Ông Hoàng Nam Tiến: “Nếu lúc nào gặp khó khăn cũng muốn nhảy việc thì cả đời bạn không thành công”
Chọn an nhàn trong tuổi trẻ sẽ rất dễ bị rơi vào “bẫy” sự nghiệp và trở thành người “lỗi lạc”, tức là lỗi thời và lạc hậu. Đây là nhận định của ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT, trong một clip được đăng tải trên fanpage VietnamWorks.
Lấy ví dụ về một bạn trẻ có sự thay đổi lớn trong sự nghiệp, ông Hoàng Nam Tiến kể, đó là một bạn nữ chưa học Đại học. Bạn này chỉ học Aptech và vào FPT với một nhiệm vụ thử các phần mềm.
“Vào một ngày đẹp trời, bạn ấy đã nói với tôi rằng: “Anh Tiến, em muốn thay đổi để có thể nuôi sống bản thân một cách đàng hoàng và có trách nhiệm với bố mẹ em“”, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT, nhớ lại.
Sau khi nghe xong, ông Hoàng Nam Tiến đã đề nghị một việc không hề dễ. Đó là yêu cầu bạn nữ này đi học tiếng Nhật.
“Điều bất ngờ với tôi là chỉ trong vòng 10 tháng, bạn ấy đã đạt được trình độ N2 tiếng Nhật và sau đó tôi đã đưa bạn sang Tokyo để làm việc. Khi sang Tokyo làm việc, bạn ấy làm rất xuất sắc, rất được khen. Nhưng khi bạn ấy gặp lại tôi, bạn nói là ’em không hài lòng với những gì mà em đã làm, em muốn hơn thế’.
Lúc ấy tôi vẫn nhớ rằng FPT mở văn phòng tại Fukuoka, một thành phố rất đẹp ở phía nam Nhật Bản. Bạn ấy đã giơ tay ‘để em đi’. Lúc đó chỉ có vài ba người. Đến ngày hôm nay, bạn nữ ấy đã là giám đốc của FPT tại Fukuoka. Bạn ấy đã lấy chồng, lập gia đình ở đó. Bạn ấy đã có hơn 150 người làm việc tại Fukuoka. Bạn ấy tên là Ngô Thu Huyền (SN 1990 – pv), một cô gái luôn luôn vươn lên mạnh mẽ“.
Theo ông Hoàng Nam Tiến, câu chuyện về cô gái Ngô Thu Huyền chính là minh chứng cho việc nếu mỗi ngày chúng ta có thể tự học, tự phát triển thì mình sẽ là cái tôi đẹp hơn, trở thành phiên bản đẹp hơn của chính mình.
“Tất cả các kiến thức mà các bạn học được trong trường mới chỉ để các bạn bắt đầu. Nếu như các bạn không có khả năng tự học, tự phát triển mỗi ngày, thì tôi rất đáng tiếc là có thể các bạn rất trẻ nhưng đã trở thành một người lạc hậu, một người bình thường. Trong vài ba năm, rất có thể các bạn sẽ trở thành một người tầm thường trong một doanh nghiệp.
Trên đời không có ai là người hoàn hảo cả. Nhưng nếu các bạn tiếp tục đi làm, tự học, tự phát triển mỗi ngày thì các bạn sẽ có cái tôi đẹp hơn qua mỗi ngày. Các bạn hãy tin rằng các nhà lãnh đạo sẽ đánh giá được chuyện này. Đấy là cơ hội của chính các bạn“, ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh.
“Gen Z 2,3 năm đổi việc một lần, không sao cả”
Theo ông Hoàng Nam Tiến, Gen Z nhảy việc 2 – 3 năm một lần, với các nhà tuyển dụng giờ đây đã là điều bình thường. Có nhiều bạn trẻ từng đến gặp “sếp” Tiến và nói rằng muốn có trải nghiệm mới. Có bạn chia sẻ rằng muốn chuyển sang làm một công ty nước ngoài. “Thậm chí có bạn nói rằng: “Em muốn sang Singapore, Mỹ… làm việc mấy năm rồi sau đó quay về, anh có nhận em không?”, tôi trả lời là vui vẻ thôi và đây là một điều tốt“, ông Tiến chia sẻ.
Vậy, khi nào Gen Z nên nhảy việc?
Theo ông Hoàng Nam Tiến: “Các bạn phải nhớ rằng nếu bất cứ lúc nào gặp khó khăn, bức xúc mà nhảy việc thì cả đời các bạn không thành công. Đây là chắc chắn“.
Thay vào đó, Gen Z nên nhảy việc và ra đi trong vinh quang. Khi kết thúc một dự án thành công, khi mọi người đang khen mình nhiều nhất, ca ngợi mình nhiều nhất, thì lúc đó hãy đứng dậy và ra đi. Đó là ra đi trong vinh quang.
“Khi các bạn sang được chỗ mới, các bạn bảo rằng: “Em biết là ở chỗ cũ em có thể được đề bạt vị trí cao hơn, được trả lương, trả thưởng tốt hơn, nhưng em mong muốn có một trải nghiệm mới, một thách thức mới và các anh chị ở chỗ làm việc mới. Em nghĩ là rất phù hợp với những quyết tâm và em muốn học thêm những điều mới, học từ những người thầy xuất sắc như chính các anh chị“. Đấy chính là cơ hội để các bạn trở nên thành công hơn, thành đạt hơn“, ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ.