Thu hút đoàn viên bằng những việc làm thiết thực
Trước đây, khi DN làm ăn thuận lợi, ban giám đốc và Công đoàn công ty luôn chủ động chăm lo cho NLĐ, không có sự phân biệt giữa NLĐ là đoàn viên và không phải đoàn viên Công đoàn. Điều đó hình thành cho NLĐ suy nghĩ hoạt động chăm lo đó là của DN và dù là đoàn viên hay không, họ vẫn nhận được. Vì vậy, muốn kết nạp đoàn viên, Công đoàn cơ sở phải ra sức tuyên truyền.
Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, DN và cả NLĐ gặp phải khó khăn chung, có những giai đoạn vô cùng cấp bách. Thời điểm ấy, những chương trình, hoạt động chăm lo về vật chất và tinh thần do các cấp Công đoàn khởi xướng đã liên tục được triển khai về cơ sở, từ lương thực thực phẩm đến những phần quà, những khoản hỗ trợ bằng tiền mặt…
Những hoạt động chăm lo thiết thực này đã góp phần hỗ trợ, san sẻ khó khăn với công nhân (CN) tại các DN. Từ đó, NLĐ đã bắt đầu thay đổi nhận thức, họ nhìn thấy được cái lợi khi là đoàn viên Công đoàn, những gì họ nhận được lớn hơn nhiều so với khoản đoàn phí mà họ bỏ ra mỗi tháng. NLĐ cũng hiểu rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với vai trò của mình, Công đoàn vẫn luôn tìm cách để giúp đỡ đoàn viên.
Từ sự thay đổi nhận thức ấy, nhiều NLĐ tại công ty đã tự nguyện làm đơn gia nhập tổ chức Công đoàn. Hiện công ty tôi có khoảng 300 lao động thì có đến hơn 280 người là đoàn viên, chỉ số ít CN mới chưa là đoàn viên. Điều đó chứng minh Công đoàn vẫn luôn thu hút NLĐ bằng chính những hoạt động của mình.
Ông Phùng Thái Quang, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, tặng quà cho công nhân khó khăn tại quận Bình Tân, TP HCM nhân dịp Tháng Công nhân.. Ảnh: CAO HƯỜNG
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, NLĐ tìm đến Công đoàn với mong muốn được bảo vệ khi bị chèn ép quyền lợi, được hỗ trợ kịp thời khi gặp khó khăn, được nói lên tiếng của giai cấp mình trong những vấn đề lớn như xây dựng và phản biện chính sách liên quan đến NLĐ. Do vậy, tôi kỳ vọng rằng trong giai đoạn tới, tổ chức Công đoàn sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong tổ chức triển khai phong trào để đáp ứng ngày càng cao đòi hỏi của NLĐ.
Thời gian qua, Chính phủ rất quan tâm đến đời sống CN lao động thông qua các gói hỗ trợ về nhà ở xã hội, thất nghiệp. Điều này khiến NLĐ rất phấn khởi, đặc biệt là trong bối cảnh việc làm và thu nhập bị ảnh hưởng. Qua khảo sát tại công ty tôi, mong muốn lớn nhất của số đông NLĐ là được an cư lâu dài.
Tuy nhiên, thu nhập hạn chế khiến họ rất khó tiếp cận chính sách về nhà ở xã hội. Tôi kỳ vọng tổ chức Công đoàn với chức năng đại diện của mình sẽ có những đề xuất, kiến nghị phù hợp để giúp NLĐ hiện thực hóa giấc mơ an cư, từ đó an tâm làm việc và cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của TP HCM.