Địa phương ‘đau đầu’ vì lao động xuất khẩu bỏ trốn

Với gần 900 lao động cư trú bất hợp pháp, chiếm 8,8% trong 6.000 người đi làm việc tại Hàn Quốc, tỉnh Thanh Hóa đã tìm mọi cách xử lý song không hiệu quả.

Tại hội thảo ngày 16/8, ông Lê Thanh Tùng, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, cho biết địa phương đang phải đối mặt với tình trạng lao động hết hạn không về nước mà ra ngoài làm việc không có giấy tờ. Tỷ lệ lao động đang cư trú bất hợp pháp chiếm gần 8,8% trong tổng số 6.000 người của tỉnh đi làm việc tại Hàn Quốc.

Đông Sơn và Hoằng Hóa là hai trong số 8 huyện thuộc bốn tỉnh phía Bắc phải tạm dừng tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc, theo thông báo từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hồi tháng 6.

Trong danh sách còn có TP Chí Linh (Hải Dương); thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên (Nghệ An); huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Đây đều là những huyện thị có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nhiều hơn 70 người và tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn từ 27% trở lên.

Một lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp, làm việc trong nhà xưởng ở Hàn Quốc năm 2016. Ảnh: Tiến Hùng

Một lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp, làm việc trong nhà xưởng ở Hàn Quốc năm 2016. Ảnh: Tiến Hùng

Ông Tùng lý giải lao động ra ngoài tìm kiếm việc làm chủ yếu do chênh lệch thu nhập lớn, gấp 7-10 lần. Một bộ phận bỏ qua quy định pháp luật của nước ngoài bởi biết trở về khó tìm kiếm công việc trong nước với mức lương tương đương. Ngoài ra, một số chủ sử dụng lao động nước ngoài muốn tuyển dụng họ để giảm các chi phí về BHXH, BHYT, phúc lợi so với lao động có hợp đồng chính thức.

Tỉnh đã áp dụng nhiều giải pháp ngăn chặn, như hướng dẫn các huyện, thành phố ký cam kết, giao chỉ tiêu cho tổ chức đoàn thể, chính quyền vận động lao động về nước đúng hạn; gửi danh sách người cư trú bất hợp pháp để thông báo đến từng thôn xóm, gia đình lao động. Song tình trạng trên vẫn diễn ra. “Chế tài xử phạt đã có, song chưa hiệu quả khi lao động còn ở nước ngoài”, ông Tùng nói.

Đại diện Công ty TNHH Tập đoàn Quốc tế Sài Gòn phân tích lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc không về nước làm xấu hình ảnh Việt Nam, còn khiến nhiều nước thu hẹp, thậm chí từ chối lao động Việt. Đơn cử Hàn Quốc từng tạm ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam từ năm 2012 đến năm 2016.

Tại Nhật Bản, tỷ lệ lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc khá cao. Nguyên nhân là những người có chủ đích ra ngoài làm việc thường có bạn bè, người thân quen đang sinh sống tại Nhật Bản. Họ sẽ được hỗ trợ tìm chỗ ở với chi phí rẻ để tiếp tục đi làm. Một số công ty đưa người đi thu phí gấp 2-3 lần, thậm chí có cả “phí môi giới”, trở thành gánh nặng cho lao động.

Chính vì phải đầu tư chi phí lớn trước khi đi nên nhiều người sẵn tâm lý kiếm tiền nhanh để thu hồi vốn, bất chấp vi phạm pháp luật. Lao động trước khi đi phải ký quỹ, đặt cọc… tạo thành gánh nặng, càng kích thích họ tìm cách bỏ ra ngoài làm việc để trang trải nợ nần.

Thí sinh đi làm việc theo Chương trình EPS bước qua cổng dò kim loại trong kỳ thi tiếng Hàn năm 2017. Ảnh: Giang Huy

Thí sinh đi làm việc theo Chương trình EPS bước qua cổng dò kim loại trong kỳ thi tiếng Hàn năm 2017. Ảnh: Giang Huy

Để hạn chế tình trạng này, đại diện doanh nghiệp cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm tra chặt chẽ việc thu phí của công ty xuất khẩu lao động và xử phạt nặng đơn vị làm sai; có chế tài đủ mạnh với doanh nghiệp, lao động phá vỡ hợp đồng, như phạt tiền hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về lâu dài, Nhà nước cần tạo việc làm cho lao động hậu xuất khẩu. Thực tế nhiều người thất nghiệp sau khi về quê càng thôi thúc người đang làm việc tìm mọi cách ở lại. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng cần đàm phán nâng thời hạn hợp đồng đi làm việc, lên hơn 5 năm thay vì mức thông thường 3 năm như hiện nay. Có như vậy, lao động mới yên tâm làm việc, không còn tâm lý bỏ trốn ra ngoài hoặc hết hợp đồng không về nước.

Theo quy định, lao động Việt Nam trước khi đi làm tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS phải ký quỹ 100 triệu đồng tại ngân hàng Chính sách xã hội tại nơi đăng ký thường trú. Thời hạn ký quỹ 5 năm 6 tháng, để đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn.

Lao động làm việc ở nước ngoài bỏ trốn khỏi nơi làm việc trong hợp đồng hoặc ở lại làm việc trái phép sẽ bị phạt tiền 80-100 triệu đồng. Trường hợp xử phạt thuộc ba nhóm: Người ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động, hết hạn cư trú; bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng; nhập cảnh nước tiếp nhận lao động mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng. Ngoài phạt tiền, lao động vi phạm còn bị cấm đi làm việc ở nước ngoài 2-5 năm.

Nếu quyết định xử phạt không thể giao trực tiếp cho người vi phạm thì sẽ được niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã nơi cư trú của người đó trước khi đi làm việc ở nước ngoài, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi đã ra quyết định xử phạt và được gửi cho gia đình người bị xử phạt hoặc người bảo lãnh (nếu có).

Theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), chi phí tuyển dụng trung bình của lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài khoảng 165 triệu đồng để có công việc đầu tiên. Mức này tương đương 8 tháng lương tại quốc gia tiếp nhận lao động.

Những ngành thu hút lao động Việt Nam nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, dịch vụ lưu trú và ăn uống, chi phí tuyển dụng bình quân, từ 160 đến 200 triệu đồng. Theo ILO, chi phí này khiến nhiều lao động phải lựa chọn di cư không đầy đủ giấy tờ hoặc rơi vào cảnh lệ thuộc vì nợ.

Hồng Chiêu