Cơ hội cho lao động Việt ở châu Âu
Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) vừa công bố số liệu cho thấy tỉ lệ thất nghiệp tại Liên minh châu Âu (EU) đã xuống tới 6,1%, mức thấp chưa từng thấy kể từ năm 1998. Cứ mỗi 100 công việc có sẵn trên thị trường lao động thì có 3 công việc không thể tuyển được người làm, tỉ lệ cao nhất từ trước tới nay. Thế nhưng EU lại đối mặt tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng. Các doanh nghiệp (DN) đang phải cạnh tranh với nhau về lương, phúc lợi, thời gian và điều kiện làm việc để thu hút người làm.
Hỗ trợ tối đa lao động nhập cư
Từ những nền kinh tế lớn như Đức, Pháp, Ý cho đến Ba Lan, Romania, Cộng hòa Czech đều thiếu hụt nhân lực từ kỹ sư tin học, y tá hay hộ lý, kỹ sư xây dựng… cho đến thợ nề, thợ lắp ống nước, phụ bếp quán ăn, nhân viên phục vụ bàn…
Học viên nhiều nước, trong đó có Việt Nam đang học nghề xây dựng tại Trường Đào tạo xây dựng BIW – Đức
Eurostat cho rằng việc thiếu hụt nhân lực đã tác động tiêu cực tới nhiều hoạt động kinh tế và cả đời sống xã hội tại EU. Nhiều cửa hàng phải đóng cửa do thiếu nhân viên bán hàng, nhiều nhà máy phải thu hẹp quy mô sản xuất do thiếu công nhân đứng máy. Các bệnh viện cũng khan hiếm y tá, hộ lý. Mới đây, EU đã lập một quỹ hỗ trợ DN các quốc gia thành viên tuyển dụng lao động với mục tiêu tuyển tổng cộng 700.000 lao động mới để bổ sung nhân lực cho lục địa già.
Quỹ này được kỳ vọng sẽ mang nhiều lao động có tay nghề đến từ các nước bên ngoài khu vực EU đến tìm việc làm. Theo chuyên gia của Eurostat, thị trường lao động tại châu Âu đang đảo chiều và rất có lợi cho người lao động (NLĐ). Vì vậy, NLĐ ngoài khối đang có nhiều cơ hội tạo dựng sự nghiệp của mình tại châu Âu. Tuy nhiên, những nỗ lực này của EU vẫn chưa mang lại kết quả như kỳ vọng,
Một số nước EU chọn cách nới lỏng luật nhập cư nhằm thu hút lao động nước ngoài. Tại Đức, Luật Nhập cư mới mà Chính phủ nước này thông qua vào cuối năm 2022 cho phép NLĐ nước ngoài có 2 năm kinh nghiệm được đến Đức làm việc, thậm chí kỹ sư công nghệ thông tin không yêu cầu phải biết tiếng Đức vẫn có thể đến Đức làm việc.
Luật mới cũng đưa ra một loạt ưu đãi nhằm thu hút lao động trẻ nước ngoài đến Đức học nghề rồi ở lại làm việc. Ông Marten Winter, điều phối dự án quốc tế của Trường Đào tạo xây dựng BIW, thuộc Tập đoàn Xây dựng BIW (Đức), cho biết đa số các ngành nghề tại Đức đều thiếu hụt lao động. Trong đó ngành xây dựng được xem là ngành góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế Đức nên luôn cần nguồn lao động lớn. “Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, siêng năng và thích nghi nhanh, rất phù hợp để gia nhập thị trường lao động tại Đức. Đây thật sự là một cơ hội tốt để ổn định việc làm, thu nhập” – ông Marten nhấn mạnh.
Giải quyết rào cản ngôn ngữ
Mới đây, Viện Kinh tế và Công nghệ Đông Á (IET) đã phối hợp với Trường Đại học SDI Munich (Đức) tổ chức cho hơn 200 học viên thi lấy chứng chỉ B1 và B2 tiếng Đức tại TP HCM. Chứng chỉ tiếng Đức là điều kiện bắt buộc để các bạn trẻ cầm chắc tấm vé sang Đức du học nghề hoặc chuyển đổi bằng cấp để làm việc tại Đức.
Ông Nguyễn Du, Viện trưởng Viện IET, cho biết kỳ thi lần này được thực hiện toàn bộ trên máy tính thay cho hình thức thi giấy đã giúp cho người thi rút ngắn thời gian thi cũng như tạo được sự minh bạch vốn có của kỳ thi. Đây là cơ sở quan trọng để lao động trẻ xin được visa sang Đức xây dựng sự nghiệp. “Ngôn ngữ là rào cản duy nhất cản bước hành trình đến với nước Đức, với châu Âu. Nhưng kể từ đây, khi các kỳ thi Telc tiếng Đức được tổ chức thường xuyên sẽ giúp cánh cửa sang châu Âu ngày một rộng hơn, giúp cho cơ hội học tập, làm việc tại các nước phát triển trong tầm tay của NLĐ Việt Nam” – ông Du nói.
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), cho biết Việt Nam đang có hàng ngàn lao động đang làm việc tại EU theo con đường chính thức. Nhiều nước có mong muốn tiếp nhận nhiều hơn nữa lao động trình độ cao từ Việt Nam cho các ngành điều dưỡng, hộ lý, đường sắt và công nghệ, ưu tiên lao động qua đào tạo. Nắm bắt nhu cầu thị trường và tìm cách đáp ứng các nhu cầu này sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho NLĐ Việt Nam.
Các bản thỏa thuận hợp tác đưa lao động đi làm việc với một số nước châu Âu như Đức, Romania, Cộng hòa Czech, Bulgaria, Hungary, Phần Lan…cho thấy định hướng đưa NLĐ đến những thị trường lớn, có nền kinh tế phát triển, có trình độ tay nghề cao và thu nhập ổn định. Đây cũng là những thị trường trọng điểm mà ngành LĐ-TB-XH đã và đang đẩy mạnh đàm phán, hợp tác sâu rộng, giúp NLĐ dễ dàng tiếp cận và ổn định làm việc, phát triển sự nghiệp dài lâu.
“Châu Âu đang khát nhân lực và đó là cơ hội cho NLĐ Việt Nam. Đây là thị trường đòi hỏi rất cao về trình độ, tay nghề cho nên công tác đào tạo, bồi dưỡng cho NLĐ trước khi xuất cảnh cần được chú trọng” – ông Liêm cho biết thêm.
Hàn Quốc muốn tuyển hơn 12.000 lao động Việt Nam
Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) vừa cho biết Hàn Quốc có kế hoạch tuyển hơn 12.000 lao động Việt Nam sang làm việc trong năm 2023 theo chương trình EPS. Trong đó, có một số lĩnh vực như sản xuất chế tạo tuyển hơn 6.300 người, ngư nghiệp tuyển hơn 4.000 người, xây dựng là 901 người và nông nghiệp là 841 người. Điều kiện bắt buộc là NLĐ sẽ phải tham dự 2 vòng thi năng lực tiếng Hàn và kiểm tra tay nghề. NLĐ phải trong độ tuổi từ 18-39, không thường trú tại những địa phương bị tạm dừng tuyển chọn. Nếu NLĐ đã đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS thì phải về nước đúng hạn theo hợp đồng. Nếu lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc mà đã tự nguyện về nước trong khoảng thời gian chính phủ Hàn Quốc thực hiện chính sách miễn xử phạt thì vẫn được tham gia chương trình lần này.