Phản đối chính sách đi làm sáng Thứ Bảy, sinh viên ĐH Bách Khoa bị loại, cô gái vừa tốt nghiệp loại xuất sắc ĐH Ngoại thương chốt lương 22 triệu/tháng

Tập 12 “Cơ Hội Cho Ai? – Whose Chance?” ghi nhận cuộc tranh tài của hai ứng viên đến từ ĐH Bách Khoa TPHCM và ĐH Ngoại thương.

Nguyễn Phạm Minh Trung, 21 tuổi đến từ Bà Rịa – Vũng Tàu đang là sinh viên năm thứ 3 ngành Quản lý Công nghiệp tại trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh. Anh từng tham gia chương trình trao đổi sinh viên TF Scale 2021- là chương trình bồi dưỡng, tăng cường khả năng lãnh đạo, hội nhập và phát triển kỹ năng mềm trong tương lai cho sinh viên.

Đoàn Thu Hà, 23 tuổi đến từ Hà Nội, tốt nghiệp xuất sắc khoa tiếng Anh thương mại tại trường ĐH Ngoại Thương. Hà là sinh viên trao đổi xuất sắc tại trường Đại học Bocconi, Milan, Italia. Trong công việc Thu Hà sở hữu hơn 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing, nổi bật là Digital Marketing và đạt giải top 10 chung cuộc Cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawai 2018.

Bạn có ủng hộ chính sách đi làm sáng Thứ Bảy?

Câu hỏi tranh biện dành cho 2 ứng viên là: “Bạn ủng hộ hay không ủng hộ chính sách công ty đi làm sáng Thứ Bảy hàng tuần?”

Thu Hà ủng hộ nhưng không hoản toàn với chính sách nghỉ làm sáng Thứ Bảy của các công ty. Nữ ứng viên đưa ra 3 lý do. Thứ nhất, việc doanh nghiệp cho nhân viên nghỉ trọn 2 ngày cuối tuần sẽ làm tăng năng suất lao động vào các ngày thứ 5 và thứ 6 và tiết kiệm các chi phí cơ bản như điện, nước.

phan-doi-chinh-sach-di-lam-thu-7-5.jpeg

Ứng viên Đoàn Thu Hà.

Thứ hai, theo tâm lý số đông, một số khảo sát cho thấy, có đến 64% người được tham vấn cảm thấy thoải mái hơn khi chỉ làm việc 5 ngày/tuần, thay vì 5,5 ngày/tuần hay 6 ngày/tuần. Thứ ba, 2 ngày nghỉ cuối tuần sẽ là khoảng thời gian để nhân viên dành cho bản thân và gia đình, họ có thể thư giãn, tận hưởng cuộc sống và sau đó quay trở lại vui vẻ làm việc vào sáng Thứ Hai.

Thu Hà cũng bổ sung chính sách nghỉ cuối tuần chỉ là một trong nhiều yếu tố để người lao động quyết định đầu quân cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có những sự phù hợp khác, đáp ứng được nhu cầu của người đi làm, thì việc phải đến công ty vào sáng thứ bảy không phải vấn đề lớn.

Minh Trung thì hoàn toàn không ủng hộ chính sách đi làm sáng thứ Bảy. Nam ứng viên cho rằng việc các doanh nghiệp cho nghỉ trọn 2 ngày cuối tuần sẽ giúp nhân viên có thêm thời gian để nghỉ ngơi, dẫn đến tâm lý thoải mái, chi tiêu nhiều hơn, dùng nhiều tiền hơn, thông qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, doanh nghiệp bán được nhiều hàng hơn.

Ứng viên được sếp Lưu Nga khen “giỏi hơn cả chị ngày xưa”, chốt lương 22 triệu đồng

Sếp Lê Đức Thuấn – Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc (BNA) đặt câu hỏi cho 2 ứng viên: “Ở độ tuổi từ 20 – 25, bạn trẻ thường làm việc nhiều hơn để học hỏi và trải nghiệm nhiều hơn, dĩ nhiên sẽ không nghỉ ngày Thứ Bảy. Hai em nghĩ sao về trường hợp này?”.

Thu Hà cho rằng điều này còn phụ thuộc vào mục tiêu thời điểm đó của từng bạn. Có những bạn muốn đạt ngưỡng tự do tài chính ở tuổi 45, thì bạn đó sẽ nỗ lực hơn người khác, sẽ làm việc cả thứ bảy, thậm chí 7 ngày/tuần. Còn những người xác định nghỉ hưu theo chế độ nhà nước, 60 tuổi mới nghỉ ngơi, thì họ cứ “túc tắc” mà làm việc.

Mặt khác, Minh Trung khẳng định độ tuổi từ 20 đến 25 là khi chúng ta còn trẻ, chưa có sự nghiệp ổn định. Ở độ tuổi này, bạn trẻ nên dám thử thách bản thân, bước ra khỏi vòng an toàn thì mới có cơ hội đạt được thành công.

Quan sát phần trả lời của 2 ứng viên, sếp Quyền tiếp lời đặt câu hỏi: “Mấy chục năm trước, Nhật Bản có phát động phong trào làm việc trọn đời. Trung Quốc có văn hóa làm việc 9-9-6. Hàn Quốc có phong trào đổi mới toàn dân sáng tạo. 3 nước đó đã rút ngắn khoảng cách với các nước châu Âu, trở thành những con rồng châu Á. Các bạn học được gì từ những hiện tượng đó?”.

Cả 2 ứng viên đều bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tính kỷ luật của tầng lớp người lao động nước bạn, cho rằng bạn trẻ Việt Nam hoàn toàn có thể rèn luyện đức tính này. Mặt khác, Thu Hà cũng cho rằng guồng công việc tại những nước này quá nặng nề, khó có thể áp dụng trong nước ở thời điểm hiện tại.

Kết thúc vòng Đối mặt, Thu Hà giành chiến thắng thuyết phục trước Minh Trung với điểm số 4/5 để bước tiếp vào vòng Chinh phục.

“Trong hồ sơ em có ghi đã giúp công ty tăng trưởng 139%. Em đã làm gì để đạt được mức đấy?”, sếp Thuấn hỏi.

Thu Hà cho hay ở công ty cũ, sau khi nghiên cứu xong sản phẩm của công ty, cô đã so sánh với đối thủ. Tình cờ trong quá trình đó, một ý tưởng về sản phẩm mới đã nảy ra trong đầu cô. Đó là một sản phẩm có mức giá rất thấp, để ngay cả những đối tượng như công nhân, nhà máy vẫn có thể sử dụng được. Chính sản phẩm này đã mang lại mức tăng trưởng nói trên cho doanh nghiệp, vì sự khác biệt của nó trên thị trường, về giá, về đặc tính và chiến lược bán hàng đặc biệt.

Với độ tuổi của em, kinh nghiệm của em mà trả lời lưu loát như vậy là giỏi hơn chị ngày xưa“, sếp Lưu Nga – Nhà sáng lập Thương hiệu Thời trang Elise khen ngợi.

Mức lương kỳ vọng của Thu Hà là 20.390.379 đồng.

Nữ ứng viên sinh năm 1999 nhận được lời mời làm việc tại:

– Tập đoàn Thắng Lợi Group với mức lương 18,686,868 đồng cho vị trí Nhân viên Marketing (WIN Media)

– Elise với mức lương 20 triệu đồng cho vị trí Trợ lý Giám đốc Marketing

– Bảo Ngọc (BNA) với mức lương 22 triệu đồng cho vị trí Nhân viên phòng Marketing

Kết quả chung cuộc, Thu Hà đầu quân Bảo Ngọc (BNA) với mức lương 22 triệu đồng cho vị trí Nhân viên phòng Marketing.

phan-doi-chinh-sach-di-lam-thu-7-1.jpeg


Bình An