Ồ ạt rút BHXH một lần: Ai thấu hiểu khó khăn của người lao động?
Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo Luật BHXH sửa đổi, trong đó có đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm. Xung quanh đề xuất này, Báo NLĐO liên tục có những bài viết “Ồ ạt rút BHXH một lần: Lương hưu phải hợp lý, công bằng và sòng phẳng “ và nhận được sự đồng thuận cao của nhiều bạn đọc trung thành. Số đông bạn đọc Báo Người Lao Động bày tỏ mong muốn cơ quan soạn thảo luật (Bộ LĐ-TB-XH) cần lắng nghe bức xúc của công luận, từ đó nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung phù hợp.
Bạn đọc Đỗ Thị Thùy bày tỏ: “Cảm ơn báo Người Lao Động đã lắng nghe ý kiến của những người lao động như chúng tôi. Hy vọng những cán bộ làm luật nghe được những điều này và thấu hiểu khó khăn của NLĐ, từ đó nghiên cứu, điều chỉnh luật BHXH cho phù hợp”. Tương tự, một bạn đọc giấu tên viết: “Từ khi Báo Người Lao Động có loạt bài viết: Ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần, bạn đọc cả nước có ý kiến phản hồi mang tính chất xây dựng. Với thực tế hiện trạng của NLĐ hiện nay, thiết nghĩ Bộ LĐ-TB-XH tổng hợp ,lắng nghe để xây dựng chính sách, lao động tiền lương, chế độ tính lương hưu trí cho phù hợp nhất để NLĐ yên tâm không rút BHXH môt lần và thấu hiểu những khó khăn mà chúng tôi đang trải qua”.
Theo bạn đọc Nguyễn Thanh Tuy, bài viết chỉ ra rất rõ ràng những nguyện vọng của người lao động, mọi người đều chung một suy nghĩ là cứ đủ năm đóng BHXH theo quy định là được lương hưu không phải phụ thuộc vào tuổi như quy định hiện nay. Mong sao nguyện vọng chính đáng này của người lao động thành hiện thực. Một bạn đọc tên Liêm bộc bạch: “Thiết nghĩ Đảng, Nhà nước và Chính phủ ta luôn quan tâm đến đời sống và quyền lợi chính đáng của NLĐ, vì vậy các ngành chức năng phải tính toán hợp lý tuổi nghỉ hưu, lương hưu phải đủ sống, phải công bằng và sòng phẳng không phân biệt trong, ngoài khu vực nhà nước nhằm mang lại hạnh phúc cho NLĐ, đó cũng là mục đích phấn đấu của nhà nước XHCN của ta”.
Tiếp tục đề cập hiện trạng rút BHXH tại các KCX-KCN, một bạn đọc giấu tên cho biết: “Tôi đã trao đổi với nhiều đồng nghiệp là quản lý sản xuất ở các KCN, thì thực trạng hiện nay trên 90% NLĐ là CN trực tiếp sản xuất muốn rút 1 lần. Họ đang chờ dự thảo mới về luật BHXH rồi sẽ tùy tình hình mà quyết định. Nếu giảm năm đóng và hạn chế rút 1 lần về mốc 15 năm, thì những ai đủ từ 14 năm đến 19 năm sẽ xin nghỉ trước khi luật có hiệu lực thi hành. Họ tâm sự rằng có khó khăn trong thời gian nghỉ 1 năm chờ rút thì họ ráng tìm việc thời vụ, lao động tự do…vv. vì quan niệm tiền vào túi mình mới là của mình, việc này thể hiện họ mất niềm tin vào cơ quan BHXH rồi. Sợ rằng sẽ có nhiều biến động CN trong các KCN nếu luật BHXH sửa đổi còn bất cập”.
Bạn đọc Phan Nguyên Mãn ấm ức: “1 triệu đồng cách đây 30 năm là khoản lương mơ ước, giờ lấy lương bình quân trong 30 năm để tính tối đa 75% lương hưu, thì được mấy đồng? Chỉ tính bình quân 5 năm cuối như làm trong đơn vị Nhà nước thì mới công bằng . Vì dù bất cứ loại hình doanh nghiệp nào cũng phải đóng BHXH theo mức lương được hưởng”. Bạn đọc Phan Thi Hoa bức xúc: “Những năm 2004 thì đóng BHXH có 500.000 đồng và số tiền ấy mua được chỉ vàng. Giờ chỉ vàng hơn 5 triệu. Vậy tính cộng gộp sao thời kỳ ấy phải nhân 10 lên. Giờ ốm đau bệnh tật nhiều có thọ được không mà tăng tuổi hưu. Hy vọng có sự điều chỉnh phù hợp với mức hưởng và giảm tuổi nghỉ hưu cho người lao động đỡ thiệt thòi”.
Bạn đọc Lê Quốc Cường góp ý: “Lương hưu phải dư sống đủ đi du lịch nghỉ dưỡng, quà cho con cháu. Vì vậy mức đóng BHXH phải phù hợp. Chứ như bây giờ, lương thực lãnh với lương đóng BHXH chênh lệch quá lớn. Khi đó người lao động và chính sách an sinh của Nhà nước đều thiệt. Có ai sống được bằng mức lương để tính đóng BHXH không? Cái này người lao động rất rõ, người sử dụng lao động và Bộ LĐ-TB-XH càng rõ hơn. Cần áp dụng mức chịu thuế thu nhập để tính phần trăm mức đóng BHXH. Ngân sách thu nhiều từ người lao động phải được dùng cho người lao động như hỗ trợ lãi suất vay mua nhà 3-5%, vay kinh doanh, sản xuất, tiêu dùng…khi đó an sinh xã hội sẽ tốt lên”. Theo bạn đọc Phạm Quý, nên giữ nguyên 20 năm đóng BHXH. Giảm tuổi nữ 50 tuổi, nam 55 tuổi là đủ tiêu chuẩn nghỉ hưu. Và mức hưởng 85% lương đóng BHXH.
Bạn đọc Trần Duy Linh đề xuất: “Tôi đề nghị báo NLĐ tập hợp lại các kiến nghị mà theo Tôi có đồng thuận cao của NLĐ qua loạt bài viết đã đăng trên Báo như Giảm tuổi nghỉ hưu như trước đây Nam 60 Nữ 55; Cách tính lương hưu chỉ lấy 5 năm cuối; Quyền rút BHXH 1 lần… đề nghị Bộ LĐ-TB-XH cho ý kiến. Đồng thời kiến nghị Bộ trưởng nên có buổi tiếp xúc NLĐ trên cả nước để đối thoại’. Với bạn đọc Đặng Thanh, cứ thực hiện công bằng là chỉ quy định số năm tối thiểu phải đóng là 15 năm là được hưởng chế độ nếu NLĐ có nhu cầu. Và quy định là NLĐ đóng bao nhiêu năm thì phải được hưởng bấy nhiêu năm. Khi NLĐ chết trong thời gian số năm còn được hưởng BHXH thì số tiền còn lại phải chờ người thừa kế được nhận thì mới hạn chế được tình trạng rút BHXH một lần.
Lê Văn Tâm góp ý: “1.Đề nghị tính lương hưu lấy trung bình của 5 năm cuối cho tất cả thành phần người lao động , không cần tính cơ số trượt giá. 2.Tuổi nghỉ hưu nam 60; nữ 55. 3. Không nên giảm năm đóng BHXH, vì giảm xuống còn 15 năm hoặc 10 năm chẳng qua là để khống chế người lao động không cho rút 1 lần thôi, chẳng có ý nghĩa gì, vì người lao động rất biết tính toán , họ thấy điều gì có lợi là họ làm (mếu BHXH có lợi ), chứ đừng khống chế, vì dù sao cũng là tiền của người lao động đóng vào.