Chậm giải ngân gói hỗ trợ đào tạo lại lao động

Sau 10 tháng triển khai, chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho lao động mới giải ngân được 17,1 tỷ đồng, trong khi kinh phí dự kiến dành riêng 4.500 tỷ đồng.

Tại hội thảo gỡ vướng cho chính sách ngày 18/5, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết tới nay các địa phương mới tiếp nhận hồ sơ đề nghị hoặc xin hướng dẫn của 200 doanh nghiệp. Trong đó, 60 doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị đào tạo lại cho hơn 30.000 lao động. Sở Lao động Thương binh và Xã hội của 14 tỉnh thành phê duyệt hỗ trợ cho 36 doanh nghiệp đào tạo lại gần 9.000 người, tổng kinh phí dự kiến trên 54 tỷ đồng.

Song thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tới ngày 17/5 cho thấy cơ quan Bảo hiểm xã hội của 12 tỉnh thành mới nhận hồ sơ đề nghị chi hỗ trợ của 31 doanh nghiệp được địa phương phê duyệt. Thực tế, phía bảo hiểm xã hội mới giải ngân được 17,1 tỷ đồng (đạt 0,38%), chi đào tạo cho 4.000 người lao động.

Cơ quan này đánh giá việc triển khai chậm, phát sinh vấn đề như danh sách người lao động được phê duyệt khác danh sách thực tế được đào tạo. Một số lao động đã nghỉ việc nên doanh nghiệp phải làm lại hồ sơ, tốn kém thời gian.

Người lao động điền thông tin tìm việc mới tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Người lao động điền thông tin tìm việc mới tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Ông Dũng thừa nhận, tỷ lệ giải ngân rất thấp so với dự kiến ban đầu, dù Tổng cục đã tổ chức khoảng 30 buổi làm việc với địa phương, doanh nghiệp để triển khai. Doanh nghiệp đều nói gói hỗ trợ cần thiết song thực tế triển khai lại rất chậm. Quan điểm của Bộ là khẩn trương thực hiện đúng hạn, rồi mới tính tới đề xuất cấp thẩm quyền gia hạn chính sách.

Theo quy định, hạn nộp hồ sơ là ngày 30/6 và thời gian triển khai đến hết 31/12. Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, đánh giá từ nay đến cuối năm chính sách chưa chắc đạt mục tiêu khi chỉ còn hơn một tháng nhận hồ sơ đăng ký và 6 tháng đào tạo. “Thời gian gấp rút chẳng khác nào đánh đố doanh nghiệp. Với số tiền giải ngân thấp, kể cả có đào tạo tới hết năm nay cũng có thể nói chính sách không thành công, dù mục tiêu tốt”, ông nhấn mạnh.

Có nhiều lý do khiến doanh nghiệp không mặn mà với chính sách hỗ trợ. Giai đoạn này, các công ty phải tập trung phục hồi sản xuất để bù thời gian giãn, dừng hoạt động do phòng chống dịch. Doanh nghiệp vừa và nhỏ khó chứng minh doanh thu giảm hoặc thay đổi công nghệ sản xuất vì túi tiền có hạn, trong khi một năm qua vừa sản xuất vừa tốn kém chi phí chống dịch. Chủ doanh nghiệp “ngại ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” khi đào tạo xong lao động có thể nghỉ tìm việc khác tốt hơn; ngại kiểm tra của cơ quan chức năng sau khi nhận hỗ trợ.

Lãnh đạo một số trường nghề lẫn doanh nghiệp phân tích, quy định nghe qua rất dễ nhưng thực tế triển khai rất khó, kéo dài 2-3 tháng mới xong một bộ hồ sơ. Mỗi địa phương lại có cách hiểu khác nhau nên doanh nghiệp phải xin ý kiến khắp nơi, giải trình nhiều lần mới được phê duyệt. Lúc doanh nghiệp cần thì không được duyệt, khi được duyệt rồi thì dịch được khống chế, phải tập trung phục hồi sản xuất, “chạy” cho kịp đơn hàng nên không thể tổ chức đào tạo.

“Thế khó của doanh nghiệp là vẫn phải sản xuất kinh doanh, nên nếu đào tạo lại cần xây dựng chương trình phù hợp, linh hoạt với điều kiện từng nơi”, ông Nguyễn Việt Hà, Trường Cao đẳng nghề Long Biên (thuộc Công ty May 10) kiến nghị.

Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cho rằng cần kéo dài thời gian thực hiện chính sách tới hết năm 2023, bỏ quy định doanh nghiệp phải chứng minh phương án duy trì việc làm vì cũng không thể giữ chân khi lao động nghỉ việc. Cấp có thẩm quyền cũng nên tính tới tinh giản điều kiện, hồ sơ nếu muốn giải ngân nhanh hơn.

Công nhân gạch Catalan vận hành dây chuyền trong nhà máy ở Bắc Ninh, tháng 3/2022. Doanh nghiệp cần lao động tay nghề song khó tuyển, phải nhận công nhân phổ thông và mở thêm lớp đào tạo. Ảnh: Hồng Chiêu

Công nhân gạch Catalan vận hành dây chuyền trong nhà máy ở Bắc Ninh, tháng 3/2022. Ảnh: Hồng Chiêu

Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động nằm trong nhóm 12 chính sách tổng thể thuộc Nghị quyết 68 (gói 26.000 tỷ đồng) ban hành ngày 1/7/2021. Để được hỗ trợ, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện như đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp từ 12 tháng trở lên cho lao động tính đến thời điểm đề nghị; thay đổi cơ cấu công nghệ; doanh thu giảm 10% trở lên… Mức hỗ trợ tối đa 1,5 triệu đồng một tháng cho mỗi lao động, tối đa 6 tháng.

Lần đầu tiên, chính sách đưa vào gói an sinh hỗ trợ doanh nghiệp, lao động ảnh hưởng của Covid-19, với mục tiêu đào tạo lại một triệu lao động, tổng kinh phí dự kiến 4.500 tỷ đồng trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Khi soạn thảo Nghị quyết 42 (gói 62.000 tỷ đồng) hồi năm 2020, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội từng đưa chính sách này vào với kinh phí dự kiến 3.000 tỷ đồng, song chưa thực hiện được. Cơ quan có thẩm quyền của Quốc hội thời điểm ấy đánh giá chính sách cần thiết song chưa phù hợp với bối cảnh cả nước thực hiện giãn cách, cách ly chống dịch, hồi tháng 4/2020.

Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, năm 2020, tổng số tiền chi trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề gần 19.600 tỷ đồng (tăng 40% so với năm 2019). Trong đó, riêng khoản chi trợ cấp thất nghiệp hơn 19.500 tỷ đồng cho gần 1,1 triệu lao động (tăng 30% so với năm 2019), còn lại 100 tỷ đồng chi cho học nghề.

Hồng Chiêu