Chủ động học nghề, cập nhật kỹ năng mới
Cơ hội việc làm khan hiếm trong khi doanh nghiệp chú trọng đào tạo nội bộ và đòi hỏi nhân sự có khả năng thích ứng cao, kiêm nhiệm nhiều việc cùng lúc. Để bắt kịp xu thế, tránh bị đào thải, nhiều người lao động (NLĐ) chủ động học nghề, cập nhật kỹ năng mới.
Nâng cấp bản thân
Sau buổi học thử về thiết kế đồ họa, chị Nguyễn Thị Thúy Kiều (24 tuổi, quê Cần Thơ) quyết định đăng ký tham gia khóa học nghề ngắn hạn tại một cơ sở đào tạo trên đường Hòa Hưng, quận 10, TP HCM. Chị Kiều cho biết hiện là nhân viên quản lý học viên tại Trung tâm Giáo dục ở quận 3, TP HCM. Dù vị trí đảm nhận không yêu cầu kỹ năng thiết kế nhưng chị thường xuyên mày mò, sử dụng ứng dụng trên mạng để chỉnh sửa hình ảnh, bổ trợ cho công việc.
Buổi trải nghiệm lớp tiếp thị trực tuyến cho học viên tại cơ sở đào tạo nghề ở quận 10, TP HCM
Qua thời gian chị nhận ra, nếu muốn nâng cao kiến thức và trở nên thuần thục thì cần có lộ trình học tập bài bản. Sợ tự học dễ chây ì nên lần này chị chấp nhận đầu tư. “Trước tôi học về quản lý chất lượng sản phẩm, không liên quan nhiều tới công việc hiện tại. Vì vậy, khi biết về thiết kế, tôi thấy hứng thú và có động lực theo đuổi” – chị Kiều kể.
Cứ cuối tuần, anh Hồ Xuân Duy (31 tuổi, TP HCM) có mặt tại lớp học nghề nhiếp ảnh, quay dựng phim chuyên nghiệp và digital marketing (tiếp thị số). Theo anh Duy, yêu cầu của doanh nghiệp ngày càng cao nên việc NLĐ tự trang bị cho mình những kiến thức ngoài chuyên môn là điều cần thiết. Đối với các nghề dự tính học thêm, anh không đặt mục tiêu phải thành thạo mà hướng tới có kiến thức, hiểu biết cơ bản. Nhờ vậy, trong trường hợp cần xử lý tác vụ nhanh, anh cũng có thể đảm đương mà không phải chờ nhân sự chuyên trách.
Trong khi đó, anh Phan Văn Sơn (30 tuổi, quê Bình Định) đang tìm hiểu các khóa học về thiết kế nội thất. Làm xây dựng hơn 7 năm, không dưới 3 lần anh Sơn phải tạm dừng việc, nghỉ thời gian dài do công ty hết dự án. Hơn một năm qua, ngành xây dựng khó khăn, anh loay hoay hàng tháng mới ổn định chỗ làm mới. Trong số những đầu việc anh Sơn được phân công, có một phần liên quan tới thi công nội thất.
Càng làm càng thấy cơ hội phát triển, anh Sơn ấp ủ dự định rẽ hướng. “Tôi tích cực lên mạng xã hội đọc thông tin về thiết kế nội thất và tìm hiểu các chương trình đào tạo trực tuyến. Hiện tôi nghiên cứu lớp thiết kế 3D cơ bản, trước mắt là nâng cao năng lực bản thân, về lâu dài có thể đổi ngành hoặc làm nghề tay trái” – anh Sơn kỳ vọng.
Khởi sự kinh doanh
Ngoài nâng cao kỹ năng, hỗ trợ công việc hiện có, nhiều người còn chuyển hướng học nghề để bắt đầu sự nghiệp kinh doanh riêng.
Giữa tháng 8-2023, chị Nguyễn Hồng Thủy (38 tuổi, quê Đồng Nai) vừa ra mắt thương hiệu nấm sạch, hợp tác cùng một người bạn. Để chuẩn bị xây dựng cửa hàng, chị từng tham gia 4 lớp đào tạo nghề, gần nhất là khóa học khởi sự kinh doanh. Từ đó, chị có được kiến thức chuyên sâu về hoạt động khởi nghiệp và cách quản lý, vận hành hệ thống. “Trước mắt, tôi cố gắng duy trì song song công việc trưởng phòng marketing tại công ty truyền thông và phát triển kinh doanh. Tương lai, nếu mọi chuyện thuận lợi, tôi sẽ xin nghỉ để toàn tâm với lựa chọn mới” – chị Thủy cho biết.
Còn chị Nguyễn Thị Bích Trâm (32 tuổi, quê Hà Tĩnh) chuẩn bị hoàn thành khóa học chăm sóc da cơ bản đến chuyên sâu tại một cơ sở đào tạo chăm sóc sắc đẹp ở quận Tân Bình, TP HCM vào tháng 10 này. Sau đó, chị dự kiến về Đồng Nai mở cơ sở kinh doanh cùng người thân. Trước đây, chị Trâm là chuyên viên nhân sự cho một công ty nước ngoài, văn phòng ở tỉnh Long An.
Thu nhập ổn song áp lực cao, khả năng thăng tiến hạn chế khiến chị suy nghĩ thay đổi công việc. Theo chị Trâm, nhu cầu về ngành làm đẹp ngày càng gia tăng, không chỉ với nữ mà cả nam giới. Do đó, tháng 6-2023, chị quyết định chấm dứt hợp đồng lao động và ghi danh vào khóa học nghề, với học phí 28 triệu đồng.
“Bản thân tôi khi đi làm văn phòng cũng từng chi rất nhiều cho việc chăm sóc da mặt. Vậy nên tôi muốn thử sức, dù biết nhiều thách thức khi bắt đầu từ con số 0 nhưng nếu không làm sợ sau này sẽ hối hận” – chị Trâm trải lòng.
Đại diện một cơ sở đào tạo nghề tại quận 7, TP HCM, cho biết nhu cầu học nghề của người đi làm tăng lên từ 20% – 30% so với trước đây, nhất là khi nhiều công ty cắt giảm nhân sự, lượng người mất việc tăng. Ngoài ra, điều này cũng thúc đẩy NLĐ suy nghĩ về sự an toàn của công việc. Họ thấy rằng, giờ đây không có công việc nào được bảo đảm chắc chắn, họ luôn đứng trước nguy cơ bị mất việc. Vậy nên, tìm kiếm phương án dự phòng từ học nghề là lý do mà nhiều người lựa chọn.
Thay đổi cách tiếp cận nghề nghiệp
Bà Phan Diễm Linh, phụ trách Ban Hướng nghiệp, Công ty CP Hướng nghiệp Á – Âu (quận 3, TP HCM), cho biết 60% học viên đăng ký học nghề tại đơn vị này từ 22 tuổi trở lên. Sự nở rộ của các mô hình kinh doanh trực tuyến đưa đến cách tiếp cận mới về nghề nghiệp. Chẳng hạn, trước đây, mục tiêu cao nhất mà nhiều nhân sự học nấu ăn hướng tới là bếp trưởng tại các nhà hàng cao cấp, thì nay NLĐ chú trọng vào xây dựng thương hiệu cá nhân. Từ đó được giới thiệu cơ hội kinh doanh khác hay làm tự do, không nhất thiết phải nắm giữ một vị trí cố định tại doanh nghiệp.