Seller sở hữu tới 5 thương hiệu bán trên TMĐT: Nếu đang tìm cách xây dựng thương hiệu riêng mà chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy thử kinh doanh trên TMĐT

Seller sở hữu tới 5 thương hiệu bán trên TMĐT: Nếu đang tìm cách xây dựng thương hiệu riêng mà chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy thử kinh doanh trên TMĐT - Ảnh 1.

Chào mọi người, mình là Trần Lâm – CEO & Founder công ty TNHH Natural House, hiện đang bán hàng trên TMĐT. Nếu tính cả 5 thương hiệu mình đang sở hữu bao gồm Julyhouse, Macaland, Loli&theWolf, HevieFood và BuB&MuM thì mình có hơn 150 mã hàng hoá. Số lượng khoảng 1000 đơn hàng mỗi ngày, những ngày cao điểm, số lượng có thể hơn 5000 đơn hàng/ngày.

Mình muốn chia sẻ một số kinh nghiệm cá nhân của mình trong lĩnh vực này, hy vọng sẽ hữu ích cho các bạn.

Seller sở hữu tới 5 thương hiệu bán trên TMĐT: Nếu đang tìm cách xây dựng thương hiệu riêng mà chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy thử kinh doanh trên TMĐT - Ảnh 2.

Bản thân mình trước đó làm việc trong ngành sản xuất và kinh doanh tinh dầu, mỹ phẩm và thực phẩm thiên nhiên. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, mình cảm thấy việc kinh doanh truyền thống đang tồn tại nhiều hạn chế như chi phí triển khai cao, đặc biệt với các sản phẩm thiên nhiên cần truyền thông câu chuyện giá trị nhiều. Chưa bắt kịp xu hướng thương mại toàn cầu, mình quyết định nghỉ việc và tự đi con đường riêng vào cuối năm 2016.

Sau đó, mình đã thành lập thương hiệu Julyhouse và bắt đầu từ sản phẩm xịt phòng tinh dầu đuổi muỗi Julyhouse. Vốn xuất thân là dân kỹ thuật, chưa có nhiều kinh nghiệm, kiến thức về kinh doanh hay marketing, mình gặp khá nhiều khó khăn khi bắt đầu. Mình đăng bán các sản phẩm trên các nhóm facebook, chạy quảng cáo fanpage trong 6 tháng đầu nhưng hiệu quả đều không đạt kỳ vọng.

Lúc này, mình đã phải tìm hiểu lại từ đầu các kiến thức kinh doanh cũng như các kênh phân phối mới. Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi mình biết đến sàn TMĐT. Đối với mình, đây thật sự là bước ngoặt giúp mình phát triển và đi đến ngày hôm nay. Triển khai bán hàng trên TMĐT giai đoạn này đơn giản hơn rất nhiều, rất phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ, giới hạn về vốn và nguồn lực, chỉ cần tập trung vào khâu nghiên cứu tạo ra các sản phẩm mới để giải quyết các nhu cầu của khách hàng.

Giai đoạn 2017-2019 là thời điểm các nhà bán hàng có thể dễ dàng gia nhập, bán hàng trên TMĐT. Nhiệm vụ của nhà bán hàng lúc đó chỉ cần tối ưu sản phẩm rồi triển khai lên các sàn TMĐT. Sản phẩm tốt, được khách hàng đánh giá cao và tham gia thêm các chương trình khuyến mãi thì chắc chắn khách hàng sẽ ưa chuộng và tự tìm đến gian hàng.

Thời điểm dịch Covid-19 diễn ra, mình đã tận dụng tốt cơ hội kinh doanh trên sàn TMĐT để mở rộng tệp khách hàng và thành công tăng doanh số gấp đôi, bởi khi ấy, khách hàng quan tâm đến các sản phẩm chăm sóc sức khỏe nhiều hơn. Ngoài ra, bên mình còn phát triển được các sản phẩm phù hợp xu thế mới của người tiêu dùng.

Cá nhân mình đánh giá, khách hàng sau Covid-19 vẫn giữ thói quen mua hàng online, vậy nên đây là thời điểm thích hợp để tập trung hơn nữa cho việc nghiên cứu sản phẩm mới. Với việc cho ra nhiều sản phẩm phù hợp với những nhu cầu mới phát sinh sau đại dịch, doanh số hiện tại của mình vẫn giữ được đà tăng trưởng ổn định.

Seller sở hữu tới 5 thương hiệu bán trên TMĐT: Nếu đang tìm cách xây dựng thương hiệu riêng mà chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy thử kinh doanh trên TMĐT - Ảnh 3.

Sau khi kinh doanh, mình nhận ra TMĐT giúp mình đạt được 2 điều tuyệt vời. Điều đầu tiên, mình đã thành công xây dựng nên một công ty riêng của bản thân, điều mà mình ước mơ bấy lâu. Công ty thậm chí đang tăng trưởng liên tục, quy mô nhân sự đã đạt 50 người.

Thứ hai, mình đã nghiên cứu và tạo ra được những sản phẩm có nguồn gốc nguyên liệu tại Việt Nam, như các loại tinh dầu sả, dầu dừa, dầu mắc ca…

Mình đã tận dụng được sự trù phú của thiên nhiên Việt Nam, nâng cao giá trị của các nguyên liệu này bằng cách ứng dụng vào các sản phẩm tiêu dùng cuối. Hơn nữa, mình đã nghiên cứu chuyên sâu để tăng cường khả năng đuổi muỗi cho các sản phẩm như tinh dầu bạch đàn chanh, hay chiết xuất bồ hòn để ứng dụng trong các sản phẩm chăm sóc nhà cửa như nước rửa chén hay lau sàn nhà. Ngoài ra, mình còn nghiên cứu các nguyên liệu thiên nhiên organic khác như mắc ca, cà phê, bồ kết để ứng dụng và ngành mỹ phẩm chăm sóc cơ thể, từ đó tạo ra câu chuyện cho riêng mình và tạo chỗ đứng cho các sản phẩm có nguồn gốc Việt Nam trên thị trường.

Seller sở hữu tới 5 thương hiệu bán trên TMĐT: Nếu đang tìm cách xây dựng thương hiệu riêng mà chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy thử kinh doanh trên TMĐT - Ảnh 4.

“Đường đua” TMĐT đang thay đổi, và mình thấy rằng, có thể tạm phân loại các nhà bán hàng trên thị trường thành 3 nhóm: nhóm nhà bán hàng nhỏ lẻ, nhóm nhà bán hàng toàn cầu và nhóm xây dựng thương hiệu riêng.

Nhà bán hàng nhỏ lẻ là các cá nhân như sinh viên, dân văn phòng hoặc mẹ bỉm sữa xem công việc kinh doanh online là làm thêm để kiếm thêm thu nhập vài triệu mỗi tháng. Nhà bán hàng toàn cầu là những người xem kênh TMĐT là kênh vừa bán vừa marketing, nên sẵn sàng chi nhiều tiền để giành thị phần với đối thủ.

Và cuối cùng là những nhà bán hàng giống mình, xây dựng các thương hiệu riêng, tìm cách tối ưu để phát triển kinh doanh và thu về lợi nhuận hàng tháng.

Với những nhà bán hàng đang có sản phẩm và tìm cách xây dựng thương hiệu riêng, mình khuyên các bạn nên tham gia kinh doanh trên TMĐT. Bởi vì, các sàn TMĐT đang bước vào giai đoạn ổn định và có chính sách hỗ trợ nhà bán hàng rõ ràng. Hiện các khoản chi phí gần như chắc chắn phải trả khi kinh doanh trên sàn thương mại điện tử như chiết khấu, phí thu hộ, miễn phí ship và chi phí đóng gói hàng hoá khoảng hơn 20%, các chi phí vận hành và marketing tổng khoảng 25%, chưa tính chi phí nhập hàng hoá, thuế và lợi nhuận. Chi phí tuy nhiều nhưng nhà bán hàng dễ dàng điều chỉnh các hoạt động kinh doanh và dễ đạt được mục tiêu đề ra, từ đó có kế hoạch phát triển kinh doanh bền vững cho doanh nghiệp. Các sàn cũng có rất nhiều nỗ lực, phối hợp với cơ quan quản lý giúp môi trường TMĐT trong sạch hơn, loại bỏ được tình trạng mua đơn ảo… Điều này rất tốt cho môi trường kinh doanh thương mại điện tử lành mạnh.

Còn với các bạn chưa có sản phẩm nhưng có ý định kinh doanh trên TMĐT, mình có một số lời khuyên dành cho bạn. Bạn nên bắt đầu từ nhu cầu thật sự của khách hàng, đưa ra một sản phẩm phù hợp với mong đợi của thị trường. Ngoài ra, hãy tìm hiểu kỹ đối thủ trong ngành và quy mô của thị trường để đưa ra các dự đoán đúng, phát triển doanh số của doanh nghiệp.

Seller sở hữu tới 5 thương hiệu bán trên TMĐT: Nếu đang tìm cách xây dựng thương hiệu riêng mà chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy thử kinh doanh trên TMĐT - Ảnh 5.

Ngoài ra, các bạn nên phát triển bán hàng đa kênh, tránh trường hợp bỏ trứng vào một giỏ. Điều này giúp các bạn có số liệu phân tích để lựa chọn kênh bán hàng phù hợp với sản phẩm, doanh nghiệp của mình và tập trung vào kênh bán hàng này nhiều hơn. Bên cạnh đó, là một nhà bán hàng trong thời đại số, bạn nên chủ động truyền thông sản phẩm, doanh nghiệp trên các kênh ngoại sàn, không nên phụ thuộc hoàn toàn vào lượng truy cập nội sàn.

Đặc biệt, chuyên gia từ Lazada Việt Nam đã dự đoán sự cạnh tranh trong kinh tế số sẽ ngày càng lớn hơn và thị trường TMĐT sẽ lên ngôi. Trong bối cảnh như vậy, các thương hiệu và nhà bán hàng cần liên tục cập nhật những xu hướng, hành vi mua sắm mới của người tiêu dùng để nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp xu thế thị trường cũng như thị hiếu khách hàng.

Về phần quản lí vận hành, công việc mỗi ngày, bạn cần tối ưu để đạt hiệu quả cao nhất, ít chi phí nhất để tăng sức cạnh tranh cốt lõi và tạo khoảng lợi nhuận tốt hơn. Và đó là những lời khuyên của mình để giúp các bạn bán hàng bền vững trên TMĐT. Chúc các bạn kinh doanh trên TMĐT thành công!


Theo Trần Lâm