TĂNG HIỆU QUẢ KẾT NỐI ĐÀO TẠO VỚI TUYỂN DỤNG: Phát triển nghề nghiệp bền vững, căn cơ
Các chuyên gia lao động – việc làm, đại diện các doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục – đào tạo trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: TẤN THẠNH
.Bà NGUYỄN HOÀNG PHƯỢNG LINH, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH CNS Amura Precision (TP HCM):
Bà NGUYỄN HOÀNG PHƯỢNG LINH
Đào tạo chuyên sâu ở những ngành đặc thù
Những năm gần đây các trường đã tập trung đào tạo, trang bị kiến thức cho sinh viên (SV) đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp (DN). Riêng về ngành cơ khí cần sự chính xác cao, do vậy, các trường cần lưu ý trang bị thêm kỹ năng đọc bản vẽ kỹ thuật và ngoại ngữ cho các em. Với những ngành kỹ thuật đặc thù, các em còn thiếu kỹ năng thực tế, do đó khi tuyển dụng, DN phải đào tạo lại từ 3 tháng đến 2 năm. Về thái độ ứng xử, nhìn chung các em có hoài bão nhưng còn thiếu tính kỷ luật và nhìn nhận vấn đề hơi hẹp. Ví dụ, mới ra trường, các em được trả 8 triệu đồng/tháng nhưng qua năm sau thấy DN khác trả cao hơn là tìm cách chuyển sang. Các em chưa nhìn nhận được sự phát triển lâu dài của nghề nghiệp. Việc này đã dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám” ở DN. Theo tôi, các trường nên đào tạo sâu hơn ở những ngành đặc thù và chủ động gửi SV đến thực tập tại các DN.
. ThS HỒ ĐỨC SINH, Giám đốc Trung tâm Hợp tác DN – Trường ĐH Công nghệ TP HCM (HUTECH):
Doanh nghiệp phải đào tạo bổ sung
Hiện nhiều DN cần tuyển SV làm việc được với các yếu tố: kiến thức, kỹ năng, thái độ. Tuy nhiên, trường đại học chỉ có thể đào tạo kiến thức nền tảng chứ không thể đào tạo nhân lực riêng cho một DN. Vì vậy, để có lực lượng lao động lành nghề, DN cần đào tạo bổ sung về mặt chuyên môn. Tại sao DN thiếu nguồn nhân lực? Trong tuyển dụng có 3 cấp độ: lao động thường, chuyên gia, quản lý. Đối với chuyên gia và quản lý thì phải đi săn, còn lao động thường thì không khó. Kinh nghiệm ở những tập đoàn đa quốc gia là tuyển dụng rất kỹ SV mới ra trường. Họ săn lùng từ lúc SV chưa tốt nghiệp, khi lọt vào tầm ngắm thì họ đưa vào quy trình đào tạo. Những người này sau 6 tháng làm việc tốt hơn những người làm việc lâu năm. Ở những công ty đa quốc gia, họ hòa nhập rất nhanh. Do đó, theo tôi, tuyển một người có kinh nghiệm lâu năm nghỉ việc ở công ty khác về làm sẽ khó thay đổi họ để theo văn hóa công ty so với những người trẻ.
. Ông NGUYỄN VĂN HÙNG, Trưởng Phòng Nhân sự kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cơ khí Xây dựng và Thương mại Đại Dũng (TP HCM):
Tạo cơ hội cọ xát cho sinh viên
Là DN hoạt động trong ngành cơ khí công nghiệp, Công ty CP Cơ khí Xây dựng và Thương mại Đại Dũng sử dụng rất nhiều lao động nên thường xuyên kết nối với các trường đào tạo, kể cả các trường trung cấp, cao đẳng để tạo điều kiện cho SV thực tập trải nghiệm, cọ xát thực tế. Sau khi tốt nghiệp, SV sẽ được công ty tuyển dụng, bố trí việc làm phù hợp. Hiện công ty đang phối hợp với các trường thiết kế chương trình học kết nối với DN nhằm gia tăng thời gian trải nghiệm cho SV. Khi đến kiến tập, các em sẽ được công ty cắt cử người kèm cặp, hướng dẫn để làm quen với công việc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Công ty CP Cơ khí Xây dựng và Thương mại Đại Dũng có bộ phận chuyên trách để đào tạo mới, đào tạo thêm cho người lao động (NLĐ) mới tuyển. Trong chương trình đào tạo, công ty chú trọng đến kỹ năng, chuyên môn và cả thái độ làm việc cho NLĐ. Quan điểm tuyển dụng của công ty không phân biệt người có hay chưa có kinh nghiệm. Do vậy, các SV thấy mình có đam mê, kỹ năng, khả năng ở ngành khác thì mạnh dạn đề xuất, DN sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện để các em làm việc.
. Ông TRẦN THANH HƯƠNG, Giám đốc điều hành Tập đoàn Hùng Hậu Holdings (TP HCM):
Ông TRẦN THANH HƯƠNG
Tạo văn hóa bền vững trong phát triển nghề
Là đơn vị hoạt động đa ngành, trong đó có giáo dục, để trả lời nguồn nhân lực đã đáp ứng được nhu cầu của DN hay chưa, tôi cho rằng trên thực tế không thể có điểm chung để hài lòng nhau. Ở góc độ trường đại học, cao đẳng, chúng tôi đang đào tạo theo quy trình chung và ưu tiên tạo điều kiện để SV làm việc ở công ty. Ở góc độ DN, chúng tôi tạo ra văn hóa bền vững trong lộ trình phát triển nghề nghiệp. Mỗi trường sẽ có triết lý riêng trong đào tạo, các DN của Hùng Hậu phải chấp nhận triết lý của trường mình để tiếp nhận các em. Đó là thế mạnh của trường có DN, vì khi đó các em được tham gia thực tế nhiều hơn.
. PGS-TS BÙI HOÀI THẮNG, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa – ĐHQG TP HCM:
PGS-TS BÙI HOÀI THẮNG
Chú trọng hướng nghiệp cho sinh viên
Hiện DN mong muốn tuyển được lao động có trình độ, có kỹ năng và gắn bó lâu dài với DN. Ở góc độ là đơn vị đào tạo, chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của hướng nghiệp. Nếu người học chọn sai ngành dẫn đến việc ra trường đi làm sẽ khó phù hợp với công việc. Do đó, các trường tập trung đào tạo chuyên môn, sau đó các DN tiếp tục đào tạo để NLĐ có thể đảm nhận công việc được giao. Theo tôi, các trường đang rất cần sự đồng hành của DN cả trong quá trình đào tạo và phát triển nghề nghiệp. Mối quan hệ giữa nhà trường và DN không thể thiếu trong mục tiêu bảo đảm đào tạo và việc làm sau đào tạo.
. ThS TRƯƠNG TIẾN SĨ, Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trưởng Bộ phận Quan hệ DN Trường ĐH Ngân hàng TP HCM:
Nâng cao khả năng thích ứng
Xu hướng chung của các trường đại học là đào tạo đa ngành nhưng mỗi trường có những ngành mũi nhọn, thế mạnh. Với vai trò của cơ sở đào tạo, việc trang bị kiến thức nền tảng cho SV rất quan trọng. Ở Trường ĐH Ngân hàng TP HCM cũng chú trọng trang bị cho SV nhiều kỹ năng khác nhau, để các em không chỉ có thể làm tốt lĩnh vực nghề nghiệp được đào tạo mà còn sẵn sàng chuyển đổi sang lĩnh vực khác. Ngoài kiến thức được đào tạo ở trường, SV cần trải nghiệm môi trường thực tế. Trường không đào tạo cái mình có mà đào tạo theo nhu cầu của DN. Hằng năm, trường đều mời DN tham gia xây dựng chương trình đào tạo cùng các hoạt động khác nhằm hỗ trợ SV trong định hướng nghề nghiệp. Để thành công trong tương lai, ngoài những cố gắng của nhà trường, SV cũng cần nỗ lực thường xuyên, không ngừng trau dồi kiến thức.
. Ông PHAN VĂN TÂM, Giám đốc Marketing Công ty CP Phân bón Bình Điền (TP HCM):
Tìm tiếng nói chung
Nhiều người nói nhân lực tại DN thường có nhiều biến động nhưng ở Công ty CP Phân bón Bình Điền thì không. Hoạt động trong ngành nông nghiệp nên công ty luôn cần tuyển những SV mới ra trường vì họ có tư duy sáng tạo. Chúng ta cần nhìn nhận SV mới ra trường đều có chung nền tảng đào tạo. Tuy nhiên, trong DN thì phải có trưởng phòng, phó phòng, chuyên viên, lao động phổ thông…, các vị trí không thể ngang bằng nhau. Vì vậy, những người có kiến thức, năng lực cao mà đặt họ vào vị trí thấp hơn giá trị của họ thì tất nhiên họ sẽ rời đi. Theo tôi, DN khi tuyển người vào mà để họ ra đi thì phải xem mình đã trả lương xứng đáng với giá trị của họ chưa. Lao động trẻ hiện rất năng động, sáng tạo và có góc nhìn về việc làm rất khác.
Tọa đàm “Tăng hiệu quả kết nối đào tạo với tuyển dụng” do Báo Người Lao Động tổ chức rất thiết thực và bổ ích, giúp các cơ sở giáo dục và DN nhìn ra một số vấn đề trong đào tạo và tuyển dụng lao động. Nếu DN và các cơ sở giáo dục tìm tiếng nói chung, tôi chắc rằng chất lượng lao động sẽ được cải thiện.
Báo Người Lao Động trân trọng cảm ơn các đơn vị đồng hành chương trình:
Công ty CP Phân bón Bình Điền; Công ty CP Thương mại và Truyền thông Thời Đại (Sun Group); Trường Cao đẳng Nova (Nova College); Tập đoàn Vingroup – Công ty CP; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh TP HCM; Công ty CP Uniben.