Sinh viên Trung Quốc bớt mặn mà với du học Mỹ, Anh, chuyển hướng sang những vùng đất mới
Sinh viên đại học Trung Quốc Bian đang chăm chỉ học tiếng Đức để có thể đến quốc gia châu Âu này sau khi tốt nghiệp vào năm tới, với kế hoạch tham gia một khóa học ngôn ngữ và sau đó lấy bằng tốt nghiệp.
Là sinh viên chuyên ngành truyền thông tại một trường đại học hàng đầu Trung Quốc, cô đã cân nhắc nhiều lựa chọn để học lên cao và quyết định loại trừ Mỹ và Anh vì học phí và chi phí sinh hoạt ở những quốc gia đó vẫn vượt quá khả năng của cô.
Ngược lại, Đức có nhiều điểm hấp dẫn, bao gồm một số chương trình với học phí rất thấp hoặc thậm chí bằng 0, môi trường xã hội ổn định và nền văn hóa phương Tây thú vị.
Trong ba năm qua, số lượng sinh viên Trung Quốc tại Mỹ đã giảm, với số lượng sinh viên xuất sắc nhất của Trung Quốc không lựa chọn xứ cờ hoa ngày càng tăng. Thay vào đó, châu Âu đang nổi lên như một điểm đến phổ biến đối với sinh viên Trung Quốc đang chuẩn bị ra nước ngoài để học cao hơn.
Sinh viên đã đến châu Âu qua nhiều thế hệ, phản ánh ý tưởng rằng học hỏi từ phương Tây có thể giúp ích cho quá trình hiện đại hóa Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, ngành khoa học và công nghệ của Trung Quốc đã được hưởng lợi từ việc gửi sinh viên đến các nước ở châu Âu.
Chẳng hạn, Wan Gang, “cha đẻ của xe điện Trung Quốc”, học tại Đại học Kỹ thuật Clausthal ở Đức năm 1985 sau khi lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Tongji. Năm 1991, ông lấy bằng tiến sĩ và sau đó làm việc cho gã khổng lồ ô tô Audi trong nhiều năm. Ông trở về Trung Quốc và trở thành hiệu trưởng của Đại học Tongji vào năm 2004, sau đó được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ba năm sau đó.
Hơn hai thập kỷ trước, ông Wan đã thuyết phục các nhà lãnh đạo Trung Quốc phát triển công nghệ điện khí hóa phương tiện. Ngày nay, hơn một nửa số xe điện được bán trên toàn thế giới là ở Trung Quốc.
Nhiều thập kỷ trôi qua, ngày nay sinh viên Trung Quốc vẫn tỏ ra hứng thú với việc học tập ở châu Âu.
Eva – một nhân viên phụ trách các chương trình nghiên cứu châu Âu tại một đơn vị du học nổi tiếng ở Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa hoàn thiện số liệu thống kê cho năm 2023 về số lượng sinh viên đã đến các nước châu Âu vì thiếu dữ liệu chính thức từ các đại sứ quán”. “Nhưng ước tính sơ bộ của chúng tôi là con số này chắc chắn sẽ vượt mức trước đại dịch – đỉnh điểm vào năm 2019”.
Trung Quốc là quốc gia ngoài Khu vực kinh tế châu Âu duy nhất nằm trong top 10 nước có lượng sinh viên theo học tại Hà Lan kể từ năm học 2021-2022, đứng ở vị trí thứ tư. Theo dữ liệu chính thức, năm học 2022-2023, có 5.610 sinh viên đến từ Trung Quốc theo học tại Hà Lan, tăng 5,3%.
Theo tờ China Daily, đã có 12.571 sinh viên Trung Quốc đăng ký học đại học ở Tây Ban Nha vào năm 2020, gần gấp đôi so với năm 2015.
Tại Đức, theo dữ liệu do Cơ quan Trao đổi Học thuật Đức (DAAD), trong 10 năm qua, sinh viên đến từ Trung Quốc là một nguồn quan trọng trong số sinh viên quốc tế của quốc gia này. Số lượng sinh viên Trung Quốc vượt xa số lượng sinh viên đến từ các nước khác, với khoảng một nửa trong số đó chọn học các môn liên quan đến kỹ thuật.
Trong khi đó, ở Pháp, mặc dù số lượng sinh viên đến từ Trung Quốc trong năm học 2021-2022 giảm 2%, Trung Quốc vẫn đứng thứ ba trong số các quốc gia có lượng sinh viên theo học đông nhất tại quốc gia châu Âu này.
So với các quốc gia hấp dẫn sinh viên nhất như Mỹ và Anh, nhiều quốc gia châu Âu có lợi thế riêng về ngành học cũng như những đặc điểm độc đáo khác.
Ví dụ, Đức nổi tiếng với các chương trình kỹ thuật cơ khí và điện tử, trong khi Pháp dẫn đầu toàn cầu về giáo dục toán học và nghệ thuật, còn Hungary nổi tiếng với các khóa học y tế toàn diện.
Trong số các chương trình được dạy bằng tiếng Anh ở châu Âu, những chương trình ở Ireland là phổ biến nhất vì tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp trong nước và quốc tế có việc làm đặc biệt cao. Đây là lợi thế đáng kể cho sinh viên Trung Quốc khi họ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường việc làm trong nước.
Chính sách visa cũng như môi trường thân thiện được kỳ vọng sẽ ngày càng trở thành yếu tố quan trọng đối với sinh viên Trung Quốc khi quyết định du học ở đâu,
Theo “Báo cáo thường niên về sự phát triển của sinh viên Trung Quốc du học (2022)”, chính sách visa cũng như môi trường thân thiện được cho là sẽ ngày càng trở thành yếu tố quan trọng đối với sinh viên Trung Quốc khi quyết định du học ở đâu. “Pháp và Đức đang dần đưa ra các chính sách thuận lợi cho sinh viên Trung Quốc.”
Trên hết, ngày càng nhiều hộ gia đình Trung Quốc đang gặp khó khăn khi nền kinh tế giảm tốc. Điều này khiến họ phải cân nhắc các lựa chọn ít tốn kém hơn cho việc học hành của con cái và kế hoạch nhập cư của gia đình họ. Về mặt này, các nước châu Âu có lợi thế hơn so với những nơi như Mỹ và Canada.
Năm 2020, một cuộc khảo sát về dữ liệu học tiếng Đức cho thấy số lượng người Trung Quốc học tiếng Đức tăng trưởng nhanh chóng. Ở các trường trung học Trung Quốc, số học sinh học tiếng Đức đã tăng gần gấp đôi trong 5 năm qua.
Tuy nhiên, việc được nhận vào các tổ chức giáo dục châu Âu không hề dễ dàng. Eva cho biết cô đã phỏng vấn một số sinh viên du học tại Pháp và nhận thấy những người có thể đăng ký vào các trường danh tiếng của Pháp đều có trình độ tiếng Pháp vượt trội, cùng với điểm IELTS và GPA cao.
Nói chung, những sinh viên tài năng nhất, chẳng hạn như những người tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh, muốn đi du học phần lớn vẫn theo học tại các trường nổi tiếng nhất ở Mỹ và Anh.
Tuy nhiên, Wu Huiping, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đức tại Đại học Tongji ở Thượng Hải, cho biết: “Những sinh viên có thể theo học tại các trường đại học ở Đức cũng rất xuất sắc vì yêu cầu tốt nghiệp ở đó rất nghiêm ngặt”.
Wu cho biết, các gia đình Trung Quốc không còn nhiệt tình đi du học như hai thập kỷ trước. Nhưng đối với các quốc gia như Đức, các chuyên ngành liên quan đến kỹ thuật và học phí thấp vẫn rất hấp dẫn. Ở một số trường đại học được xếp hạng cao ở Đức, sinh viên Trung Quốc hiện diện ở khắp mọi nơi.
Nhưng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trong nước và các ngành sản xuất, cũng như sự cải thiện liên tục trong bảng xếp hạng các trường đại học, Trung Quốc khó có thể ủng hộ việc các công dân ưu tú của mình đến học tập ở phương Tây một cách nhiệt thành như cách đây nhiều thập kỷ, bà Wu nói.
Tuy nhiên, nhiều sinh viên Trung Quốc vẫn đến châu Âu với mong muốn mở rộng tầm nhìn và làm phong phú thêm kinh nghiệm cũng như nền tảng giáo dục của họ.
Tham khảo: SCMP