Phân xưởng lao đao vì công nhân F0

Dây chuyền may chị Phạm Thị Chung phụ trách có 35 công nhân, nhưng chỉ 6 người khỏe mạnh, 29 người còn lại lần lượt trở thành F0 trong một tuần.

“Xưởng may gần như tê liệt, nhiều máy phải tạm nghỉ”, chị Chung, tổ trưởng một công ty may ở TP Thái Bình nhớ lại những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3 khi mỗi ngày đến nhà máy lại thiếu vài công nhân do trở thành F0. Nhóm chat liên tục báo tin nhắn từ lao động gửi ảnh chụp kết quả xét nghiệm hai vạch đỏ. Từ đầu tháng 3, bình quân mỗi ngày tỉnh Thái Bình ghi nhận xấp xỉ 2.000 ca Covid-19, phần lớn là công nhân.

Phân xưởng lác đác công nhân khi phần lớn lao động đã trở thành F0. Ảnh: Trường Vũ

Phân xưởng lác đác công nhân khi phần lớn lao động đã trở thành F0. Ảnh: Trường Vũ

Máy nghỉ, vải cuộn ngổn ngang trên bàn. Dặn dò những người chưa có triệu chứng gắng đi làm bình thường, nhưng chị Chung cũng không biết khi nào đến lượt mình. Đến hôm 28/2, chị thấy mỏi người, liên tục hắt xì. Linh cảm mình đã nhiễm, nhưng người phụ nữ 37 tuổi vẫn cố đứng máy, sợ nghỉ thì không có người làm. Gắng gượng tới ngày thứ ba, chị đau đầu không chịu nổi, xin về nhà test thử, thấy “hai vạch căng đét”, mới chấp nhận rằng mình đã thành F0.

Nhà máy có bốn xưởng, mỗi xưởng gần 400 công nhân, nhưng trong một tuần nghỉ tới 80%. Mỗi tổ sản xuất chỉ còn vài người đi làm. Gần ba năm đại dịch, nhà máy không có ca nhiễm, đơn hàng may vẫn về đều đều. Trừ ngày nghỉ hàng tuần, các phân xưởng chưa một ngày ngừng hoạt động. Nhưng chỉ khoảng hai tuần sau Tết Nguyên đán, ca nhiễm bùng phát cũng là lúc các tổ sản xuất tê liệt vì lao động lần lượt trở thành F0, F1.

Tổ chị Chung chỉ còn 6 người trụ vững. Những công nhân còn lại được tập trung về một xưởng để làm đơn hàng cần đi gấp cho khách. Người khỏe san sẻ với người nằm nhà. Đơn hàng không thể chậm trễ dù chỉ một ngày, bởi nếu bị phạt, đồng nghĩa công nhân mất nguồn thu nhập.

Suốt một tuần qua, anh Nguyễn Văn Hùng, công nhân nhà máy mô tơ điện ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội, phải kiêm nhiệm chân bốc vác, kiểm tra sản phẩm, trong khi công việc hàng ngày của anh chỉ là kiểm hàng. Cả chuyền sản xuất 25 công nhân chỉ còn một phần ba do lần lượt mắc Covid-19. “Một người làm việc bằng ba theo đúng nghĩa”, Hùng cười như mếu.

Anh Hùng từng là F0 và mới khỏi bệnh gần một tuần. Không kịp nghỉ hồi sức sau gần 10 ngày điều trị, anh vội trở lại nhà máy ngay khi xét nghiệm âm tính lần thứ hai. Ban lãnh đạo công ty kêu gọi công nhân sớm đi làm trở lại, bởi nếu cách ly đủ số ngày như ngành y tế quy định thì không còn người làm. Đặc thù của lao động sản xuất trực tiếp là không thể làm việc trực tuyến hay thao tác màn hình máy tính. Hết người đồng nghĩa với phân xưởng ngừng hoạt động, đóng máy. Những F1 nguy cơ thấp, công ty cho cách ly ba ngày, test nhanh âm tính cũng trở lại làm việc và được bố trí riêng một tổ, tránh lây lan.

Nhìn chục người xoay sở giữa đống máy móc dành cho 25 người, anh Hùng nhẩm tính số này trụ được cùng lắm thêm một tuần. Anh hy vọng đến khi đó, các F0 khỏi bệnh sẽ đi làm, “chứ kéo dài mãi, anh em gồng gánh không nổi”.

Cổng vào Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang), nơi có hàng trăm doanh nghiệp hoạt động. Ảnh: Võ Hải

Cổng vào Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang), nơi có hàng trăm doanh nghiệp hoạt động. Ảnh: Võ Hải

10 năm làm tuyển dụng, ông Nguyễn Văn Huy, phụ trách nhân sự Công ty New Wing (khu công nghiệp Vân Trung, Bắc Giang) chưa bao giờ thấy chật vật như những ngày cuối tháng 2 – thời điểm hơn 2.000 công nhân nhiễm bệnh. Số F0 chiếm tới 10% lực lượng lao động toàn công ty. Kể cả tháng 5/2021, khi Bắc Giang trở thành tâm dịch của cả nước, số công nhân nhiễm bệnh cũng không nhiều bằng hai tuần đi làm trở lại sau Tết Nguyên đán.

Bắc Giang, nơi có tám khu công nghiệp tập trung với hơn 240.000 công nhân đang làm việc. Có lúc, số lao động đi làm thực tế tại các doanh nghiệp giảm khoảng 30.000 người bởi công nhân ồ ạt trở thành F0 hoặc F1. Nhiều doanh nghiệp vận hành dây chuyền chỉ đạt 50-60% công suất. Để đảm bảo đơn hàng, nhà máy không còn cách nào ngoài tăng ca và tuyển dụng thêm lao động mới, thay thế công nhân đã thành F0 hoặc nghỉ việc sau Tết. Ngành y tế Bắc Giang đã phải cho các F0 điều trị tại nhà không phải tự theo dõi sức khỏe thêm 7 ngày nếu đã xét nghiệm âm tính, đảm bảo đủ nhân lực cho các nhà máy hoạt động.

Để ứng phó với tình huống ngoài dự kiến, ông Huy cho biết, nhà máy buộc phải sắp xếp lại sản xuất. Những dây chuyền chưa cần kíp thì hoạt động cầm chừng, điều chuyển lao động cho chuyền đang cần hoàn thành đơn hàng gấp. Công ty khuyến khích người lao động trở lại đi làm ngay sau khi xét nghiệm âm tính, tăng phúc lợi nếu đi làm chuyên cần và tăng ca. Bộ phận nhân sự tỏa đi các huyện và tỉnh lân cận Bắc Giang, tuyển thêm khoảng 1.000 lao động mới để bù vào số công nhân đã nghỉ việc sau Tết.

Sau hai tuần biến động vì dịch, công nhân khỏi bệnh đã lần lượt đi làm trở lại. Theo ông Huy, việc đề xuất cho F0, F1 nguy cơ thấp đi làm trên tinh thần tự nguyện kèm một số điều kiện chỉ phù hợp với doanh nghiệp quy mô nhỏ, ít lao động, khối văn phòng. Với những doanh nghiệp hàng nghìn lao động sản xuất tập trung, theo dây chuyền, rất khó bố trí nơi làm việc riêng cho công nhân.

Hôm thứ hai, chị Chung test nhanh còn một vạch sau bảy ngày điều trị, nên xin trở lại nhà máy. Phân xưởng cũng lấp dần kín người sau làn sóng F0. Cũng như chị Chung, có người húng hắng ho sau khỏi bệnh, có người còn đang mệt, nhưng tất cả đều đứng máy cho kịp đơn hàng. Chị xác định, từ giờ tới cuối tháng có thể sẽ tăng ca để bù lại những ngày nghỉ.

Chị Chung nhớ hồi mới chớm dịch, trải qua các đợt phong tỏa, cách ly, công nhân đứng ngồi không yên khi nghe tin chỗ này có F1, người kia đã trở thành F2. Nhưng đến thời điểm này, khi đã tiêm ba mũi và trải qua một lần lây nhiễm, chị thấy không còn quá đáng sợ. “Chấp nhận sống chung và chủ động phòng tránh thôi, không chủ quan, nhưng lỡ dính thì cũng không tránh được”, chị nói.

Hồng Chiêu