Ưu tiên chăm lo đoàn viên – lao động bị ảnh hưởng việc làm

Sáng 27-2, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 33 (khóa XII) để bàn nhiều nội dung quan trọng, trong đó có công tác chăm lo Tết cho đoàn viên – lao động và công tác chuẩn bị cho Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Đến tận nhà trọ chăm lo Tết cho công nhân

Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết các hoạt động chăm lo Tết của tổ chức Công đoàn tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các ban, bộ, ngành ở trung ương và địa phương. Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa được triển khai đồng bộ, mang đậm dấu ấn của tổ chức Công đoàn ở tất cả các cấp.

Theo báo cáo của các địa phương, đơn vị, trong dịp Tết Nguyên đán 2023 đã có hơn 8,64 triệu lượt đoàn viên – lao động được thụ hưởng các hoạt động chăm lo của tổ chức Công đoàn với tổng kinh phí hơn 6.110 tỉ đồng. Trong đó, hỗ trợ quà và tiền mặt cho hơn 7,63 triệu lượt đoàn viên – lao động với tổng số tiền hơn 5.467 tỉ đồng; hỗ trợ 163.409 vé tàu/xe/máy bay cho đoàn viên – lao động với số tiền gần 91 tỉ đồng; bố trí 2.920 chuyến xe để đưa 130.825 đoàn viên – lao động về quê đón Tết với số tiền gần 39 tỉ đồng; tổ chức trao tặng 800 căn nhà “Mái ấm Công đoàn” với tổng số tiền hơn 30 tỉ đồng; các hình thức hỗ trợ khác với 715.509 lượt người với tổng số tiền hơn 483 tỉ đồng. Trong tổng kinh phí chăm lo, các cấp Công đoàn chi từ nguồn tài chính Công đoàn 3.016 tỉ đồng; kêu gọi xã hội hóa ủng hộ nguồn kinh phí chăm lo cho đoàn viên – lao động 3.094 tỉ đồng.

Từ thực tế ở địa phương, bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho hay hằng năm, công nhân (CN) về quê ăn Tết rất lớn, tuy nhiên năm vừa qua số lượng CN ở lại ăn Tết rất đông. Chính vì vậy, ngoài việc chăm lo, hỗ trợ Tết cho đoàn viên, trong những ngày Tết, cán bộ Công đoàn thành phố đã tới tận khu nhà trọ để ăn Tết cùng CN. Bà Thúy cũng khẳng định hiệu quả của chương trình “Chợ Tết Công đoàn” và nhấn mạnh hình thức tổ chức này được CN đánh giá rất cao vì họ được lựa chọn nhiều hàng hóa với những phiếu mua hàng do Công đoàn hỗ trợ. Từ thực tiễn đó, bà Thúy đề nghị tính toán để phát huy mô hình này ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, khó khăn, nơi CN ít có điều kiện tiếp cận với nguồn hàng hóa phong phú.

Theo ông Vũ Xuân Thủy, Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, dịp Tết vừa qua, trong ngành có những đơn vị khó khăn về việc làm nhưng cũng có những đơn vị đủ việc làm song chưa thu được tiền về nên tạm thời chưa trả lương cho CN. Trước thực tế đó, đối với những đơn vị khó khăn, Công đoàn ngành có thư gửi cấp ủy đề nghị tạo điều kiện, phối hợp chăm lo bảo đảm có Tết cho NLĐ. Việc phối hợp chặt chẽ đem lại hiệu quả rất tốt để chăm lo cho NLĐ.

Ưu tiên chăm lo đoàn viên - lao động bị ảnh hưởng việc làm - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Công đoàn các doanh nghiệp công ích và dịch vụ thương mại TP HCM, trao quà Tết cho người lao động khó khăn. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Khẳng định vai trò đồng hành

Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết bên cạnh các doanh nghiệp (DN) tiếp tục sản xuất – kinh doanh tốt, mở rộng sản xuất, tuyển dụng thêm lao động, đã xảy ra tình trạng nhiều DN ở các ngành nghề, địa phương, đặc biệt là ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử gặp khó khăn, bị thiếu, cắt, giảm đơn hàng, dẫn đến hàng trăm ngàn lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm, thu nhập, đời sống của một bộ phận người lao động (NLĐ) và gia đình họ.

Theo báo cáo của các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương, tính từ tháng 9-2022 đến hết tháng 1-2023 đã có khoảng 1.300 DN tại 50 tỉnh, thành phố gặp khó khăn, bị cắt, giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 546.835 NLĐ. Trong đó, giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương là 491.212 người; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ việc không hưởng lương là 7.000 người; chấm dứt HĐLĐ với 48.623 người. Số lao động bị ảnh hưởng phần lớn ở các DN FDI (chiếm 75% tổng số lao động bị ảnh hưởng), tập trung trong 3 ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ (chiếm 77% tổng số lao động bị ảnh hưởng); chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như TP HCM, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương…

Trước tình hình nhiều đoàn viên – lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm diễn ra thời gian qua, nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn cho đoàn viên – lao động trong dịp Tết, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-ĐCT về việc hỗ trợ đoàn viên Công đoàn và NLĐ bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt HĐLĐ do DN bị cắt, giảm đơn hàng trong thời gian từ ngày 1-10-2022 đến hết ngày 31-3-2023 với mức hỗ trợ từ 1 triệu đến 3 triệu đồng đối với NLĐ là đoàn viên Công đoàn và từ 700.000 đồng đến 2,1 triệu đồng đối với NLĐ không là đoàn viên Công đoàn. “Đây là món quà Tết hết sức ý nghĩa được tổ chức Công đoàn dành tặng đoàn viên – lao động nhân dịp Tết Nguyên đán, góp phần thiết thực, đồng hành với Chính phủ, cộng đồng DN chăm lo tốt hơn đối với NLĐ, giúp họ vượt qua khó khăn, sẵn sàng cho giai đoạn tái phục hồi trong năm 2023” – ông Phan Văn Anh cho hay.

Dự kiến triệu tập 1.100 đại biểu dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, căn cứ Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Kế hoạch số 179/KH-TLĐ, ngày 3-3-2022 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ về tổ chức Đại hội Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, dự kiến số lượng đại biểu chính thức triệu tập dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam là 1.100 người. Tuy nhiên, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết sẽ báo cáo xin ý kiến Ban Tổ chức Trung ương và Ban Bí thư số đại biểu dự kiến nêu trên.