Doanh nghiệp cần gì ở ứng viên?
Tại talk show “Bí quyết chinh phục nhà tuyển dụng (NTD) và làm thế nào để sạc pin tinh thần hiệu quả” do Trường ĐH Tài chính – Marketing (UFM) tổ chức mới đây, nhiều thông tin hữu ích về cách viết CV (sơ yếu lý lịch), kỹ năng tìm việc, hành trang cần chuẩn bị cho sinh viên (SV) sắp hoặc mới ra trường… đã được các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nhân sự, tâm lý học… thông tin đến ứng viên, người lao động.
Cốt lõi là thái độ, kỹ năng
Dưới góc độ NTD nhân sự ngành tài chính – ngân hàng, ông Huỳnh Văn Hòa, Phó trưởng Phòng Tuyển dụng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cho biết ở mỗi doanh nghiệp (DN), tùy theo đặc thù và nhu cầu tuyển dụng, sẽ có các tiêu chuẩn riêng. Song có 3 yếu tố mà DN ở lĩnh vực, ngành nghề nào cũng đều áp dụng đối với ứng viên, dù là SV mới ra trường hay người lao động đã có kinh nghiệm, đó là thái độ, kỹ năng và kiến thức.
Trong đó, yếu tố thái độ sẽ chiếm 70%, kỹ năng 20% và kiến thức 10%. “Tuy nhiên, không vì kiến thức chiếm số ít mà SV sao nhãng chuyện học hành, bởi đây chính là nền tảng cơ bản, vững chắc để hòa nhập với DN. Xuất phát điểm giống nhau, kỹ năng có thể trau dồi trong quá trình cọ xát thực tế, song thái độ cầu thị, chịu khó lăn xả, cố gắng phát triển công việc thành sự nghiệp bền vững mới là điều DN cần ở người lao động” – ông Hòa nhấn mạnh.
Đại diện một doanh nghiệp phỏng vấn sinh viên tại “Ngày hội tuyển dụng tích hợp – Job Fair UFM” năm 2023
Đồng quan điểm, ông Mario Mendis, Tổng quản lý khách sạn Sofitel Sài Gòn, cho rằng ứng viên cần tìm hiểu kỹ về DN, niềm đam mê và ý chí cầu tiến để theo đuổi đến cùng con đường mình đã chọn. Bên cạnh đó, các yếu tố như cách viết CV, tìm hiểu về công ty, lịch hẹn phỏng vấn, trang phục, tác phong, thái độ gặp gỡ… cũng cần được chú trọng. Ấn tượng ban đầu rất quan trọng, tác phong chuẩn mực, trang phục chỉn chu chính là cách ứng viên minh chứng cho NTD thấy rằng “tôn trọng người khác là tôn trọng chính bản thân mình”.
Theo ông Bùi Đức Tuệ, Giám đốc điều hành Tập đoàn BIN Corporation Group (quận 7, TP HCM), ngoài thái độ, kiến thức và kỹ năng, NTD cũng đặc biệt quan tâm việc SV có thường xuyên tham gia các hoạt động ngoại khóa, các kỳ kiến tập – thực tập tại DN, các buổi tham vấn nghề nghiệp… hay không. “Những hoạt động này sẽ giúp NTD đánh giá được ứng viên tham gia ứng tuyển có tinh thần học hỏi, nâng cao kiến thức, không ngừng cải thiện kỹ năng” – ông Tuệ nói.
Tạo sự khác biệt
Chia sẻ bí quyết để chinh phục NTD dành cho ứng viên mới ra trường, tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An – Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp 4.0 JobWay, cố vấn cấp cao Tổ chức Giáo dục AEG Việt Nam – cho rằng ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường, SV cần sớm xác định được điểm khác biệt của bản thân và có sự đầu tư đúng mức. Từ đó, vạch rõ lộ trình nghề nghiệp trong 5-10 năm, tìm hiểu kỹ về DN muốn hướng tới sẽ giúp ứng viên chuẩn bị sẵn sàng tâm thế vững vàng, phong thái tự tin cho nghề nghiệp tương lai.
TS An dẫn chứng cách đây 8 năm, ông từng tham gia hội đồng tuyển dụng của một DN có vốn đầu tư nước ngoài (chuyên sản xuất nước giải khát tại TP HCM). Tại thời điểm đó, tỉ lệ tuyển chọn cho một vị trí chỉ 1/20 thì nay là 1/60 trở lên để tìm ra một ứng viên phù hợp. Trong gần 500 hồ sơ ứng tuyển hôm đó, hầu hết đều như nhau gồm: CV, giấy khám sức khỏe, bằng cấp liên quan… với khoảng 8 trang A4. Trong đó, chỉ một hồ sơ với 108 trang đã gây chú ý của NTD, dù ứng viên này chỉ mới tốt nghiệp đại học.
Hồ sơ này chỉn chu với những thông tin chi tiết về DN được chuẩn bị từ năm nhất đại học, cùng khả năng thuyết trình ấn tượng đã giúp ứng viên chinh phục NTD ngay từ vòng phỏng vấn đầu tiên. “Hãy chứng minh cho DN thấy bạn không chỉ là người phù hợp nhất với công việc mà còn là mảnh ghép không thể thiếu để tăng sức mạnh cho DN. Muốn làm được điều đó, bản thân ứng viên phải là người hiểu rõ và phải biết được vị trí của mình ở đâu” – TS An lưu ý.
Các diễn giả chia sẻ tại talkshow “Bí quyết chinh phục nhà tuyển dụng và làm thế nào để sạc pin tinh thần hiệu quả” do UFM tổ chức
TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng UFM, cho biết mục tiêu lâu dài và bền vững của nhà trường là xây dựng hình ảnh SV UFM năng động, sáng tạo, có tinh thần trách nhiệm, có kỹ năng sống và làm việc trong môi trường kinh tế mang tính cạnh tranh cao. Hiện phần lớn SV của trường đều có kiến thức cần thiết nhưng khi bước vào một môi trường mới, họ cần phải có bước chuẩn bị thật kỹ.
“Vì vậy, SV cần biết nắm bắt cơ hội để vươn tới thành công. Giai đoạn khi mới bước vào thị trường lao động sẽ giúp các em học hỏi, thể hiện kỹ năng, kiến thức trong môi trường DN, để nhà tuyển dụng và DN có cách nhìn tốt nhất về nhân sự mới” – TS Đạo nhấn mạnh.
Nỗ lực hết mình
Theo ông Pardhu Narukula, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành The Bear Connection (quận 1, TP HCM), trước khi có một sự nghiệp vững vàng, một nơi làm việc lý tưởng, ứng viên phải trải qua 4-5 vòng phỏng vấn tại mỗi DN ứng tuyển. Khi ứng viên vượt qua các vòng phỏng vấn là bước đầu chạm ngõ thành công. Bởi mọi thứ đều sẽ khó khăn trước khi trở nên dễ dàng nhưng khi nỗ lực hết mình, dám nghĩ, dám làm thì chứng tỏ ứng viên đã thành công.