Cách nhà máy xoay xở giữ lao động chờ đơn hàng

TP HCMLúc thiếu đơn hàng, nhà máy Long Rich Việt Nam (TP Thủ Đức) cho công nhân nghỉ hưởng lương, tổ chức ăn trưa để lao động đến công ty, giữ mối liên lạc.

Từ tháng 8, ngành giày da bắt đầu vào “mùa trũng” kéo dài ba tháng, tức không có hoặc rất ít đơn hàng. Công ty TNHH Long Rich Việt Nam ở Khu chế xuất Linh Trung II chuyên sản xuất giày, quy mô gần 5.000 công nhân cũng không ngoại lệ. Bà Nguyễn Thị Thùy Vân, Chủ tịch công đoàn công ty, cho hay hiện tại nhà máy chỉ đủ hàng làm 8 tiếng, không tăng ca.

Nếu đơn hàng chạm đáy, nhà máy sẽ phải tính toán lại để đảm bảo mục tiêu công nhân có lương, duy trì mối liên hệ với công ty. Các năm trước, khi không còn hàng để làm, ban giám đốc sẽ yêu cầu người lao động đến xưởng làm vệ sinh băng chuyền. Bộ phận may sẽ may áo bao đậy máy. Tất cả vải, hàng tồn dư trong kho được đưa ra sản xuất tạp dề, bao tay… Mặc dù không tạo ra sản phẩm bán được nhưng công nhân vẫn có việc để làm và hưởng đủ 100% lương cơ bản.

“Nhiều hôm công nhân đến chỉ cần làm một, hai giờ là xong, chờ ăn cơm rồi ra về”, bà Vân nói. Có thời điểm, công ty không thể xoay ra việc nên phải để lao động ở nhà. Tuy nhiên bếp ăn vẫn nấu cơm để toàn bộ lao động đến chấm công, ăn buổi trưa. Bị nhiều người phàn nàn đi lại phiền phức nhưng nhà máy vẫn kiên trì thực hiện dù tốn nhiều chi phí.

Vị chủ tịch công đoàn lâu năm lý giải việc này giúp công nhân đỡ tiền ăn uống và cũng giúp tạo ra lý do “có đến nhà máy” để công ty trả đủ lương cơ bản cho thời gian nghỉ chờ việc. Ngoài ra, điều này giúp công ty và người lao động giữ được mối liên hệ.

“Nghỉ hẳn là công nhân đi tìm việc khác, khi có đơn hàng sẽ không đủ người”, bà Vân nói. Ngoài ra, công đoàn còn tổ chức hội thao, các hoạt động vui chơi để lao động tham gia. Cách cuối cùng mới là để công nhân nghỉ hoàn toàn, không đến nhà máy và nhận 75% lương cơ bản. Tuy nhiên, lúc đó phải xét đến tình hình tuyển dụng các doanh nghiệp xung quanh, đảm bảo công nhân sẽ không “nhảy việc”.

Công nhân giày da làm việc tại một nhà máy ở Thủ Đức. Ảnh: Lê Tuyết

Công nhân giày da làm việc tại một nhà máy ở Thủ Đức. Ảnh: Lê Tuyết

Để giảm bớt chi phí duy trì lao động khi đơn hàng trồi sụt, nhiều nhà máy chọn phương án thuê lại lao động từ các nhà cung ứng. Ông Đỗ Trung Anh, giám đốc nhân sự công ty có vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động trong ngành điện tử (TP Thủ Đức), cho hay quy mô của nhà máy hơn 1.000 người nhưng doanh nghiệp chỉ duy trì 700 lao động có tay nghề làm ở những khâu quan trọng. Số nhân sự làm công việc giản đơn sẽ do nhà thầu cung cấp qua hình thức thuê lại.

Theo ông Trung Anh, khi giảm đơn hàng, việc ít và đặt tình huống phải nghỉ chờ việc công ty sẽ tập trung chăm sóc, giữ lao động có tay nghề. Điều này giúp doanh nghiệp đảm bảo nhân lực chủ chốt mà chi phí không quá cao. Công ty luôn duy trì hợp tác với ba đơn vị cung ứng nhân lực để đảm bảo nguồn cung lao động khi đơn hàng dồi dào.

Để đảm bảo quyền lợi cho lao động thời vụ, trong các thỏa thuận giao khoán công ty yêu cầu nhà thầu phải đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ nếu vi phạm sẽ phạt nặng và cắt hợp đồng cung ứng. Trong quá trình làm việc ở nhà máy, các công nhân này cũng sẽ nhận các phúc lợi như nhân viên chính thức. Doanh nghiệp cũng sẽ phỏng vấn thường xuyên để đảm bảo rằng các chế độ bảo hiểm được thực hiện đúng như cam kết.

“Xét trong ngắn hạn công ty phải tốn thêm chi phí dịch vụ cho nhà thầu nhưng về lâu dài có lợi hơn”, ông Trung Anh nói. Nhà máy sẽ không mất tiền chi trả cho thời gian nghỉ chờ việc, thưởng Tết, bồi thường khi chấm dứt hợp đồng. Với gần 30% chi phí tiết kiệm được doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn để lo cho nhân viên chính thức.

Là một trong ba nhà thầu hợp tác với công ty của ông Trung Anh, ông Nguyễn Xuân Sơn, quyền Giám đốc vận hành toàn quốc dịch vụ khoán việc và cho thuê lại lao động ManpowerGroup Việt Nam, cho hay để có nguồn cung cho đối tác doanh nghiệp xây dựng đội ngũ tuyển dụng chuyên nghiệp, duy trì nhiều chính sách thưởng để thu hút lao động.

Năm 2022, các đối tác của ManpowerGroup Việt Nam cần hơn 5.000 lao động làm hàng mùa cao điểm. Chỉ riêng mảng cho thuê lại lao động, công ty có 35 nhân viên chính thức và 6 cộng tác viên chuyên làm công tác tuyển dụng. Doanh nghiệp sử dụng tất cả các nền tảng mạng xã hội, tạo những nhóm chat để giữ liên lạc với người lao động, kết nối với các trường nghề để tiếp nhận sinh viên…

Theo ông Sơn, lao động của ManpowerGroup Việt Nam chủ yếu là các bạn trẻ, muốn trải nghiệm nhiều môi trường nên phù hợp việc luân chuyển qua các nhà máy. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đối mặt với bài toán giữ người. Do đó, ngoài tiền lương, bảo hiểm xã hội, công ty có thêm chính sách thưởng tùy vào sự đóng góp của lao động.

Bà Nguyễn Tâm Thanh, Giám đốc nhân sự vùng Cargill Việt Nam và Thái Lan, cho rằng trong khi lao động không muốn gắn bó lâu dài ở một nơi nhất định, thích dịch chuyển để thử nghiệm môi trường mới thì các nhà máy buộc phải tính đến phương án thuê lại lao động từ nhà cung ứng. Hiện, tỷ lệ phần trăm (%) lao động dịch vụ với lao động chính thức ở các nhà máy là 15-85, song trong tương lai có thể sẽ tăng lên 25-75 và tiến tới 50-50.

Công nhân nhà máy Dony ở TP HCM. Ảnh: An Phương

Công nhân nhà máy Dony ở TP HCM. Ảnh: An Phương

Trong khi đó, ông Ngô Sỹ Trung, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Novaon Tech, cho rằng để giữ lao động các nhà máy cần tính đến phương án lâu dài và bền vững hơn. Ví dụ đối với ngành dệt may, Việt Nam nằm trong top ba nước, là công xưởng của thế giới một phần vì chi phí nhân công rẻ. Tuy nhiên, ngành này đang đối mặt bài toán cạn nguồn lao động, khi một lượng lớn công nhân dịch chuyển sang ngành khác. Nếu doanh nghiệp liên tục tăng lương để giữ người thì lợi thế này sẽ không còn.

Doanh nghiệp nên tính đến các giải pháp chuyển đổi số để tăng hiệu suất lao động, quản lý nhân công tốt hơn và giúp lao động gắn kết với nhà máy. Ông Trung ví dụ, nếu công ty ứng dụng công nghệ trong tính lương, đúng cuối tháng chốt sổ, trả lương đầu tháng thay vì chậm 10-15 ngày như hiện nay sẽ giúp người lao động thấy thoải mái hơn, không có cảm giác bị giam, chậm lương.

Không chỉ minh bạch các thông tin liên quan quyền lợi của người lao động như chấm công, đơn giá sản phẩm, lãnh đạo Novaon Tech còn khuyến nghị nên gia tăng sự trải nghiệm của công nhân ở nhà máy, ví dụ có các ứng dụng để tương tác các bộ phận nhân sự, công đoàn, đánh giá bữa ăn, chia sẻ ý kiến, thắc mắc… Điều này giúp người lao động cảm thấy được tôn trọng, tăng gắn kết nhà máy.

Lê Tuyết