Tranh luận về thời điểm tăng lương tối thiểu vùng

VCCI cho rằng ​nếu điều chỉnh lương tối thiểu vùng thì sớm nhất nên vào đầu năm 2023, song công đoàn kiên định với đề xuất tăng từ 1/7.

Hội đồng Tiền lương quốc gia kết thúc phiên họp đầu tiên về đàm phán lương tối thiểu vùng hôm 28/3. Mức tăng cụ thể chưa được công bố song các bên đã tính tới thời điểm điều chỉnh. Theo thông lệ, phương án và thời điểm tăng lương thường chốt vào phiên họp thứ ba, nhanh nhất vào phiên thứ hai, khi các bên tìm được tiếng nói chung.

Bà Vi Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết trong phiên họp đầu tiên, VCCI nêu quan điểm nếu điều chỉnh thì nên vào đầu năm 2023 vì phù hợp năm tài chính. Với doanh nghiệp, đầu năm có một số xáo trộn như tuyển mới công nhân để bù cho số đã nghỉ. Tiền lương điều chỉnh vào thời điểm này có thể giúp doanh nghiệp thu hút và giữ chân lao động để ổn định sản xuất cả năm. Nếu điều chỉnh quá gấp gáp (tháng 7 tới) sẽ đẩy doanh nghiệp vào thế khó.

VCCI cũng cần trao đổi thêm với các hiệp hội để khảo sát cụ thể về khả năng chi trả cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm của doanh nghiệp. Sau Tết Nguyên đán, hàng loạt lao động là F0, F1 khiến sản xuất gián đoạn. Dư âm của các đợt dịch trước có thể kéo dài hết năm, do đó doanh nghiệp cần thêm thời gian phục hồi. Không phải doanh nghiệp có đơn hàng thì sản xuất ổn định mà thực ra họ đã tốn kém chi phí sau hai năm vừa sản xuất vừa chống dịch.

Theo bà Minh, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng không tác động đến toàn bộ lao động, chủ yếu ảnh hưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa – nhóm chịu tiêu cực nhất từ đại dịch và khoảng 10 triệu người ở khu vực quan hệ lao động không bền vững. Nhiều doanh nghiệp đang trả cao hơn mức chung và không phải điều chỉnh lần nữa theo quy định của nhà nước. Nếu điều chỉnh lương tối thiểu vùng chưa chắc tổng thu nhập thực nhận của người lao động sẽ cao lên.

Bà Vi Thị Hồng Minh,

Bà Vi Thị Hồng Minh, VCCI, cho rằng doanh nghiệp cần thêm thời gian phục hồi sau gần hai năm vừa sản xuất vừa chống dịch. Ảnh: Hồng Chiêu

Trong khi đó, đại diện công đoàn Việt Nam kiên định với đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 thay vì thông lệ 1/1 như những năm trước. Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nói lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất, mang ý nghĩa bảo vệ người lao động yếu thế, cũng là căn cứ để thương lượng tiền lương trên thực tế.

GDP quý I năm nay đã tăng 5,03%. Các chỉ số cho thấy khả năng phục hồi của doanh nghiệp ngày càng lớn và đây là lúc cần chia sẻ với người lao động sau hai năm quay quắt trong dịch. Tiền lương không đủ sống buộc họ phải chấp nhận tăng ca để có thêm tiền trang trải. “Doanh nghiệp khó khăn nhưng người lao động cũng đã đến ngưỡng chịu đựng. Cần tăng lương sớm, tránh tình trạng dồn nhiều năm mới tăng tạo ra cú sốc cho doanh nghiệp”, ông nói.

Công đoàn nhấn mạnh lương gần hai năm không điều chỉnh tạo ra những bất ổn trong quan hệ lao động. Khi không thể thương lượng thì giải pháp cuối cùng của người lao động là ngừng việc tập thể. Thống kê trước và sau Tết Nhâm Dần, cả nước xảy ra 28 cuộc ngừng việc tập thể, tranh chấp lao động tại 11 địa phương, nguyên nhân chủ yếu liên quan tới tiền lương, chế độ phúc lợi cho lao động.

Ông Lê Đình Quảng, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam kiến nghị cần tính toán lại mức sống tối thiểu làm căn cứ tính lương tối thiểu. Ảnh: Hồng Chiêu

Ông Lê Đình Quảng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, kiến nghị cần tăng lương từ tháng 7 năm nay. Ảnh: Hồng Chiêu

Thống kê trên phần nào phù hợp với nghiên cứu Cải cách tiền lương trong khu vực ngoài nhà nước của ILO năm 2018. Cơ quan này chỉ ra từ năm 2012 số lượng cuộc đình công tự phát giảm đáng kể, duy trì ổn định cho tới năm 2017. Việc ổn định giá cùng với điều chỉnh lương tối thiểu vùng thường xuyên từ năm 2014 góp phần vào việc duy trì sự ổn định trong quan hệ lao động.

ILO khuyến nghị các nước thành viên điều chỉnh lương tối thiểu thường xuyên và cảnh báo nếu sau vài năm không thay đổi, lương tối thiểu đột ngột điều chỉnh với biên độ lớn sẽ gây sốc cho doanh nghiệp. Quyết định điều chỉnh cũng sẽ khó khăn hơn. “Việc điều chỉnh lương tối thiểu trở nên không thường xuyên và không dự đoán được có thể dẫn đến số cuộc đình công tự phát tăng lên”, nghiên cứu của ILO cảnh báo.

Về mức tăng, các bên chưa đưa ra phương án cụ thể, song Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tính toán tăng lương phải bù được trượt giá trong hai năm qua, đặc biệt là quý I năm nay khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 1,92% so với cùng kỳ và lạm phát cơ bản đã tăng 0,81%.

Giai đoạn 2016 đến 2021, mức lương tối thiểu được điều chỉnh bình quân khoảng 7,4%. Theo công đoàn, khó đề xuất mức tăng bù đắp cho hai năm qua bằng cách nhân đôi 7,4%, vì doanh nghiệp không chịu nổi, nhưng cũng cần cân bằng cho cả hai phía và mức tăng không thể thấp hơn bình quân giai đoạn trên.

Cơm chiều của gia đình công nhân KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội, tháng 2/2022. Ảnh: Ngọc Thành

Cơm chiều của gia đình công nhân ở KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội, tháng 2/2022. Ảnh: Ngọc Thành

Từng nhiều năm làm Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, ông Phạm Minh Huân, nguyên thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội, nhấn mạnh đàm phán tăng lương chưa bao giờ dễ dàng bởi mỗi bên đều có lợi ích riêng, nhất là sau những tổn thất từ đại dịch.

Về thời điểm, ông cho rằng ngày 1/7 đã cận kề, còn đầu năm 2023 “chắc chắn nên điều chỉnh”. Hai năm chưa tăng không có nghĩa là cộng dồn để tăng mà cần nhìn vào đại bộ phận doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đông lao động xem khả năng cân đối chi phí của họ để tính.

“Mức tăng 7-8% là phù hợp, dưới 10%”, ông nhận định, cho rằng điều quan trọng là Chính phủ kìm chế lạm phát để tiền lương thực tế của người lao động đỡ hao hụt, cuộc sống đỡ bấp bênh. Nếu giá cả tiếp tục biến động như hiện nay cần cân nhắc thời điểm điều chỉnh sớm hơn.

Ông Huân cũng đánh giá năng lực thương lượng của công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp chưa mạnh và hầu như chưa thể thương lượng thành công với giới chủ. Muốn nâng cao đời sống lao động, công đoàn cơ sở cần những người thực sự hiểu biết đời sống doanh nghiệp, đàm phán nâng cao thu nhập lẫn phúc lợi cho lao động, không thể chỉ trông chờ vào tăng lương tối thiểu vùng.

Hồng Chiêu