Đưa BHXH tự nguyện đến với lao động phi chính thức
Gần đây, số người tham gia BHXH tự nguyện đã có bước phát triển đột phá. Hiện có 2,94% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện.
Chủ động tiếp cận người nghèo
Do tác động của dịch Covid-19 thời gian qua, hình thức tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện được các địa phương tổ chức linh hoạt hơn. Theo bà Đàm Thị Hòa, Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội, năm 2021, bằng các giải pháp sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế, công tác phát triển người tham gia đã đạt được những kết quả khả quan, số người tham gia BHXH, BHYT đều tăng so với năm 2020. Năm 2021, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn thành phố là 63.304 người, tăng 14.630 người (tăng 30,06%) so với năm 2020. Đặc biệt với mô hình xã, phường điểm tại 30 quận, huyện, thị xã, trong 7 tháng triển khai đã phát triển mới được gần 3.500 người. Bình quân 1 xã điểm trong 7 tháng tăng mới được 115 người/xã tham gia BHXH tự nguyện, cao gấp 2,9 lần so với các xã khác. Tại một số xã điểm, định kỳ thứ bảy hằng tuần, đoàn thanh niên phường tổ chức tuyên truyền lưu động bằng loa về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến toàn thể nhân dân trên địa bàn. Năm 2022, BHXH Hà Nội đặt mục tiêu phát triển 108.917 người tham gia BHXH tự nguyện.
Lao động khu vực phi chính thức là đối tượng có thể tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: NGỌC TÚ
Tại Quảng Ninh, ngành BHXH đã ký chương trình phối hợp cùng Hội Nông dân, Hội Liên hiệp thanh niên, Bưu điện tỉnh đưa chính sách BHXH tự nguyện đến với người dân. Để tạo điều kiện cho người dân thuận tiện hơn trong tiếp cận, làm các thủ tục tham gia BHXH tự nguyện, ngành BHXH đẩy mạnh công tác cải cách hành chính. Việc thu, cấp sổ BHXH tự nguyện được thực hiện thẩm định và phê duyệt tại trung tâm hành chính công của các địa phương; khi người dân có nguyện vọng tham gia BHXH tự nguyện, chỉ cần báo địa chỉ của gia đình qua điện thoại, cán bộ bưu điện sẽ đến tận nhà để hướng dẫn làm thủ tục, thu tiền và cấp thẻ cho người dân. Hiện ngành đang tiếp tục tập trung các giải pháp để phát triển lượng lao động tham gia BHXH.
Cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng
Theo quy định của Luật BHXH, mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng. Từ năm 2022, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 330.000 đồng/tháng, tăng 176.000 đồng/tháng so với mức đóng BHXH tự nguyện của năm 2021 sau khi thực hiện chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025. Mức hỗ trợ tiền đóng của nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện cũng tăng từ 17.600 đồng đến 52.800 đồng, tùy đối tượng.
Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn, tạo điều kiện cho lao động phi chính thức được tham gia vào lưới an sinh để khi hết tuổi lao động có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng, được cấp thẻ BHYT miễn phí (trong suốt thời gian nhận lương hưu) để bảo đảm cuộc sống và chăm sóc sức khỏe. Phương thức, mức đóng cũng đa dạng tùy theo điều kiện của người dân, như: đóng hằng tháng; 3 tháng một lần; 6 tháng một lần; 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm/lần…
Theo BHXH Việt Nam, hiện cả nước có hơn 1,45 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,96% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, cao hơn 1,96% so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28. Tuy nhiên, so với con số 35 triệu lao động phi chính thức thì đây vẫn được xem là con số rất nhỏ, cần có nhiều cơ chế hỗ trợ, nhằm tăng dần số người lao động tham gia BHXH.
Lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện
Được hưởng lương hưu hằng tháng khi về già.
Được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu.
Được nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí tham gia.
Lương hưu được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng.
Được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân.
Trường hợp không tiếp tục tham gia, nếu có yêu cầu, được hưởng BHXH một lần tính theo số năm đã đóng BHXH.
Thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng (10 lần lương cơ sở) và chế độ tuất khi người tham gia qua đời.