TGĐ Luxoft Việt Nam: Ngành công nghệ thông tin phù hợp tuyệt vời với nữ giới

Luxoft – công ty chuyên về phát triển phần mềm được thành lập vào năm 2000 bởi Dmitry Loschinin. Sau 22 năm xây dựng và mở rộng, hiện Luxoft có 16.600 tài năng công nghệ đang làm việc ở 48 thành phố tại 23 quốc gia trên khắp thế giới, nhằm phục vụ hơn 425 đối tác.

Năm 2019, Luxoft đã được sát nhập vào Tập đoàn DXC Technology. DXC Technology hiện có 130.000 nhân viên trên toàn cầu, phục vụ 6.000 khách hàng, doanh thu 2021 là 17,7 tỷ USD.

Tại Việt Nam, mặc dù chỉ có gần 100 nhân sự, nhưng vì đó đều là nhân lực chất lượng cao và chủ yếu phục vụ đối tác lớn tại châu Âu, trong 2 mảng công nghệ cao là xe hơi và tài chính; vậy nên, Luxoft rất có tiếng trong ngành công nghệ Việt, là điểm đến làm việc mơ ước của nhiều bạn trẻ. Vào tháng 8/2022, Luxoft Việt Nam từng nhận giải thưởng ‘Nơi làm việc tốt nhất châu Á’ trong năm 2022, do HR Asia trao tặng.

Để tìm hiểu xem, phái nữ đang có vai trò như thế nào trong ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam, chúng tôi đã tìm gặp anh Nguyễn Thái An – Tổng Giám đốc Luxoft Việt Nam. Ngoài 9 năm giữ vai trò lèo lái con thuyền Luxoft Việt Nam, trước đó anh cũng từng làm sếp ở nhiều công ty công nghệ khác. Hơn nữa, sự thăng tiến của anh cũng khá tiêu biểu trong ngành công nghệ Việt Nam, khi có xuất phát điểm là một coder.

dscf2100.jpg

Anh Nguyễn Thái An – Tổng Giám đốc Luxoft Việt Nam

Ở LUXOFT, NẾU BẠN CÓ ĐỦ TÀI NĂNG SẼ THÀNH CÔNG, KHÔNG PHÂN BIỆT NAM HAY NỮ

Thưa anh, tỷ lệ nam nữ ở Luxoft hiện nay thế nào?

Hiện tại, ở Luxoft Việt Nam, tỷ lệ nam nữ khoảng 80 – 20. 20% nữ là tỷ lệ khá cao nếu so với mặt bằng chung của thị trường công nghệ Việt Nam. Tuy nhiên, con số này là tính cả các bạn ở những mảng hành chính – sale – marketing. Còn nếu chỉ tính các kỹ sư công nghệ, thì tỷ lệ nữ của Luxoft Việt Nam vào khoảng 12%, tức trong hơn 90 nhân sự chuyên môn thì có khoảng 10 bạn nữ.

Sở dĩ tỷ lệ nam nữ tại Luxoft Việt Nam nói riêng và ngành công nghệ Việt Nam nói chung thấp, là bởi tỉ lệ nữ đầu vào ở các trường đại học thấp – kiểu như một loại đặc thù ngành. Chúng ta cứ nhìn vào các trường đại học chuyên về công nghệ thông tin hoặc các khoa công nghệ thông tin ở các trường đại học lớn, tỷ lệ nữ luôn thấp hơn rất nhiều so với các bạn nam. Tất nhiên, đầu vào thấp thì đầu ra cũng sẽ thấp.

Tại Luxoft Việt Nam, có bất cứ chính sách gì đặc biệt để thu hút và giữ chân nhân tài nữ?

Vì Luxoft Việt Nam là thành viên của Luxoft toàn cầu, nên văn hóa và những lợi ích mà các nhân viên nhận được cũng theo tiêu chuẩn toàn cầu chung của doanh nghiệp.

Đầu tiên, tôi sẽ nói về môi trường làm việc: ở Luxoft Việt Nam không có sự phân biệt đối xử dù bạn là nam hay nữ, gen Y hay Z; mọi người luôn trao đổi thẳng thắng với tinh thần hợp tác, để tìm cách giải quyết vấn đề.

Hiện tại, Luxoft đang khuyến khích nhân viên làm việc ở nhà – nên bạn có thể thấy dù văn phòng rộng rãi song chẳng có bao nhiêu người. Luxoft đang hướng tới môi trường làm việc virtual – với 90% làm việc từ xa và 10% thời gian làm việc ở công ty. Vậy nên, không ít nhân viên có nhà ở gần TP.HCM như Đồng Nai hay Bà Rịa – Vũng Tàu đã mang máy tính về làm và khi có việc cần thì họ mới lên công ty.

Ngoài địa điểm linh động, thì thời gian làm việc cũng khá linh hoạt, bởi chúng tôi chỉ quản lý hiệu quả công việc chứ không quản lý chi tiết. Bạn có thể làm lúc 6h30 sáng và kết thúc 15h30 hoặc làm việc lúc 10h và kết thúc 7h tối. Hơn nữa, chúng tôi không khuyến khích nhân viên làm overtime. Luxoft luôn ưu tiên việc cân bằng giữa thời dành cho công việc và thời gian dành cho gia đình – đời sống cá nhân.

luxoft3.jpg
dscf2105.jpg

Nhân sự nữ trong Luxoft Việt Nam

Theo đó, những nhân viên nữ – đặc biệt là những người đã có gia đình, rất thích những chính sách nói trên, vì nó khiến họ có thể ‘giỏi việc nước, đảm việc nhà’ mà không chịu quá nhiều áp lực. Nói chung, tại Luxoft, chỉ cần bạn có khả năng, sẽ được tạo mọi điều kiện để phát triển bản thân, mà không liên quan đến giới tính hay quốc tịch.

Về lợi ích như lương thưởng hay phúc lợi khác, Luxoft Việt Nam đang trả lương cao hơn mặt bằng chung của thị trường. Về các chăm sóc sức khỏe, dường như công ty đang ưu tiên nữ giới khi mở các lớp yoga – chạy bộ.

Ngoài ra, chúng tôi còn có tổng đài tư vấn về tâm lý 24/7, để bất cứ khi nào nhân viên công ty cảm thấy quá stress hoặc sức khỏe tinh thần không tốt, có thể gọi điện đến chia sẻ – tư vấn với các chuyên gia. Đây là chương trình chung của cả toàn cầu, chứ không riêng Việt Nam.

Với môi trường toàn cầu, các nhân sự nữ cũng như nam trong công ty sẽ được giao lưu – học hỏi với đồng nghiệp trên toàn thế giới. Ví dụ như hôm nay các nhân viên nữ trong văn phòng ở Thượng Hải khoe đồ ăn bản địa, thì ngày mai đến lượt các nhân viên nữ Việt Nam có thể chia sẻ đặc sản địa phương.

Hằng năm, công ty mở các lớp đào tạo để làm dày lượng nhân viên trung và cao cấp (C-level) và các nhân viên của Luxoft còn có cơ hội làm việc onsite trên khắp thế giới.

BÂY GIỜ, ĐÃ CÓ NHIỀU PHỤ NỮ Ở CẤP BẬC C-LEVEL VÀ LÃNH ĐẠO TRONG NGÀNH CNTT

Trong 5 năm trở lại đây, anh có cảm thấy tỷ lệ nữ ở trên thị trường nhân sự công nghệ tại Việt Nam có tăng lên hay không? Cả về số lượng lẫn chất lượng?

Tôi không nắm được các con số cụ thể, nhưng theo quan sát của tôi và các lãnh đạo trong ngành, đã có sự tăng trưởng nhân sự nữ trong ngành công nghệ thông tin khoảng 5 năm gần đây, khá đáng kể. Tại Việt Nam, nhiều trường đại học cũng đã thành lập hoặc tách ra những phân ngành cụ thể, sự xuất hiện của sinh viên nữ cũng khá nhiều.

Cụ thể: cách đây 5 năm, phụ nữ trong ngành CNTT chủ yếu ở mảng testing, nhưng nay đã có một lượng nhân sự nữ đáng kể xuất hiện trong các mảng khác. Tương ứng, tỷ lệ C-level hoặc lãnh đạo nữ trong mảng này cũng tăng lên đáng kể. Vị thế của nhân sự nữ trong ngành so với nam giới vẫn chưa có sự cân bằng, song đã có những thay đổi tích cực!

dscf2092.jpg

Luxoft đã tăng cả số lượng như đã nói ở trên và cả chất lượng. Luxoft có nhiều bạn nữ làm Trưởng nhóm hoặc Trưởng bộ phận. Nếu quy mô công ty lớn sẽ có nhiều leader nữ, song chúng tôi chỉ khoảng 100 nhân sự, nên chỉ có 2 leader. Tỷ lệ vậy là cũng được, không tệ! Hoặc trong mảng tài chính – marketing, Luxoft Việt Nam còn có các nữ lãnh đạo khu vực/vùng. Ở DXC Việt Nam, cùng thuộc Tập đoàn DXC như Luxoft, tỷ lệ nữ giới quản lý dự án rất cao – đông hơn nam.

Nếu mình nhìn rộng ra trong cộng đồng CNTT Việt Nam cũng không thiếu các nữ lãnh đạo. Ví dụ như FPT Software có Chủ tịch là chị Chu Thị Thanh Hà, NashTech Technology với khoảng 1.000 nhân viên có nữ CTO là chị Phạm Thị Tuyết Loan. Ở vị trí quản lý tại Việt Nam, có khá nhiều tên tuổi nữ lãnh đạo nổi bật: chị Nguyễn Thị Kiều Quyên – CEO Sharework, chị Trần Thị Diệu Thuần – CEO Xoontech; ở phía Bắc có chị Đặng Thị Thanh Vân là CEO và Founder của Savvycom.

Tuy nhiên, dường như vị trí CTO – nhất là các công ty chuyên làm sản phẩm/giải pháp B2C, hầu như không có nữ. Vì sao lại thế, thưa anh?

Theo quan điểm của tôi, nguyên do chính là các bạn nữ rất khó để đầu tư nhiều thời gian cho mảng kỹ thuật. CTO không phải công việc chỉ làm 8 tiếng là được, vì CTO là người dẫn dắt – thiết kế các chiến lược cho sản phẩm/giải pháp, buộc phải có kiến thức – kỹ thuật rộng và sâu. Nói chung, cái này chỉ tài năng là không đủ, mà chúng ta phải đổ rất nhiều năng lượng vào đó.

Trong khi, phụ nữ phải chia sẻ thời gian cho gia đình – con cái. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn có ngoại lệ; ví dụ như chị Phó Chủ tịch gốc Việt của Qualcomm. Chỉ cần nhìn số lượng bằng sáng chế, thì đã biết là chị Tiến sỹ này đã dành rất nhiều thời gian để đi theo con đường kỹ thuật. Vậy nên, quan trọng là làm sao giải phóng được phụ nữ, để họ có nhiều không gian và nhiều sự chọn lựa.

Vậy theo anh, đâu là nguyên do tạo nên những thay đổi tích cực nói trên ở cả thị trường Việt Nam lẫn thế giới?

Ngày nay, phụ nữ phát triển trong ngành công nghệ đang rất tốt vì càng ngày nó càng đa dạng.

Ngày xưa, nói tới ngành công nghệ, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến công việc lập trình; còn bây giờ, nói về chuyện đổi số và công nghệ phần mềm, kiểu công việc rất đa dạng: thiết kế giao diện người dùng như UX/UI, phân tích dữ liệu – data analytics, phát triển các ứng dụng cho ngành tài chính – ngân hàng…Đây là những vị trí mà giới nữ làm rất tốt, bởi nó đòi hỏi việc phải nắm bắt sản phẩm, tâm lý người dùng, phải tinh tế.

luxoft2.jpg

Team Luxoft Việt Nam

Tại Luxoft và DXC, tỷ lệ nữ ở những mảng trên vào khoảng 20% đến 30%. Đội thiết kế các phần mềm – ví dụ như phần mềm giải trí, bên trong ô tô xe hơi ở Đức hoặc Thượng Hải của Luxoft, đa số là nữ và khách hàng rất thích. Các thiết kế các bạn tạo ra rất tuyệt vời! Những vị trí trong ngành phần mềm phục vụ ngành ngân hàng, nữ làm lãnh đạo rất nhiều.

Ở mảng ô tô của Luxoft Việt Nam, tỷ lệ nữ khá thấp. Theo tôi, không phải phụ nữ Việt Nam không có năng lực – nhiều bạn nữ lập trình giỏi và cứng, mà bởi các bạn nữ học lập trình nhúng ít hoặc các bạn nữ chịu chuyển đổi từ lập trình web qua lập trình nhúng rất ít. Thứ hai, ngành ô tô ở Việt Nam khá là mới.

Chưa hết, lập trình hiện tại là một công việc rất thú vị. Nếu xem xây dựng sản phẩm là xây 1 ngôi nhà, cách đây chục năm, các lập trình phải ghép từng viên gạch và sau khi tất cả những các thành phần của sản phẩm/dịch vụ làm xong, thì mới ghép thành 1 sản phẩm hoàn chính. Tức là, có khi phải miệt mài code 1 năm, chúng ta mới thấy hình hài sản phẩm của mình.

Còn hiện tại, đã có những bộ công cụ hỗ trợ (có thể ví von như cả mái nhà – bức tường) để các lập trình viên xây nhà vừa nhanh vừa đẹp. Về phần thể hiện: lập trình viên code xong phần nào sẽ giao cho khách hàng kiểm tra phần đó – tất nhiên chúng ta có thể thấy rõ ràng hình hài sản phẩm của mình ngay lập tức. Sau đó, chúng ta sẽ vừa làm vừa sửa theo feedback từ đối tác và khách hàng của họ.

Đặc biệt, nếu bạn nữ nào rất thích ngay lập tức nhìn các sản phẩm mình vừa tạo ra để có cảm hứng tiếp tục công việc, thì rõ ràng công việc lập trình ngày nay có thể tạo nhiều cảm hứng hơn hồi xưa.

THÔNG THƯỜNG, SAU MỖI 5 NĂM CÁC TÀI NĂNG CÔNG NGHỆ SẼ CÓ BƯỚC NHẢY VỌT VỀ CHẤT LƯỢNG

Vậy đâu là những lời khuyên của anh dành cho các nhân sự nữ đang tập tễnh bước vào thị trường lao động công nghệ?

Đầu tiên là với những bạn nữ vẫn còn phân vân đứng trước cánh cửa, không biết nên bước vào hay bỏ đi; chúng ta cần phải cởi bỏ đi 1 số quan ngại hoặc hiểu biết cũ về ngành CNTT.

luxoft1.jpg

Ví dụ: lập trình là một công việc rất vất vả – khô khan, lớn tuổi 1 chút sẽ code không nổi, khó cạnh tranh với nam… Những suy nghĩ đó, các bạn nữ nên bỏ đi, bởi chúng không còn đúng nữa. Chỉ khi những thứ đó không còn là rào cản, với đam mê – nhiệt huyết, thì mình mới quyết tâm bước vào nghề!

Có thể nói, ngành IT là nơi mà phụ nữ có nhiều sự chọn lựa nhất, vì ngành này đa dạng tới mức – mình có thể thay đổi và thích nghi từ mảng này sang mảng khác, mà không gặp nhiều trở ngại lớn. Công nghệ là ngành mình có thể tự học và chuyển đổi một cách dễ dàng nhất, nó cho phụ nữ tự do chọn lựa công việc mình yêu thích mà không có bất cứ vướng bận nào.

Môi trường làm việc của ngành CNTT cũng có tính toàn cầu cao nhất. Mà cái gì có tính toàn cầu đa dạng, nó sẽ thúc đẩy mình có nhiều sự tự do, sáng tạo và cơ hội học hỏi không giới hạn.

Còn với những bạn đang có những bước đầu tiên vào ngành, thì làm cái gì cũng vậy, phải chọn đúng công việc mà mình yêu thích nhất. Thứ hai là phải liên tục học hỏi. Đây là yêu cầu chung của tất cả các ngành; song ngành CNTT có đặc điểm nữa: sẽ không có chuyện phát triển nhảy vọt hoặc lên một level trong thời gian ngắn như 1 đến 2 năm.

Tuy nhiên, có thể sau 5 năm, các bạn sẽ thấy mình có 1 bước nhảy vọt rất lớn về kỹ năng nghề nghiệp – kỹ thuật – ngôn ngữ. Cho nên, nếu kiên trì – phụ nữ thường kiên trì, chúng ta sẽ đạt những tiến bộ rất lớn.

Bây giờ, khi tôi tuyển nhân viên nữ đã khác cách đây 5 năm, nhiều bạn có kỹ năng công việc và ngôn ngữ rất giỏi, có thể 1 mình độc lập tác chiến. Bước trở ngại ban đầu là chưa làm được nhiều thứ, nhưng chỉ cần kiên trì học hỏi – tích luỹ 3 đến 5 năm, các bạn sẽ là những kỹ sư làm ra được những sản phẩm tuyệt vời.

Cảm ơn anh rất nhiều!


Quỳnh Như