Doanh nghiệp phía Bắc ‘khát’ lao động

Được một số doanh nghiệp săn đón nên chỉ trong nửa tiếng, Huyền Trâm (Hà Nội) đã chốt được công việc mới với mức lương tháng hơn 10 triệu đồng.

Đặng Huyền Trâm, 29 tuổi, có mặt tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (215 Trung Kính) từ trước 8h sáng 24/2, thời điểm phiên giao dịch việc làm mở cửa. Cô đã vượt gần 20 cây số từ Long Biên sang Cầu Giấy để tìm kiếm công việc mới sau ba tháng nghỉ dịch và cạn tiền chi tiêu.

Đặng Huyền Trâm tại phiên giao dịch việc làm ở Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) sáng 24/2. Ảnh: Ngọc Thành

Đặng Huyền Trâm tại phiên giao dịch việc làm ở Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) sáng 24/2. Ảnh: Ngọc Thành

Trâm từng là nhân viên dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, song thu nhập năm ngoái trồi sụt bởi cửa tiệm đóng – mở liên tục theo quyết định chống dịch của chính quyền, hoặc phải cách ly vì tiếp xúc ca nhiễm.

Vừa tới sàn giao dịch, Trâm được vài doanh nghiệp săn đón và “ướm” được hai vị trí phù hợp. Sau nửa tiếng phỏng vấn, Trâm đồng ý làm nhân viên bán hàng cho một doanh nghiệp với mức lương hơn 10 triệu đồng, gần nhà, có thể đi làm từ đầu tháng 3. Lần đầu tiên cô cảm thấy tìm được công việc nhanh chóng và phù hợp với yêu cầu đặt ra.

Đặng Huyền Trâm nằm trong số hơn 19.300 lao động các doanh nghiệp cần tuyển trong phiên giao dịch kết nối 7 tỉnh thành phía Bắc, tổ chức sáng 24/2, gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Kạn và Lạng Sơn. Mức lương dao động 5-20 triệu đồng, trình độ từ lao động phổ thông đến kỹ sư, kế toán.

Riêng sàn giao dịch việc làm Hà Nội có 34 doanh nghiệp cần tuyển hơn 1.000 lao động, tập trung ở nhóm ngành may mặc, bán hàng, thu ngân, nhân viên y tế, kinh doanh, kỹ sư, lao động phổ thông. Song không nhiều lao động trực tiếp đến tìm việc làm, chủ yếu qua phỏng vấn online.

Chị Hạnh phỏng vấn online ứng viên vị trí kế toán, sáng 24/2. Ảnh: Ngọc Thành

Chị Hạnh phỏng vấn online ứng viên vị trí kế toán, sáng 24/2. Ảnh: Ngọc Thành

Ngồi trước máy tính, chị Vũ Thị Hạnh, Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty Thuận Phát (Đống Đa) phỏng vấn ứng viên qua màn hình cho vị trí kế toán. Chị đưa ra các chế độ của công ty như mức lương 10-13 triệu mỗi tháng, thưởng theo doanh thu, được nghỉ thứ bảy cuối tháng và chủ nhật hàng tuần, có thể làm việc online do dịch.

Kết hợp cả gặp trực tiếp lẫn online, chị Hạnh “chấm” được ba ứng viên tiềm năng. Công ty chuyên sản xuất vật liệu xây dựng đang thiếu 30 nhân viên kinh doanh, kế toán cho văn phòng Hà Nội lẫn nhà máy dưới Hưng Yên. Trước Tết, chị đã tìm kiếm một đợt nhưng chỉ tuyển được vài nhân viên, bởi người lao động còn phải đợi lương, thưởng ở công ty cũ rồi mới quyết định nghỉ việc.

Sau Tết, lượng hồ sơ tới nhiều hơn, song không dồi dào như mong muốn, có thể do dịch, người lao động ngại đến nộp hồ sơ trực tiếp. Chị Hạnh phải thông qua các kênh khác và thêm nhiều buổi phỏng vấn nữa mới có thể tìm được đủ vị trí mong muốn cho công ty.

Ở phân khúc lao động phổ thông, các doanh nghiệp liên tục tuyển mới bổ sung do công nhân không trở lại thành phố sau Tết, F0 chữa bệnh hoặc mở rộng sản xuất. Quay lại sản xuất gần một tháng sau Tết, các doanh nghiệp của tỉnh Bắc Giang – nơi có 8 khu công nghiệp, đang cần tuyển hơn 35.000 lao động trong quý này. Nhiều doanh nghiệp thành lập mới và mở rộng sản xuất, như TNHH Công nghệ Lens Việt Nam cần 3.000 công nhân; Công ty cổ phần Vinhome 9.000 lao động, tập trung ngành điện tử, xây dựng…

Một số công ty cần tuyển mới để bù vào số lao động không trở lại nhà máy và thay thế các F0, F1 liên tục tăng. Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Công đoàn Công ty Hosiden (khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang), cho biết khoảng 5.200 công nhân (trên 90%) lao động đã quay lại làm việc, song công ty vẫn liên tục tuyển dụng, mỗi đợt 100-200 người. Từ sau Tết đến nay, doanh nghiệp này ghi nhận gần 500 lao động là F0, mỗi ngày vài chục ca, có thời điểm xét nghiệm PCR phát hiện hơn 100 F0.

Ngành điện tử làm việc theo dây chuyền, một người nghỉ có thể ảnh hưởng tới cả tổ sản xuất nên doanh nghiệp phải nhanh chóng tìm kiếm người thay thế. Yêu cầu là lao động phổ thông, đọc thông viết thạo đều có thể ký hợp đồng lâu dài với mức lương hơn 5 triệu đồng, đóng BHXH đầy đủ. Ngoài ra, công ty vẫn duy trì chính sách hỗ trợ thuê phòng trọ cho lao động ở xa với mức thuê 1,3-1,5 triệu đồng mỗi người, khoảng 40 công nhân đang hưởng chính sách này.

Công nhân trong phân xưởng sản xuất của công ty Hosiden thuộc Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang), tháng 10/2021. Ảnh:VGP

Công nhân trong phân xưởng sản xuất của công ty Hosiden thuộc khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang), tháng 10/2021. Ảnh: VGP

Chị Thu Vân, phụ trách nhân sự một công ty may mặc tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), cho biết sau kỳ nghỉ Tết, công ty đã yêu cầu công nhân xét nghiệm trước khi trở lại nhà máy, song không ngăn được số nhiễm tăng cao khoảng hai tuần nay. Có bộ phận, F0 chiếm đến quá nửa khiến công nhân chưa nhiễm phải kiêm nhiệm nhiều vị trí. Một tuần qua, nhà máy liên tục đăng tin tuyển dụng lao động, chỉ cần thử việc một tháng liền ký hợp đồng dài hạn, song mới tìm kiếm được khoảng 30% lao động.

Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, dự báo quý I/2022 nhu cầu tuyển dụng sẽ còn tăng cao, nhất là trong khối sản xuất, dịch vụ thương mại, nhà hàng, khi du lịch, dịch vụ đang dần phục hồi. Việc thiếu hụt lao động ở một số nhóm ngành nghề sau dịch cho thấy dù mở cửa, thị trường lao động vẫn cần độ trễ để hồi phục.

Việc tuyển lao động phổ thông thời gian này cũng không dễ khi nhiều người đã về quê và chọn ở lại, tìm kiếm việc làm tại địa phương. Nhìn nhận ở phương diện tích cực, thiếu lao động đặt ra cho các doanh nghiệp bài toán như tăng lương, tăng phúc lợi, phụ cấp, chăm lo nhà ở… để giữ chân lao động trong bối cảnh không dễ tuyển dụng như hiện nay.

Hồng Chiêu