Công đoàn khảo sát mối quan tâm của công nhân

Những ý kiến của người lao động về việc làm, nhà ở, chính sách an sinh… sẽ được công đoàn tổng hợp, đề xuất Chính phủ tổ chức đối thoại.

Chiều 16/5, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết từ nay đến 21/5, công đoàn cả nước sẽ lấy ý kiến công nhân, người lao động về các vấn đề quan tâm nhất, nhằm đề xuất chương trình đối thoại, gặp gỡ giữa công nhân với Thủ tướng.

Các kiến nghị sẽ xoay quanh chính sách đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động; giải quyết vấn đề cấp bách về nhà ở, nhà trẻ, sinh hoạt văn hóa, nơi khám chữa bệnh; tín dụng cho công nhân; đào tạo nâng cao tay nghề; chính sách động viên trong lao động sản xuất.

Người lao động có thể góp ý trực tiếp với công đoàn cơ sở, liên đoàn lao động địa phương, hoặc gửi ý kiến về email [email protected].

Tổng liên đoàn mong muốn cuộc đối thoại sẽ diễn ra vào cuối tháng 5, sau hai năm đại dịch tác động khiến nhiều vấn đề về an sinh, lao động, việc làm bộc lộ rõ. “Đối thoại là dịp để lãnh đạo Chính phủ, Nhà nước lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những vấn đề và động viên công nhân vượt khó”, ông Hiểu nói.

Công nhân Việt Nam chiếm 15% dân số, 27% lực lượng lao động nhưng đóng góp 70% ngân sách và 65% GDP. Theo Tổng liên đoàn, đóng góp nhiều nhưng công nhân chưa được hưởng thành quả tương xứng khi đời sống còn bấp bênh, nhiều vấn đề cấp bách về tiền lương, nhà ở, nuôi con… chưa được giải quyết thỏa đáng.

Khảo sát của công đoàn vào tháng 3 năm nay cho thấy, nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân đạt 4,92 triệu đồng mỗi tháng. Để không rơi vào túng quẫn, công nhân phải chấp nhận tăng ca. Lao động ngành dệt may, điện tử, da giày, chế biến thủy hải sản, sản xuất gỗ… có khi tăng ca 60-70 giờ mỗi tháng. Mức độ hài lòng của người lao động với cuộc sống chỉ đạt 6,3 trên thang điểm 10.

Khoảng 70% lao động cả nước đang thuê trọ trong các khu nhà người dân tự xây, diện tích dưới 3 m2 một người. Hàng loạt khu công nghiệp tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… thu hút hàng triệu lao động làm việc, nhu cầu chỗ ở tăng cao. Song với mức thu nhập bình quân 4 đến 6 triệu đồng mỗi tháng, công nhân hầu như không có khả năng mua nhà, khi chi phí phòng trọ, nuôi con đã khiến họ không còn tích lũy.

40% công nhân phải gửi con về quê cho người thân trông nom, gần 22% gửi ở nhóm trẻ gia đình, nhà trẻ tư nhân. Công nhân xa con ảnh hưởng lớn đến tình cảm gia đình. Họ cũng không có nhiều thời gian chăm sóc con khi phải tăng ca. Đời sống giải trí, tinh thần của công nhân Việt Nam khá “nghèo nàn”. Tình trạng bạo lực gia đình, công nhân mắc nợ xấu, tín dụng đen… có thể gia tăng sau đại dịch.

Giờ tan ca của công nhân Công ty Pouyuen, Quận Bình Tân, TP HCM, tháng 6/2021. Ảnh: Hữu Khoa

Giờ tan ca của công nhân Công ty Pouyuen, Quận Bình Tân, TP HCM, tháng 6/2021. Ảnh: Hữu Khoa

Hồng Chiêu