Công nghệ đe dọa việc làm của người lao động
Báo cáo “Triển vọng việc làm năm 2023” vừa được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố, người lao động (NLĐ) đang lo lắng mất việc bởi trí tuệ nhân tạo (AI), ChatGPT và các công nghệ tiên tiến khác. OECD cho rằng cuộc cách mạng AI, ChatGPT đang ở giai đoạn khởi đầu của một cuộc cạnh tranh vị trí việc làm khốc liệt trong thời gian tới.
Chấp nhận và vượt qua
OECD lưu ý các công việc có nguy cơ bị tự động hóa cao nhất chiếm trung bình 27% lực lượng lao động ở các quốc gia thành viên. Theo kết quả khảo sát của OECD, cứ 5 NLĐ thì có 3 người lo sợ có thể mất việc do AI trong 10 năm tới. 2/3 số NLĐ được hỏi cho biết tự động hóa đã giúp công việc của họ bớt nguy hiểm hoặc tẻ nhạt hơn.
Là kỹ sư cầu nối (BrSE) công nghệ cho Công ty CP Fujinet Vietnam, anh Vũ Ngọc An Ninh (29 tuổi, ngụ TP HCM) cho biết gần như năm nào công ty cũng cử nhân viên ra nước ngoài học để đáp ứng nhu cầu công việc. Bản thân anh Ninh cũng 2 lần qua Nhật Bản học và làm cho công ty mẹ tại đây trước khi về Việt Nam đảm nhận vị trí kỹ sư trưởng.
“Ngành này đào thải nhanh, nếu không học liên tục thì khó hoàn thành công việc. Hơn nữa, chính AI và ChatGPT đang đe dọa công việc với chính cả những người tạo ra nó” – anh Ninh nói. Nhiều đồng nghiệp trong ngành của anh tại các doanh nghiệp (DN) khác đã “rời cuộc chơi” khi bị cắt giảm nhân sự theo hướng chọn người đa nhiệm, có tinh thần học hỏi cao và sẵn sàng với áp lực công việc.
Sinh viên cần được trang bị thiết bị công nghệ hiện đại và luôn cập nhật kiến thức chuyên ngành
Anh Đồng Hải Anh (31 tuổi, quê Nghệ An) là một trong hàng chục ngàn “nạn nhân” của làn sóng sa thải của các DN công nghệ Mỹ. Sau hơn 6 năm làm việc tại một công ty công nghệ lớn tốp đầu tại Mỹ, anh buộc phải về nước tìm cơ hội mới. “Tôi nhanh chóng tìm được việc làm tại Việt Nam bởi nhiều DN đang cần những người có kinh nghiệm. Tôi chấp nhận mức lương theo thị trường khá thấp nhưng ở đây lại được trọng dụng. Đó là niềm vui của tôi khi quyết định về nước làm việc” – anh Anh bày tỏ.
Để cạnh tranh trong bối cảnh hiện tại, anh Hải Anh cho rằng NLĐ trong ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam cần học những kiến thức và kỹ năng theo chuẩn của Hội đồng Kiểm định các chương trình đào tạo kỹ thuật – công nghệ của Mỹ (ABET), chuẩn của kỹ sư CNTT những nước phát triển. Bên cạnh đó, cần học và thi các chứng chỉ quốc tế về CNTT để gia tăng cơ hội việc làm.
Để không bị đào thải
Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc công nghệ của TopDev, cho biết nguồn cung nhân lực CNTT tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu như mong đợi của ngành. Tốc độ phát triển nhanh chóng của CNTT và các xu hướng mới như AI, đám mây và internet vạn vật đòi hỏi kiến thức chuyên môn cao và sự chuyên sâu trong lĩnh vực CNTT.
Theo ông Bình, hiện công tác đào tạo nhân lực CNTT chất lượng chưa cao, nhiều trường thiếu đội ngũ giảng viên giỏi, thiếu trang thiết bị thực hành, còn nặng về lý thuyết và chậm tiếp cận các xu hướng công nghệ mới. Trong khi đó, chuyển đổi số tại Việt Nam đang diễn ra khá mạnh mẽ. Nước ta cũng là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các “ông lớn” trong ngành CNTT thế giới. Vì vậy, nhu cầu tuyển dụng nhân lực CNTT là rất lớn.
“Để cải thiện chất lượng nhân lực CNTT, các cơ sở đào tạo phải không ngừng cập nhật kiến thức chuyên môn để phù hợp với sự thay đổi của công nghệ. Đẩy mạnh đào tạo kỹ năng ngoại ngữ và kỹ năng mềm cho kỹ sư CNTT tương lai để họ có thể tiếp cận với kiến thức trên toàn cầu và không bị “choáng ngợp” khi đặt chân vào môi trường làm việc chuyên nghiệp” – ông Bình nói.
Ở góc độ nhà tuyển dụng, bà Phạm Lan Khanh, Giám đốc Công ty CP Truyền thông số Flamningo, cho rằng hiện DN có 2 xu hướng tuyển dụng nhân sự CNTT. Đầu tiên là tập trung tuyển vị trí đa kỹ năng, kinh nghiệm cao và xu hướng thứ 2 là nâng cấp nội bộ nguồn nhân lực sẵn có. Trong bối cảnh tối ưu chi phí, đa phần các DN chọn xu hướng này để tiết kiệm.
Tuy vậy, nhiều nơi gặp khó khăn trong việc nâng cấp đội ngũ sẵn có bởi vẫn còn nhiều nhân sự không chịu “làm mới mình”. “Đây cũng là điểm yếu của nhân lực CNTT hiện nay ở nước ta. Công nghệ thay đổi từng ngày, từng giờ nên chuyên môn, vị trí công việc của NLĐ vì thế cũng thay đổi. Do đó, việc có bị đào thải hay không là do chính bản thân NLĐ chứ thị trường thì luôn rộng mở” – bà Khanh nói.
Chưa đáp ứng được nhu cầu
Theo số liệu về thị trường CNTT tại Việt Nam của TopDev, nhu cầu nhân lực cho ngành tăng liên tục. Giai đoạn 2022-2024, mỗi năm Việt Nam thiếu hụt khoảng 150.000-195.000 lập trình viên, kỹ sư CNTT, kỹ sư AI. Hiện chỉ có 35% trong số 57.000 sinh viên chuyên ngành CNTT đáp ứng được yêu cầu của DN, số còn lại phải đào tạo thêm. Dù được săn đón với mức lương hấp dẫn, nguồn cung nhân lực trong lĩnh vực CNTT vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và tốc độ phát triển của ngành.