Xem xét giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu

Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi tính toán rút ngắn thời gian đóng từ 20 xuống 15 năm, tiến tới 10 năm, đồng thời thiết kế lại mức hưởng, tỷ lệ hưởng.

Tại hội nghị liên quan chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) sáng 1/6, ông Trần Hải Nam, Vụ phó Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết việc sửa luật, rút ngắn thời gian đóng BHXH nhằm tăng độ bao phủ chính sách an sinh, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Nhật Bản, Hàn Quốc cũng làm tương tự.

Dự luật sẽ thiết kế lại mức hưởng và tỷ lệ hưởng đảm bảo quyền lợi cho lao động, tuy nhiên ông Nam chưa chia sẻ chi tiết. Dù giảm số năm đóng, cơ quan chuyên môn luôn khuyến khích người lao động đóng thời gian dài vì số năm đóng càng tăng thì tỷ lệ hưởng hưu trí càng cao.

Công nhân một doanh nghiệp ở Hà Nội may khẩu trang kháng khuẩn, tháng 2/2020. Ảnh: Ngọc Thành

Công nhân một doanh nghiệp ở Hà Nội may khẩu trang kháng khuẩn, tháng 2/2020. Ảnh: Ngọc Thành

Dự thảo luật đồng thời bổ sung đóng BHXH bắt buộc với nhóm có điều kiện, khả năng như chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; lao động làm việc không trọn thời gian; tăng mức hỗ trợ đóng, bổ sung trợ cấp thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6, tháng 10/2023; thông qua vào kỳ họp thứ 7, tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/1/2025.

Sau sáu năm thực thi, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã bộc lộ nhiều bất cập. Thời gian đóng quá dài, tối thiểu 20 năm mới được hưởng lương hưu tỷ lệ 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, nhiều lao động không chờ được, chọn rút BHXH một lần. Người đóng BHXH tự nguyện chỉ được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, không có ốm đau, thai sản.

Khảo sát của VnExpress trên 26.500 độc giả cho kết quả 7% đồng tình đóng BHXH tối thiểu 20 năm vì còn phải cân đối Quỹ Hưu trí; 48% đồng tình giảm xuống 15 năm, khuyến khích người lao động tiếp tục làm việc, không nên nghỉ hưu quá sớm và 45% cho rằng cần giảm xuống 10 năm để tạo điều kiện cho người lao động sớm được hưởng lương hưu.

Đến hết năm 2021, cả nước có hơn 16,5 triệu người tham gia BHXH, bao phủ 33,7% lực lượng lao động trong độ tuổi (15,1 triệu người khu vực bắt buộc và 1,45 triệu người khu vực tự nguyện); hơn 4,94 triệu người cao tuổi sau độ tuổi nghỉ hưu hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hàng tháng. Còn hơn 9 triệu người sau tuổi nghỉ hưu chưa được hưởng tầng an sinh nào.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống kê, bình quân người tham gia BHXH đóng trong 28 năm với tỷ lệ 22% vào quỹ hưu trí và tử tuất, hưởng lương hưu bình quân 25 năm với tỷ lệ hưởng 70,1%.

Những khoảng trống trong lưới an sinh

Những khoảng trống trong lưới an sinh

Hệ thống an sinh tính tới năm 2020. Video: Tạ Lư

Hồng Chiêu