Đổi mới để thu hút nhân tài

Nhiều chuyên gia cho rằng bí quyết để doanh nghiệp (DN) đổi mới là tạo không gian làm việc thoải mái, khuyến khích người lao động (NLĐ) đưa ra ý tưởng; 4 mẫu số chung của DN chuyển đổi thành công, đó là: chất lượng nhân tài và định hướng phát triển đúng đắn; sự kỷ luật; khả năng phối hợp của nhân lực trong tổ chức; sự bền bỉ.

Đề cao hòa nhập, bình đẳng

Ông Alan Malcolm, Giám đốc đối tác chiến lược tại Udemy (Mỹ), nói môi trường làm việc nếu cân bằng tốt giữa tự do và kỷ luật sẽ là mảnh đất sáng tạo màu mỡ hơn nơi khuôn mẫu cứng nhắc. Vì vậy, DN cần cân nhắc xây dựng văn hóa, môi trường làm việc phù hợp.

Theo ông Alan Malcolm, văn hóa học tập mạnh mẽ giúp NLĐ có cơ hội học hỏi kỹ năng cần thiết cho sự nghiệp của họ cao hơn gấp 20 lần, từ đó giúp DN tạo lợi nhuận trên 23% so với công ty khác. “Mỗi năm, 11% GDP toàn cầu thất thoát chỉ vì NLĐ mất kết nối với DN. Nếu NLĐ gắn kết, công ty có khả năng tạo lợi nhuận tốt hơn” – ông Alan Malcolm nói.

Bà Alexis Phạm, Giám đốc nhân sự Home Credit Việt Nam, cho rằng lãnh đạo nên là người đầu tiên thay đổi nếu muốn lực lượng lao động sẵn sàng chuyển mình. Đó cũng là lý do Home Credit Việt Nam đầu tư xây dựng môi trường làm việc đề cao hòa nhập, bình đẳng, thu hút và đồng hành với các nhân tài, nhất là lao động chuyển đổi số. Đổi mới còn nằm ở việc số hóa toàn bộ quy trình vận hành của nhân sự, góp phần tạo nên môi trường làm việc ổn định cũng như nâng cao trải nghiệm trong suốt quá trình làm việc của NLĐ tại công ty.

“Ngoài giữ cân bằng lành mạnh giới tính, độ tuổi, quốc tịch, chúng tôi còn thúc đẩy các đặc điểm đa dạng vô hình như chuyên môn về lĩnh vực và nền tảng công việc. Bên cạnh đó, luôn tối ưu hóa các chiến lược xây dựng – tuyển dụng – thuê ngoài nhân tài để có được năng lực mới và nâng cao thế mạnh của tổ chức” – bà Alexis Phạm nói.

Trong khi đó, bà Trần Thị Ái Liên, Phó Tổng Giám đốc nhân sự AIA Việt Nam, cho biết phát triển nguồn lực nhân sự nội bộ chính là phát triển về cả thể lực, trí lực, tài lực và nội lực. Khi NLĐ có sự chuyển đổi, DN sẽ tạo nên sự bứt phá. Theo bà Liên, nếu không thay đổi để phù hợp với thị trường lao động thì DN đang tự đánh mất năng lực cạnh tranh của chính mình, nhất là trong việc thu hút và giữ chân nhân tài. Cho nên, ở AIA Việt Nam, đổi mới về nhân sự theo tư duy “muốn chiều khách, phải chọn chiều nhân viên trước”.

Đổi mới để thu hút nhân tài - Ảnh 2.

Nhân tài công nghệ đang được các doanh nghiệp trong và ngoài nước săn đón. Ảnh: GIANG NAM

Bù đắp thiếu hụt nhân sự

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế gợi mở ý tưởng tận dụng nguồn nhân tài nước ngoài cho các DN Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng Giám đốc Talentnet Corporation, khẳng định tiếp cận được nhân tài các nước có thể giúp nguồn lực DN bước lên một tầm cao mới. Đi đầu với quy mô lớn trong chiến dịch thu hút nhân tài quốc tế là Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank). Từ năm 2022, ngân hàng này đã tổ chức thành công tuyển dụng tại Singapore, Anh và Mỹ, thu hút hơn 6.000 hồ sơ là các nhân tài gốc Việt.

Năm nay, chiến dịch “Thu hút nhân tài quốc tế” của Techcombank được tổ chức tại Úc nhằm tìm kiếm người Việt tài năng có khát vọng trở về quê hương làm việc. Ngân hàng này kỳ vọng tiếp cận được khoảng 2.000 ứng viên và tuyển dụng được ít nhất 10 nhân sự cấp cao với các kỹ năng, kinh nghiệm đặc thù. Úc đang phát triển rất nhanh, nhất là nhóm ngành công nghệ và dữ liệu.

Nước bạn cũng đã số hóa ngân hàng toàn diện, thị trường tài chính – ngân hàng sôi động nhất nhì thế giới. “Techcombank kỳ vọng thu hút được nhiều nhân sự cấp cao, sở hữu những kỹ năng, kinh nghiệm mà thị trường Việt Nam đang khan hiếm để giúp họ thực hiện thành công hành trình chuyển đổi 2021 – 2025” – bà Nikki Đặng Mỹ Quyên, Giám đốc nhân sự Techcombank, nói.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Chiến lược nhấn mạnh các chính sách, giải pháp đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài cả trong và ngoài nước, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như: khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, khoa học xã hội, y tế, thông tin và truyền thông, chuyển đổi số…

Mục tiêu đến hết tháng 6-2024, tất cả bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch thu hút, trọng dụng nhân tài. Năm 2025 thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước khoảng 10% so với tổng số tuyển dụng mới. Đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, duy trì tỉ lệ nhân tài thu hút vào làm việc khối cơ quan nhà nước khoảng 20% so với tổng số các trường hợp tuyển dụng mới hằng năm.