Về bản làng tuyển công nhân

Để cung ứng lao động cho nhà máy Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM thiếu nhiều công nhân sau dịch, nhân viên trung tâm việc làm các tỉnh về tận bản làng để tìm nguồn.

Sau Tết, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Hà Giang giới thiệu cho Công ty TNHH MTV Gỗ Hoàng Thông (Bình Dương) gần 500 công nhân, với thu nhập mỗi tháng trên 10 triệu đồng. Tối 10/2, toàn bộ lao động được đón về trung tâm, có xe đưa xuống Hà Nội, sau đó vào miền Nam bằng máy bay. Nhà máy bố trí sẵn chỗ ở để lao động mới không phải tìm nhà trọ, nhanh chóng bắt tay vào việc.

Người lao động ở Hà Giang được giới thiệu cho nhà máy Gỗ Hoàng Thông chuẩn bị lên máy bay hôm 10/2. Ảnh: An Phương

Người lao động ở Hà Giang được giới thiệu cho nhà máy Gỗ Hoàng Thông chuẩn bị lên máy bay hôm 10/2. Ảnh: An Phương

Ông Bùi Văn Lựa, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Hà Giang, nói để có đủ số lao động theo đề nghị của doanh nghiệp, từ trước Tết cán bộ của trung tâm đã xuống các thôn bản, đến tận nhà “cùng ăn cơm, uống chén rượu” nói chuyện với người dân. Để dễ hình dung, nhân viên tư vấn đưa ra các ví dụ người trong bản, bà con thân quen đi làm công ty, có tiền gửi về gia đình, cuộc sống vợ con không còn vất vả.

“Với người đồng bào, văn bản hành chính, thông báo việc làm không có ý nghĩa. Anh em phải nương theo phong tục, tập quán của bà con”, ông Lựa cho hay.

Với lao động đồng ý đi làm, cán bộ của trung tâm việc làm tỉnh Hà Giang còn chỉ cách chi tiêu, để dành tiền; ở nhà trọ chú ý đề phòng trộm cắp, khóa cửa cẩn thận. Các trường hợp vào miền Nam được dặn thức ăn trong đó thường nêm nhiều đường nên ngọt hơn, nhưng “yên tâm từ từ sẽ quen”. Trước khi khởi hành, mỗi người nhận một tờ giấy ghi các số điện thoại của nhân viên trung tâm, đề phòng gặp khó khăn về giao tiếp, sinh hoạt gọi về để được trợ giúp.

Theo ông Lựa, ngoài Bình Dương, đơn vị còn phối hợp đưa lao động đến các nhà máy ở Đồng Nai, một số tỉnh phía Bắc. Trước đây, để tìm được doanh nghiệp có lương, thưởng tốt, chăm sóc chu đáo cho công nhân, nhân viên trung tâm phải đến tận nơi tìm hiểu, tốn nhiều chi phí. Mấy năm qua, các nhà máy ở địa phương thiếu hụt lao động liên hệ trực tiếp đơn vị để phối hợp tìm nguồn.

Danh sách nhà máy cần lao động khá dài nhưng phía Hà Giang ưu tiên các nhà máy có sẵn chỗ ăn ở, đảm bảo thu nhập mỗi tháng 9-15 triệu đồng, đặc biệt cán bộ quản lý phải nói năng nhẹ nhàng. Trung tâm dịch vụ việc làm ở các tỉnh sẽ thẩm định doanh nghiệp có phúc lợi tốt, đề xuất cho địa phương phối hợp tìm nguồn. Người lao động sau khi tuyển thấy thoải mái, được chăm sóc tốt sẽ giới thiệu bà con đi làm.

Cán bộ Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Giang (ngoài cùng, bên trái) mời cơm người lao động. Ảnh: An Phương

Cán bộ Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Giang (ngoài cùng, bên trái) mời cơm người lao động. Ảnh: An Phương

Tương tự, hôm 14/2, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum đã khởi hành chuyến xe đầu tiên đưa gần 40 lao động xuống một nhà máy ở Bình Dương làm việc. Trước khi xuất phát, nhân viên của trung tâm dành gần một ngày để giải đáp tất cả thắc mắc của công nhân mới. Họ được hướng dẫn dùng mạng xã hội, lập nhóm chát để trao đổi khi đến nơi mới. Ở những tháng lương đầu tiên, nhà máy sẽ gửi thông tin lên nhóm để trung tâm theo dõi tình trạng việc làm của người lao động, đảm bảo thu nhập như thỏa thuận.

Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum, cho biết buổi tư vấn trước khi lên đường là cuộc nói chuyện thứ ba. Hai lần trước, cán bộ xuống trực tiếp dưới xã, tư vấn ở các phiên giao dịch việc làm lưu động hoặc tư vấn qua điện thoại, đến tận nhà của lao động để chia sẻ thông tin công việc, lương, thưởng, bảo hiểm xã hội…

Lao động mới chủ yếu là người dân tộc thiểu số, chưa quen với nếp sinh hoạt ở nhà máy, giao tiếp với đồng nghiệp chưa mạnh dạn nên nhân viên của trung tâm thường chuẩn bị sẵn các nội dung để hướng dẫn, giúp người lao động tự tin khi đến nơi mới. Tất cả chuyến xe đưa công nhân mới từ Kon Tum đến nhà máy đều có người của trung tâm đi cùng, đưa lao động về tận chỗ ở, bàn giao hồ sơ, con người tại nơi làm việc, “rồi mới an tâm quay về”.

Hà Giang, Kon Tum là hai trong số 10 địa phương phối hợp Trung tâm dịch vụ việc làm Bình Dương cung ứng lao động cho các nhà máy. Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó giám đốc Trung tâm, cho biết các năm trước, thông qua kênh này mỗi năm các tỉnh đưa lên 5.000-10.000 người, góp phần giảm áp lực thiếu hụt nhân công ở các doanh nghiệp. Ngay sau Tết, các tỉnh cũng nhanh chóng hỗ trợ cho các nhà máy.

Người lao động ở Kon Tum khởi hành xuống Bình Dương làm việc sau Tết. Ảnh: An Phương

Người lao động ở Kon Tum khởi hành xuống Bình Dương làm việc sau Tết. Ảnh: An Phương

Ông Dương Quang Hiệp, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH MTV Gỗ Hoàng Thông, cho hay sau Tết doanh nghiệp cần tuyển mới 1.500 công nhân. Ngoài thu hút lao động tại chỗ, các tỉnh đã cung ứng cho nhà máy trên 600 lao động. Việc này giúp công ty đủ nguồn nhân lực sau hai tuần, giúp nhanh ổn định sản xuất.

“Công tác tuyển dụng của nhà máy nhẹ nhàng hơn rất nhiều bởi các tỉnh đã sàng lọc, chuẩn đầu vào, làm sẵn hồ sơ cho người lao động”, ông Hiệp nói.

Theo số liệu của TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, quý 1 năm nay, các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển mới khoảng 150.000 lao động, đứng đầu là các ngành dệt may, da giày, chế biến sản phẩm gỗ, thủy sản…

Ngoài thu hút tại chỗ, để hỗ trợ tìm nguồn công nhân mới cho các nhà máy, Trung tâm dịch vụ việc làm các địa phương trên đã phối hợp một số tỉnh ở phía Bắc, miền Tây, Tây Nguyên về tận buôn làng, thôn bản để tư vấn. Thông qua các trung tâm, người lao động sẽ được hỗ trợ chi phí đi lại, xét nghiệm, giới thiệu các công việc phù hợp với trình độ, sức khỏe, đảm bảo chế độ lương, phúc lợi.

Lê Tuyết