Phối hợp chăm lo việc làm, đời sống người lao động
Quy chế này nhằm tăng cường trách nhiệm và phối hợp giữa các cơ quan trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm; góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp (DN) trên địa bàn.
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM, cho biết hoạt động phối hợp tập trung vào các nội dung: Hướng dẫn, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, an toàn vệ sinh lao động, BHXH, Công đoàn trong DN; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động trong quan hệ lao động. Bên cạnh đó, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Bộ Luật Lao động, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; phối hợp chăm lo đời sống đoàn viên, công nhân – lao động.
Lãnh đạo các đơn vị tại lễ ký kết
Theo ông Thinh, TP HCM hiện có gần 4,7 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên, hơn 4,5 triệu người đang làm việc trong 213.726 DN. Đáng chú ý, lực lượng lao động làm việc trong khu vực phi chính thức chiếm 46,6%.
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, cho rằng việc tăng cường vai trò, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp, tổ chức chính trị – xã hội đối với các vấn đề lao động, việc làm và thực hiện chủ trương, chính sách về lao động cần nhịp nhàng hơn. Trong đó, tăng cường trao đổi thông tin giữa các bên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn được hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội của TP HCM và hệ thống MTTQ các cấp đang triển khai. Ngoài ra, cần nhanh chóng rà soát, hỗ trợ kịp thời các trường hợp ngừng việc, nghỉ việc có hoàn cảnh khó khăn.
Trong khi đó, ông Lò Quân Hiệp, Giám đốc BHXH TP HCM, lo ngại tỉ lệ lao động phi chính thức quá lớn khiến quyền lợi của NLĐ sẽ bị ảnh hưởng nếu không được tham gia BHXH. Vì vậy, qua việc hợp sức thực hiện quy chế này, BHXH thành phố sẽ đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, giúp NLĐ hiểu được quyền và lợi ích khi tham gia, nhất là các quyền lợi khi hưởng chế độ BHXH…
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, nhấn mạnh quy chế là bước đột phá của 4 đơn vị liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm; gắn chặt với quyền, lợi ích của NLĐ, DN. Mỗi đơn vị với thế mạnh của mình khi ký kết thực hiện quy chế sẽ cùng phát huy, nâng cao vai trò trong việc nghiên cứu, nắm bắt tình hình lao động, việc làm, quan hệ lao động; dự báo các vấn đề phát sinh để đề ra giải pháp tổ chức hoạt động sao cho hiệu quả nhất.
LĐLĐ TP HCM sẽ tăng cường cùng các đơn vị liên quan để có kế hoạch hành động cụ thể. Cụ thể, phối hợp với BHXH TP HCM tổ chức các buổi tập huấn cho cán bộ Công đoàn cơ sở về những thay đổi chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, ứng dụng BHXH – VssID dành cho NLĐ… Bên cạnh đó, cử thành viên tham gia đoàn thanh tra của Sở LĐ-TB-XH và BHXH TP HCM để kiểm tra, giám sát pháp luật lao động và BHXH tại các DN đóng trên địa bàn.