QUẢN TRỊ NHÂN SỰ: Tối ưu chi phí, nguồn lực
Để có góc nhìn cụ thể hơn về nội dung này, phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với ông Phan Sơn, Chủ tịch và chuyên gia trưởng Học viện Quản trị HRD Academy (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội).
* Phóng viên: Xu hướng nào để doanh nghiệp (DN) quản trị nhân lực được tốt, thưa ông?
– Ông PHAN SƠN: Giai đoạn này, bài toán đặt ra cho các DN đó là tối ưu chi phí chứ không phải cắt giảm. Điều này được thể hiện trước hết qua việc tính toán giảm bớt các yếu tố lãng phí hoặc chưa cần thiết trong sản xuất – kinh doanh. Bên cạnh đó, chủ động tìm kiếm thị trường, sản phẩm mới và tập trung vào các hoạt động đào tạo nội bộ là xu hướng chính. Giải pháp cắt giảm lao động là phương án cuối cùng tính đến. Bởi khó khăn mang tính chu kỳ, do đó, người sử dụng lao động cần cân nhắc, chuẩn bị phương án nhân sự lúc thị trường hồi phục.
* Khi cắt giảm lao động, đâu là mấu chốt vấn đề DN cần giải quyết?
– Đó là quản trị sự thay đổi thông qua việc đánh giá tác động và xây dựng kịch bản phù hợp. DN cần làm rõ các câu hỏi: Cắt giảm bộ phận nào, đó có phải là lựa chọn tốt, trình tự, thủ tục tái cơ cấu và sắp xếp công việc. Đặc biệt, hoạt động truyền thông trong tổ chức đóng vai trò quan trọng nhất. Điều này phụ thuộc vào chính tư duy của lãnh đạo DN.
Truyền thông phải thực hiện trước, trong và sau quá trình cắt giảm, nhất là cần làm rõ lý do thực hiện, lựa chọn, phương án hỗ trợ nhân sự mất việc. Qua đó, giảm thông tin sai lệch và thu hút sự đồng thuận của toàn thể nhân viên. Cần nhấn mạnh đây là phương án cuối cùng được áp dụng để DN có thể tồn tại.
* Thực tế không phải DN nào cũng thực hiện bài bản và người lao động nhận thức thế nào từ khi xuất hiện dịch COVID-19 đến nay?
– DN thực hiện không bài bản sẽ gây ra nhiều xáo trộn trong tổ chức. Nó có thể giải quyết bài toán trước mắt, song sẽ ảnh hưởng tới thương hiệu tuyển dụng và khả năng phục hồi trong tương lai gần. Quan trọng hơn, nếu công ty xử sự thiếu tử tế, không chỉ gây ra phản ứng tiêu cực với người ra đi mà còn ảnh hưởng tới động lực làm việc của người ở lại.
Đào tạo đội ngũ quản lý để nâng cao hiệu quả quản trị nhân sự Ảnh: MÂY TRINH
Dịch bệnh là vấn đề toàn cầu, tác động tới toàn bộ nền kinh tế. Do đó, tất cả nhân viên đều nhìn thấy thực trạng và nhận rõ ảnh hưởng tới công việc như thế nào. Vì thế, mức độ thấu hiểu của người lao động tốt hơn. Hiện tình hình khó khăn nhưng chỉ tác động tới một số DN trong những lĩnh vực nhất định, điều này chỉ có lãnh đạo công ty là ý thức rõ ràng nhất. Còn nhiều nhân viên vẫn khá lạc quan và không nhìn thấy vấn đề tổ chức đang đối mặt nên khả năng thấu hiểu cũng giảm sút.
* Làm sao để dung hòa mối quan hệ hai bên, tạo động lực cho người ở lại?
– Người lao động cần có sự thông cảm và chia sẻ hơn với những áp lực mà DN đang gặp phải. Trân trọng công việc đang có và ý thức về trách nhiệm đồng hành với công ty vượt qua khủng hoảng. Lãnh đạo công ty phải tăng cường giao tiếp, kết nối với nhân viên, đẩy mạnh truyền thông nội bộ. Trong bất cứ tình huống nào cũng cần giải quyết vấn đề bảo đảm đúng pháp luật và thuận tình. Đây là cách để gắn kết đội ngũ trong tổ chức.