Tìm việc hiệu quả trên mạng xã hội
Năm 2019, chị Nguyễn Thị Khánh Huyền cùng người cộng sự sáng lập dự án MyConnect – cộng đồng chia sẻ CV (hồ sơ xin việc) miễn phí trên mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn. Sau 3 năm, MyConnect đang là một trong những mạng lưới kết nối việc làm phổ biến trên LinkedIn, với hơn 150 thành viên.
Những cộng đồng chất lượng
Chị Huyền cho biết trung bình mỗi tuần có khoảng 200 – 250 CV mới được nhóm đăng tải. Hai tháng gần đây, tỉ lệ ứng viên có việc làm sau 2 – 4 tuần công khai hồ sơ khoảng 70%.
Không chỉ nhận và chia sẻ CV, các thành viên còn hỗ trợ định hướng nghề nghiệp, kỹ năng viết CV phù hợp với hệ thống sàng lọc ứng viên tự động. Bên cạnh đó, nhóm cũng xây dựng một “kho CV kín”, tập hợp các hồ sơ ứng viên kèm theo mô tả ngắn gọn, nêu bật những kinh nghiệm và thành tích. Nhờ đó, nhà tuyển dụng dễ dàng chọn nhân sự thỏa mãn các tiêu chí.
Từ một người làm marketing (tiếp thị), chị Huyền dần trở thành cố vấn nghề nghiệp cho nhiều trường hợp. “Tôi vừa duy trì công việc ở công ty, vừa cố gắng dành thời gian hỗ trợ ứng viên. Không ít trong số đó là anh, chị có nhiều năm kinh nghiệm nhưng thiếu các kỹ năng tìm việc cơ bản. Sắp tới, tôi và nhóm tiếp tục tổ chức các buổi học trực tuyến miễn phí để hỗ trợ cho nhiều người nhất” – chị Huyền nói.
Người lao động tham gia một sự kiện phát triển kỹ năng do cộng đồng “Bạn đã có việc làm chưa?” tổ chức. Ảnh: TẤN LÊ
Không chỉ có LinkedIn, các mạng xã hội khác cũng có nhiều nhóm hỗ trợ tìm việc hiệu quả, được đánh giá cao, nội dung bài bản, chuyên nghiệp. Trong đó, có cộng đồng “Bạn đã có việc làm chưa?” trên Facebook, thu hút hơn 210.000 thành viên tham gia sau gần 1 năm ra mắt. Điểm nổi bật của “Bạn đã có việc làm chưa?” là các bài đăng tuyển dụng được chia theo từng ngày, lĩnh vực. Đơn cử như: thứ hai tuyển vị trí việc làm thực tập sinh, thứ ba dành cho nhóm ngành tiếp thị – thiết kế, thứ tư nhà tuyển dụng tìm kiếm nhân sự về giáo dục, y tế.
Anh Tấn Lê – sáng lập cộng đồng “Bạn đã có việc làm chưa?” – cho biết anh thường xuyên tìm hiểu các hình thức lừa đảo việc làm mới để cập nhật vào bộ từ khóa quản trị trên trang. Bên cạnh đó, nhóm được xây dựng nội quy rõ ràng, quản trị viên thường xuyên rà soát bình luận trên bài, hạn chế tối đa những thông tin lừa đảo.
“Do nhu cầu đăng tuyển việc làm lớn, có ngày lên đến 2.000 bài, nên tôi xét duyệt nội dung đến khuya. Đối với những bài viết có dấu hiệu lừa đảo như: “việc nhẹ lương cao”, sử dụng tài khoản ảo, tài khoản người nước ngoài hoặc mới lập, không có hình đại diện, thông tin cá nhân sơ sài, tôi sẽ không chấp thuận” – anh Tấn Lê cho hay.
Phải cầu thị
Theo số liệu của cẩm nang tuyển dụng, thực hiện quý II/2023 của Anphabe (quận 1, TP HCM) cho thấy có hơn 43% ứng viên chủ động tìm kiếm việc làm qua hội nhóm mạng xã hội. Đây cũng là 1 trong 4 kênh tìm việc chính được người lao động ưu tiên hiện nay.
Bà Hồ Thị Kim Chi, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH Mesoneer (quận 3, TP HCM), nhận xét việc tuyển dụng trên mạng xã hội, nhất là qua các cộng đồng đang là xu hướng. Theo bà Chi, nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương án tuyển dụng dựa trên hiệu quả chứ không chỉ là vấn đề chi phí. Như tại Mesoneer, tỉ lệ ứng viên phù hợp tuyển qua mạng xã hội đã tăng từ 10% lên 50% so với thời điểm 2019.
Nhưng để phát hiện được người tài đòi hỏi nhân sự tuyển dụng phải có kỹ năng chọn lọc, loại trừ nhóm ứng viên “ảo” là những người không có nhu cầu tìm việc thật sự. “Nhân sự cao cấp hoặc những ngành đang tuyển nhiều như IT (công nghệ thông tin) thường ít chủ động tìm việc. Thông qua hồ sơ ứng viên đăng tải trên mạng xã hội, nhà tuyển dụng có thể xác định được nhân sự tiềm năng và “nuôi nguồn” đến khi có vị trí cần tuyển sẽ gửi lời mời trao đổi” – bà Chi đánh giá.
Để thu hút nhà tuyển dụng và gia tăng tỉ lệ cạnh tranh, các chuyên gia gợi ý ứng viên nên đầu tư vào việc xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội. Bà Trần Thị Ngọc Thảo, quản lý cấp cao tại một tập đoàn lớn ở TP Hà Nội và sáng lập cộng đồng kết nối nhân sự HR Talks, nhận xét ứng viên có thể bị mất thiện cảm trước nhà tuyển dụng nếu thường xuyên tương tác dưới các bài viết tiêu cực, hoặc bình luận chỉ trích, thiếu tôn trọng người khác. Trên mạng xã hội có không ít ý kiến trái chiều, thậm chí những lời chê bai, thái độ tiếp nhận và cách phản hồi sẽ bộc lộ bản chất ứng viên.
Theo bà Thảo, thay vì đáp trả, ứng viên cần thể hiện sự cầu thị, tập trung phát triển nội dung trên trang cá nhân. “Viết ra những trải nghiệm của bản thân, kinh nghiệm làm việc, những câu chuyện nhỏ trong cuộc sống cũng là một cách để nhà tuyển dụng có góc nhìn toàn diện. Điều quan trọng là hãy nhất quán từ bài viết cho đến cách bạn bình luận trên bài viết của người khác” – bà Thảo nói.