Ưu thế của các kênh tuyển dụng chuyên ngành

Nhiều chuyên gia nhân sự cho rằng bên cạnh các kênh tuyển dụng trực tuyến đa dạng ngành nghề có số lượng lớn truy cập như Careerbuilder, TopCV…, xu hướng phát triển nhiều trang tuyển dụng chuyên ngành, nhất là trong những nhóm ngành nghề có nhu cầu cao như: công nghệ thông tin (IT), bán hàng, tài chính, marketing… khá phổ biến.

Phản hồi nhanh

IT có thể xem là lĩnh vực có nhiều lựa chọn nhất với nhiều website chuyên ngành được đánh giá uy tín như TopDev, ITviec… Hay Vietnamwork cũng đã cho ra mắt một chuyên trang dành riêng cho nhân sự IT là topITworks vào năm 2016 (sau đổi tên thành VietnamWorks InTech).

Bên cạnh cung cấp các vị trí việc làm với đa dạng cấp bậc trong lĩnh vực công nghệ, nền tảng này dành phần lớn nội dung cập nhật các bài viết liên quan đến chuyện nghề IT, phân tích các ngôn ngữ lập trình, xu hướng công nghệ… Trong khi đó, TopDev là nền tảng tuyển dụng nhân sự IT trực tuyến với hơn 300.000 hồ sơ ứng viên. Nền tảng này cũng thường xuyên thực hiện và công bố các báo cáo hằng quý, năm về thị trường lao động và nhân sự IT tại Việt Nam, từ đó giúp người tìm việc có cái nhìn bao quát hơn về ngành.

Ưu thế của các kênh tuyển dụng chuyên ngành - Ảnh 1.

Nền tảng tuyển dụng Glints hướng tới việc thu hút các nhân tài trẻ tuổi

Cùng với IT, các kênh tuyển dụng chuyên ngành kế toán, marketing, bán hàng cũng phát triển nhanh. Website trực tuyến tìm việc dành riêng cho kế toán được nhiều người biết tới hiện nay là Sàn kế toán, với lượng truy cập hơn 170.000 người/tháng. Nền tảng này cung cấp công cụ phân tích mức lương theo từng vị trí kế toán như: thuế, công nợ, kế toán trưởng… Thêm vào đó, khi truy cập vào website, người ứng tuyển có thể tìm thấy khóa học kế toán trực tuyến miễn phí, kho tài liệu phục vụ công việc, hay hỗ trợ kết nối thực tập cho vị trí kế toán…

Với nhóm ngành marketing, phát triển kinh doanh, Glints là một cái tên đang được quan tâm, nhất là sinh viên mới ra trường. Đây là một nền tảng phát triển sự nghiệp và tuyển dụng tại Đông Nam Á. Ở Việt Nam, kênh việc làm này cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể khi tăng gấp đôi số lượng người dùng trong năm 2022 và có hơn 1 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Một số tính năng nổi bật của trang này có thể kể đến Glints 5 ngày – tính năng bảo đảm người tìm việc nhận được phản hồi của doanh nghiệp tuyển dụng trong vòng 3-5 ngày, “Chat trực tiếp với nhà tuyển dụng” trên phiên bản điện thoại.

Trong lĩnh vực nhà hàng – khách sạn, website tìm việc Chefjob đang sở hữu hơn 300.000 lượt truy cập/tháng. Kênh tuyển dụng này cũng liên kết với hơn 1.000 đơn vị nhà hàng – khách sạn và hơn 2.000 công việc sẵn có, dành cho đa dạng đối tượng từ lao động phổ thông đến lao động có trình độ.

Nhiều ưu điểm

Ông Bùi Đoàn Chung, chuyên gia có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự, đồng thời là nhà sáng lập cộng đồng Nghề nhân sự Việt Nam với 40.000 thành viên, cho rằng sự phát triển về công nghệ đã làm thay đổi lớn thị trường lao động. Nhờ đó, người tìm việc và nhà tuyển dụng nhanh chóng tiếp cận và kết nối với nhau hơn.

Bà Ann Từ, chuyên gia trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự IT, đánh giá khi tìm việc, nhiều ứng viên chú trọng tới mức độ chi tiết của bản mô tả công việc, được “khoanh vùng” cụ thể với những kỹ năng mình có. Đây cũng là ưu điểm của các kênh tuyển dụng chuyên ngành. Lấy dẫn chứng, bà Ann Từ nói đối với trang tin tuyển dụng dành riêng cho một hay nhiều lĩnh vực, như ngành IT được chia nhỏ theo từng chuyên ngành: phần cứng và phần mềm.

“Trong phần mềm lại chia theo ngôn ngữ lập trình như: Java (ngôn ngữ lập trình), Ruby (ngôn ngữ lập trình động), PHP (ngôn ngữ lập trình kịch bản)… Những trang này đưa đến các bộ lọc chi tiết theo từng kỹ năng của người tìm việc mà đương nhiên trang tuyển dụng đa ngành nghề khó có thể thực hiện được tất cả” – bà Ann Từ so sánh.

Để kênh tuyển dụng chuyên ngành thu hút được nhiều ứng viên, vị chuyên gia này gợi ý đơn vị tuyển dụng nên tăng cường kết nối, hợp tác với các DN hoạt động trong lĩnh vực liên quan. Quan trọng hơn là cần đặt ứng viên lên hàng đầu. Nắm bắt tâm lý của người tìm việc chỉ cần tìm được địa chỉ có thể tìm việc nhanh, phù hợp, hỗ trợ sàng lọc thông tin hay vị trí một cách thuận tiện thì sẽ mở ra cơ hội phát triển cho kênh tuyển dụng chuyên ngành.

Đồng quan điểm, ông Mai Thăng Long, Giám đốc Công ty CP Nguồn nhân lực Sàn kế toán, nhận định các kênh chuyên ngành cũng sẽ hạn chế hồ sơ những ứng viên không thích hợp hay các vị trí việc làm không liên quan. “Nhờ đó, cả nhà tuyển dụng lẫn người tìm việc đều có thể dễ dàng tìm được lựa chọn phù hợp, chính xác nhất với mong muốn của mình” – ông Long nói.