Áp lực tuyển dụng ở các nhà máy ‘khát’ lao động

TP HCMPhục hồi sản xuất sau dịch, nhà máy Strongman ở Khu chế xuất Tân Thuận mở thêm chuyền hàn nhưng gần nửa năm bộ phận nhân sự chưa tuyển đủ 50 người.

Thông tin tuyển dụng được Công ty TNHH Strongman (quận 7), chuyên sản xuất xe đạp, đăng ngay cổng nhà máy. Nhân viên phòng nhân sự đi dán tờ rơi ở nhiều trạm xe buýt, văn phòng giới thiệu việc làm, đăng mạng xã hội. Doanh nghiệp có chính sách thưởng 300.000 đồng cho người giới thiệu công nhân mới.

Người lao động xem thông tin tuyển dụng của nhà máy Strongman chiều 7/1. Ảnh: An Phương

Người lao động xem thông tin tuyển dụng của nhà máy Strongman chiều 1/7. Ảnh: An Phương

Các tiêu chuẩn gần như hạ xuống mức tối thiểu. Độ tuổi tăng lên 45 đối với nam và 40-42 với nữ. Với thời gian học nghề, thử việc, công ty đảm bảo lương cơ bản mỗi tháng gần 6 triệu đồng chưa kể tăng ca, các khoản hỗ trợ sinh hoạt, chuyên cần. Nếu tay nghề đạt yêu cầu, mối hàn đẹp lương cứng tiếp tục tăng thêm 800.000 đồng.

Bà Huỳnh Gia Mẫn, phụ trách nhân sự nhà máy, cho biết lao động không biết chữ, công ty cũng nhận nhưng tìm không đủ người. Để vận hành được chuyền hàn mới, bộ phận tuyển dụng phải cắt công nhân ở các chuyền khác đưa đến làm việc tạm thời. Tuy nhiên, khi tuyển được một người mới, đào tạo biết nghề chuẩn bị cho lên chuyền lại có trường hợp khác nghỉ việc.

“Nhà máy chỉ mở thêm một chuyền thôi mà chật vật suốt nhiều tháng”, bà Mẫn nói. Chưa kể công nhân cũ nghỉ việc, tuyển mới vào thay không kịp, sản xuất bị ảnh hưởng. Nhân viên tuyển dụng luôn đối mặt tình trạng ứng viên hẹn nhưng không đến, tới ngày nhận việc, gọi điện không bắt máy, nhắn tin không trả lời.

Căng thẳng khi cấp trên hối thúc tuyển đủ người để phục vụ sản xuất nhưng lại không kiếm ra người là tình trạng mà anh Phạm Quốc Phong, giám đốc nhân sự công ty hoạt động trong ngành thực phẩm (huyện Bình Chánh) đối mặt nửa năm qua. Công nhân mới, nhà máy “bao lương” mỗi tháng không thấp hơn 6 triệu đồng. Người làm đủ năm, thu nhập bình quân đạt 11 triệu đồng mỗi tháng.

Với chỉ tiêu 500 người, bộ phận tuyển dụng đã sử dụng tất cả các kênh từ kết nối trung tâm giới thiệu việc làm, về tận các tỉnh xa ở miền Trung, miền Tây, đăng lên mạng xã hội… tìm người. Nhà máy còn có chủ trương thưởng 500.000 đồng cho cá nhân, tổ chức giới thiệu được một công nhân đến làm việc.

“Dùng đủ cách nhưng lao động vẫn thiếu, trong khi lãnh đạo luôn hối thúc vì xưởng mới đã mở, máy móc đã đầu tư mà không có người làm”, anh Phong nói.

Đánh giá về những lý do khiến công ty không thu hút được lao động, vị giám đốc nhân sự lâu năm nói rằng máy vận hành theo tiêu chuẩn châu Âu, công nhân làm việc phải trùm kín tóc, móng tay cắt ngắn, không được sơn, cấm đeo nữ trang, hạn chế hình xăm. Điều này khiến công nhân không thoải mái.

Chưa kể khi về tỉnh tuyển dụng lại gặp các nhà máy, khu công nghiệp ở địa phương cản đường. Mức lương giữa TP HCM và các tỉnh không chênh lệch quá nhiều trong khi chi phí sinh hoạt ở quê rẻ hơn.

Giữa lúc doanh nghiệp còn loay hoay tìm giải pháp thu hút người thì lao động đã có những lựa chọn khác. Họ đăng ký chạy xe ôm công nghệ, bán hàng online… với giờ giấc linh hoạt, không có nhiều quy định khắt khe nhưng thu nhập lại tương đương. Chưa kể, một lực lượng lao động đang làm việc ở nhà máy luôn sẵn sàng trong tư thế “nhảy việc” để tìm cơ hội tốt hơn.

Công nhân nhà máy Vexos Việt Nam trong giờ làm việc. Ảnh: An Phương

Công nhân nhà máy Vexos Việt Nam trong giờ làm việc. Ảnh: An Phương

Bà Phạm Thị Châu, hơn 20 năm làm việc trong lĩnh vực nhân sự, hiện là trưởng phòng hành chính nhân sự Công ty TNHH Vexos Việt Nam ở Khu chế xuất Tân Thuận, nói rằng áp lực của người làm công tác tuyển dụng tỷ lệ thuận với quy mô doanh nghiệp. Ở giai đoạn này, những nhà máy trên 500 người, việc tuyển mới gần như không thể bù đắp nổi số nghỉ việc, chưa nói đến mở rộng sản xuất.

Qua chia sẻ của cộng đồng người làm nhân sự, bà Châu nhận thấy áp lực tuyển dụng ở TP HCM cao hơn Bình Dương, Đồng Nai. Trong phạm vi thành phố, những khu công nghiệp mới như công nghệ cao đỡ căng thẳng hơn các khu lâu đời giống như Tân Thuận. Bởi người lao động ở tỉnh lên có xu hướng chọn các vùng đất mới để lập nghiệp do các doanh nghiệp ở đây thường xây dựng mức lương tốt để cạnh tranh.

“Với những khu lâu đời như Tân Thuận, mức lương, lao động gần như đã bão hòa. Lãnh đạo các công ty không dám đột phá tăng thu nhập vì còn phải nhìn ngó xung quanh”, bà Châu nói. Đây cũng là một thách thức đối với người làm tuyển dụng giai đoạn này.

Ông Đinh Văn Giai, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH EverWin ở Khu công nghiệp Bình Chiểu (TP Thủ Đức), nói do không tuyển được lao động để bù số nghỉ quy mô của nhà máy đã giảm từ 400 người xuống còn 200.

“Chúng tôi nhiều lần đề nghị tăng lương để giữ người nhưng giám đốc chưa thông qua”, ông Giai nói. Với ngành chế biến cá hộp đông lạnh, môi trường làm việc nhiệt độ thấp nhưng lương không cao hơn các công ty xung quanh đương nhiên công nhân sẽ nghỉ việc. Dự kiến, lao động của nhà máy sẽ còn tiếp tục giảm. Công ty buộc phải giảm đơn hàng và bắt buộc tự động hóa một số khâu để duy trì sản lượng.

Bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc chuyên trang Việc làm tốt, cho hay sau dịch, sản xuất phục hồi, khan hiếm lao động là tình trạng nhiều ngành đối mặt. Với nhóm truyền thống sản xuất chế biến, chế tạo làm việc tại nhà máy, công tác tuyển dụng càng khó khăn hơn do nhu cầu, mong muốn của người lao động thay đổi.

Tuy nhiên, bà Ngọc cho rằng các nhà máy sản xuất vẫn có những thế mạnh để thu hút lao động, như tạo việc làm bền vững, tham gia bảo hiểm đầy đủ, khi nghỉ ốm, sinh con, lễ Tết vẫn có lương, thưởng.

Công nhân làm việc tại xưởng công ty may mặc Dony, quận Tân Bình, TP HCM, ngày 21/10/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Công nhân làm việc tại xưởng công ty may mặc Dony, quận Tân Bình, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Với nhóm lao động trên 25 tuổi, lập gia đình, các yếu tố ổn định rất quan trọng. Đặc biệt khi trải qua biến cố như đợt bùng phát dịch vừa qua, công nhân ở các nhà máy vẫn nhận được hỗ trợ từ doanh nghiệp. Nhà nước có gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, quỹ bảo hiểm thất nghiệp giúp đỡ với mức tối đa hơn 3 triệu đồng…

Lãnh đạo Việc làm tốt cho rằng nhiều người trẻ luôn mặc định sản xuất ở nhà máy rất vất vả, phải đứng, môi trường làm việc nóng bức… Tuy nhiên, thực tế các điều kiện làm việc ở các công xưởng đã được cải thiện rất nhiều. Do đó, người làm nhân sự phải có clip ngắn giới thiệu các ưu điểm này trên các nền tảng xã hội để tiếp cận, thay đổi quan điểm của lao động.

Theo bà Ngọc, tăng lương để thu hút lao động chỉ được xem là giải pháp tình thế bởi nếu kéo dài sẽ dẫn đến lạm phát về lương. Doanh nghiệp buộc phải tăng giá sản phẩm, dịch vụ, tác động không tốt lên toàn xã hội. Về lâu dài, các nhà máy phải tính đến các giải pháp bền vững như chăm lo sức khỏe, tinh thần cho nhân viên, tăng phúc lợi để giữ người, mở ra cơ hội thăng tiến cho tất cả lao động.

Lê Tuyết