Nóng ruột tìm nguồn lao động

Sau 1 tháng trở lại sản xuất trong điều kiện bình thường mới, để bù đắp lực lượng lao động thiếu hụt sau dịch, rất nhiều doanh nghiệp (DN) tại TP HCM đăng bảng tuyển dụng trực tiếp, trực tuyến hoặc qua các trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) với số lượng lao động lớn.

Lương cao, đãi ngộ tốt

Mới đây, Công ty TNHH Sài Gòn Precision (KCX Linh Trung I; TP Thủ Đức, TP HCM) đã rao tuyển 500 công nhân (CN) vận hành máy và lắp ráp, với mức lương từ 7-9 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản phụ cấp khác (1,74 triệu đồng/tháng). Điều kiện tuyển dụng rất đơn giản, chỉ cần tốt nghiệp THPT.

Đề cập lý do vì sao lại tuyển một số lượng lớn lao động dịp cuối năm, ông Huỳnh Tấn Diệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sài Gòn Precision, cho biết do về quê tránh dịch trước đó nên nhiều CN vẫn chưa quay lại làm việc. Bên cạnh đó, lượng đơn hàng khá dồi dào nên để có thể kịp tiến độ sản xuất, công ty phải tuyển dụng thêm.

Tương tự, Công ty TNHH Jujin Vina (KCX Linh Trung I; TP Thủ Đức, TP HCM), cũng đang có nhu cầu tuyển gấp 200 lao động phổ thông (từ 18 tuổi trở lên), với mức lương cơ bản 5 triệu đồng/tháng, kèm phụ cấp xăng xe, ăn uống và thưởng theo năng suất công việc. Công ty TNHH Việt Thắng Jean (TP Thủ Đức, TP HCM) cũng cần tuyển 150 lao động cho các vị trí như: CN may, chuyền trưởng, lao động phổ thông. Ngoài bảo đảm thu nhập từ 7-12 triệu đồng/tháng, công ty còn hỗ trợ tiền nhà trọ (700.000 đồng/người/tháng).

Nóng ruột tìm nguồn lao động - Ảnh 1.

Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao; TP Thủ Đức, TP HCM) cũng đang có nhu cầu tuyển 1.500 CN. Ngoài lương, người lao động (NLĐ) còn được hưởng nhiều khoản phụ cấp: nhà ở, chuyên cần, tăng ca, phụ cấp ca đêm… Công ty cam kết bảo đảm thu nhập cho CN từ 15-20 triệu đồng/tháng. Không chỉ tuyển dụng số lượng lớn, Công ty TNHH Nidec Việt Nam còn có chính sách thưởng từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng cho CN giới thiệu được người mới vào nhà máy.

Một khảo sát về nguồn nhân lực do Hiệp hội DN TP HCM thực hiện trong tháng 10 với khoảng 300 DN ngành sản xuất công nghệ phụ trợ và các sản phẩm thiên về kỹ thuật cho thấy chỉ khoảng 40% CN muốn trở lại làm việc sau khi thành phố không còn giãn cách xã hội, trong đó có nhiều người chỉ có ý định quay lại sau Tết nguyên đán. Đó là nguyên nhân thiếu hụt lao động khi thành phố trở lại trạng thái bình thường mới.

Kết nối doanh nghiệp và người lao động

Từ ngày 1-10 đến 30-11, Trung tâm DVVL Thanh niên TP HCM đã triển khai chương trình kết nối giữa DN và NLĐ với tên gọi “Combo việc làm 3 trong 1”, giúp NLĐ về quê muốn quay lại làm việc. NLĐ có nhu cầu sẽ được trung tâm hỗ trợ “Nhà trọ 0 đồng – Test nhanh miễn phí – Có việc làm ngay”.

Theo ông Nguyễn Quang Cường, Giám đốc Trung tâm DVVL Thanh niên thành phố, lao động khó khăn về chỗ ở được giới thiệu đến các nhà trọ tại 21 quận, huyện và TP Thủ Đức ở miễn phí ít nhất tháng đầu tiên. Nếu chủ DN muốn nhân viên có kết quả xét nghiệm âm tính trong ngày phỏng vấn hoặc nhận việc, trung tâm sẽ test nhanh miễn phí tại địa chỉ trụ sở của trung tâm (1A Nguyễn Văn Lượng, phường 6, quận Gò Vấp, TP HCM). “Thông qua trung tâm, các DN có nhu cầu tuyển dụng hơn 50.000 vị trí nên các ứng viên sẽ được giới thiệu việc làm ngay. Trung tâm đã làm việc với 63 tỉnh, thành để chủ động hỗ trợ NLĐ có nhu cầu. Hiện 3 tỉnh Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Trà Vinh thông báo sẽ tổ chức xe đưa người ở quê quay lại thành phố làm việc” – ông Cường cho hay.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM cho biết khi thành phố áp dụng biện pháp giãn cách để phòng chống dịch, đã có 300.000 CN về quê. Đến nay, sau khi các DN hoạt động lại, đã có hơn 140.000 lao động quay trở lại. Hiện nhu cầu tuyển dụng của các DN trên địa bàn tăng theo từng ngày, tuần, tháng do quy mô sản xuất tăng lên khi thành phố từng bước kiểm soát được dịch. Để thu hút và hỗ trợ NLĐ, TP HCM có nhiều phương án cụ thể như tổ chức tiêm vắc-xin ngay khi NLĐ vừa vào thành phố, khu vực giáp ranh, tại nhà máy hoặc nơi lưu trú. Người ở tỉnh cần hỗ trợ đi lại có thể liên hệ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi mình sống, Sở Giao thông Vận tải và Bộ Tư lệnh TP HCM sẽ tổ chức đón. Gần 400 cơ sở giáo dục nghề nghiệp của thành phố mở các lớp sơ cấp nghề hỗ trợ NLĐ muốn chuyển đổi công việc sau dịch. 

TP HCM cần 57.000 lao động

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM cho biết trong quý IV/2021, TP cần khoảng 44.000 – 57.000 lao động. Xu hướng tuyển dụng từ nay đến cuối năm tập trung ở các nhóm nghề: kinh doanh – thương mại, với 10.000 – 13.000 chỗ làm việc (chiếm 23%); dịch vụ phục vụ cá nhân, nhân viên bảo vệ, với 5.000 – 6.500 chỗ làm việc (12%); công nghệ thông tin cần khoảng 4.300 chỗ làm việc (7,5%); cơ khí – tự động hóa cần khoảng 2.800 chỗ làm việc (5%); ngành logistics cần khoảng 2.700 chỗ làm việc (gần 5%); dịch vụ thông tin tư vấn – chăm sóc khách hàng cần khoảng 2.400 chỗ làm việc (hơn 4%); du lịch – nhà hàng – khách sạn cần khoảng 2.300 chỗ làm việc (4%)…