Ba lý do quận, huyện TP HCM chậm chi tiền hỗ trợ nhà trọ

Hồ sơ từ doanh nghiệp nộp về quận bị tắc, chờ xác nhận đủ ba tháng, cán bộ sợ sai bị kỷ luật là những nguyên nhân khiến gói hỗ trợ nhà trọ ở TP HCM chậm trễ.

Công ty cổ phần công nghiệp xây dựng Nguyên Cát (quận 11) có 12 lao động ở trọ đủ điều kiện nhận gói hỗ trợ theo diện đang làm việc tại doanh nghiệp, với thời gian hưởng ba tháng. Làm đề nghị hỗ trợ thuê trọ đầu tháng 6 nhưng đến ngày 5/8, hồ sơ của Công ty Nguyên Cát mới đến phòng Lao động quận 11 để xét duyệt chi tiền. Khoảng ngày 10/8, tiền hỗ trợ mới về tài khoản công ty.

Giải thích lý do nộp hồ sơ trễ, chị Nguyễn Thị Ngọc Diễm My, phụ trách nhân sự công ty, cho hay vào tháng 5 công nhân đã làm đơn, lấy thông tin chủ nhà trọ. Đầu tháng 6, doanh nghiệp nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm để xác nhận quá trình tham gia. Tuy nhiên, thời điểm này Bảo hiểm xã hội quận 11 chỉ xác nhận được hai tháng 4, 5. Đầu tháng 7, công ty nộp đề nghị hưởng tháng 6, gần ba tuần sau hồ sơ mới được trả về.

Chị Diễm My (áo vàng), Công ty Nguyên Cát, nộp hồ sơ tại phòng lao động quận 11. Ảnh: Lê Tuyết

Chị Diễm My (áo vàng), Công ty Nguyên Cát, nộp hồ sơ tại phòng lao động quận 11. Ảnh: Lê Tuyết

Có xác nhận đủ ba tháng của cơ quan bảo hiểm, công ty mới nhập dữ liệu người lao động lên hệ thống quản lý trực tuyến gói hỗ trợ thuê nhà để cán bộ phòng lao động kiểm tra trước. Sau khi được thông qua, chị Diễm My mới mang hồ sơ giấy lên nộp trực tiếp để tổ thẩm định của quận phê duyệt. “Quyết định 08 cho phép nộp hồ sơ hỗ trợ từng tháng nhưng như vậy rất lắt nhắt nên công ty thống nhất đợi đủ ba tháng nộp một lần”, chị My nói.

Công ty Nguyên Cát là một trong hơn 100 doanh nghiệp ở quận 11 xong hồ sơ, hoàn thành việc nhập dữ liệu người lao động lên hệ thống quản lý chi gói hỗ trợ của thành phố. Trong đó, 50% đơn vị đã được quận thẩm định và ra quyết định chi hơn một tỷ đồng. Ông Nguyễn Phi Long, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận 11, nói số tiền chi mới đạt 6% của 15 tỷ đồng được cấp.

“Hồ sơ nộp về quá ít. Từ cuối tháng 7, phòng mới bắt đầu nhận, trung bình mỗi ngày 10 doanh nghiệp hoàn thành”, ông Long nói. Phân tích nguyên nhân, lãnh đạo phòng lao động quận 11 cho rằng có thể do các công ty chờ đủ ba tháng gộp nộp một lần, miễn đảm bảo trước ngày 15/8.

Ngoài ra, so với quy trình chung, thành phố có thêm một bước doanh nghiệp nhập dữ liệu người lao động nhận hỗ trợ lên hệ thống quản lý trực tuyến. Điều này giúp lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM theo dõi tiến độ giải ngân của địa phương. Tuy nhiên các trường dữ liệu của hệ thống với mẫu đề nghị tại Quyết định 08 hỗ trợ nhà trọ chưa đồng nhất, doanh nghiệp phải nhập thủ công. Với những công ty nhiều lao động việc này mất khá nhiều thời gian.

“Chỉ cần nhập sai định dạng ngày, tháng hệ thống sẽ báo lỗi, không cho hoàn thành. Người làm phải rà lại từ đầu”, chị Hoàng Trang, chuyên viên phòng lao động quận 11, trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp nói. Mỗi ngày chị nhận vài chục cuộc điện thoại đề nghị hỗ trợ của công ty. Nhiều trường hợp chị phải dùng phần mềm đăng nhập vào máy tính của họ để xử lý từ xa.

Trước đó, cuối tháng 3, Chính phủ ban hành Quyết định 08 về thực hiện chính sách hỗ trợ khoảng 6.600 tỷ đồng tiền thuê nhà cho 3,4 triệu người lao động. Mỗi người sẽ nhận được 500 nghìn đến một triệu đồng mỗi tháng, tối đa 3 tháng. TP HCM là địa phương có số người thuộc diện hỗ trợ nhiều nhất, gần gần 1,1 triệu người, kinh phí dự trù hơn 1.700 tỷ đồng.

Cũng là quận tiến độ giải ngân gói hỗ trợ thuê trọ chậm, quận 12 phải bố trí thêm 8 nhân sự hỗ trợ phòng lao động để đẩy nhanh tiến độ. Bà Võ Thị Chính, Phó chủ tịch UBND quận 12, cho biết từ giữa cuối tháng 7 hồ sơ mới đổ về nhiều. Với trên 1.000 doanh nghiệp và gần 48.000 lao động đã được bảo hiểm xác nhận, hơn 20 cán bộ phụ trách phải làm ngoài giờ, thứ 7, chủ nhật không được nghỉ để rà soát hồ sơ.

“Thứ tự tên người lao động được doanh nghiệp lập trên danh sách giấy và đẩy hệ thống quản lý không thống nhất nên khâu rà soát rất mất thời gian”, bà Chính nói. Một doanh nghiệp 300-400 lao động, cán bộ phải mất 2-3 ngày mới xong hồ sơ.

Người lao động Công ty Samho thuê trọ ở huyện Củ Chi. Ảnh: Lê Tuyết

Người lao động Công ty Samho thuê trọ ở huyện Củ Chi. Ảnh: Lê Tuyết

Theo bà Chính, người lao động tự chịu trách nhiệm về lời khai của mình nhưng phòng lao động cũng phải kiểm tra kỹ những trường hợp làm việc ở quận 12 nhưng thuê trọ ở Tiền Giang, Bến Tre, Hà Nội để mở văn phòng đại diện, nhà máy…. “Nếu ở trọ trên địa bàn, chỉ cần liên hệ phường xã sẽ xác nhận được ngay nhưng ở các địa phương khác cán bộ phải làm thêm một bước gọi điện hỏi, đề phòng sai sót”, bà Chính nói.

Một lý do khác khiến tiến độ thẩm tra, giải ngân gói nhà trọ chậm là nhân sự của phòng lao động quận, huyện quá ít so với khối lượng công việc. Cùng thời gian này, các địa phương vẫn đang tiếp tục chi trả gói 26.000 tỷ đồng cho các trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động, chi hỗ trợ tiền ăn cho F1, F0 theo Quyết định 68, hoàn thành hồ sơ cho ba gói hỗ trợ trước đó… Chưa kể, nhiều địa phương “sợ sai bị kỷ luật” như các gói hỗ trợ trước.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM Lê Văn Thinh cho biết tính đến ngày 4/8, đã có hơn một triệu hồ sơ được Bảo hiểm xã hội xác nhận, chiếm hơn 90%. Tuy nhiên các địa phương mới chỉ tiếp nhận gần 20% hồ sơ và thẩm định phê duyệt được trên 8%, tỷ lệ giải ngân gần 6% trong tổng số hơn 1.700 tỷ đồng. Trong đó, TP Thủ Đức đã chi 38 tỷ đồng, Củ Chi 26 tỷ đồng, Bình Tân 11 tỷ đồng, ba quận, huyện khác cũng đã chi trên 10 tỷ đồng. Các quận 1, 3, 11, 12 có số chi rất thấp.

Theo ông Thinh, tiến độ duyệt hồ sơ của cơ quan bảo hiểm đạt yêu cầu nhưng giữa doanh nghiệp nộp về quận, huyện đang tắc. Sở đã tham mưu thành phố lập 4 đoàn kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện. UBND TP HCM yêu cầu quận, huyện, TP Thủ Đức hoàn thành việc chi trả hỗ trợ nhà trọ trong tháng 8.

Lê Tuyết