghiệp sẽ rất dễ bị bỏ qua, cơ hội sẽ vơi dần. Đó là nguyên nhân chính khiến nhiều người rải CV khắp nơi nhưng nhận được phản hồi rất ít.
Bà Nguyễn Thị An Hà, Giám đốc marketing và hợp tác chiến lược Công ty CP Kết nối nhân tài (Talentnet), cho rằng tâm lý muốn nhanh có việc làm khiến ƯV “thà gửi nhầm hơn bỏ sót”. Trong khi đó, nhà tuyển dụng hiện nay đa phần sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo để lọc hồ sơ. Nếu ƯV ứng tuyển không đúng vị trí sẽ khó có cơ hội lọt qua vòng đầu tiên. Do đó, việc nộp hồ sơ nhiều nơi trong bối cảnh hiện nay là không nên, thậm chí “lợi bất cập hại”.
Hiện nay, thị trường việc làm cạnh tranh khốc liệt. Kỹ năng đọc CV sắc bén là một trong những yếu tố quan trọng, đóng vai trò lớn trong tuyển dụng và nhận diện nhân sự; giúp nâng cao hiệu suất tổ chức của công ty và đạt được các mục tiêu sản xuất – kinh doanh. Để làm được điều này, tính linh hoạt và kỹ năng nhận diện nhân sự nhanh chóng, hiệu quả thông qua CV là rất cần thiết.
“Trong quá trình tìm việc, ƯV giỏi sẽ chú trọng CV chất lượng hơn là số lượng. Vì vậy, hãy gây ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng CV chất lượng cùng thư đính kèm thể hiện sự quan tâm đặc biệt của mình với vị trí ứng tuyển. Có như vậy, nếu lần này chưa đạt thì hồ sơ của ƯV sẽ được lưu lại cho những lần tuyển sau” – bà Hà nhìn nhận.