Nỗi buồn môi giới bất động sản: “Tết này không có tiền về quê”


Kẻ ở lại, người tìm cách về quê sớm trước Tết

Gặp anh Th vào cuối tuần tại một quán cafe – nơi mà anh thường ngồi để gặp gỡ nhà đầu tư, giao dịch BĐS. Với vẻ mặt trầm ngâm, anh Th cho biết: “Thị trường năm nay chán lắm em ạ, lâu lắm anh không bán được nền đất nào luôn”. Khi được hỏi về kế hoạch cận Tết, anh chia sẻ: “Năm ngoái bằng giờ, dịch Covid-19 vừa xong thì anh em môi giới lại bán được hàng, có tết ấm no. Còn năm nay căng quá. Tết này anh ở lại sài Gòn thôi vì không có tiền về quê”.

Anh Th vốn là môi giới tự do, chủ yếu bán đất nền Tp.HCM và khu vực lân cận. Anh vào nghề BĐS gần 8 năm, vừa làm môi giới vừa kiêm đầu tư BĐS. Hiện anh đang ở trọ tại Tp.Thủ Đức, Tp.HCM. Mọi năm anh đều cùng vợ con về quê ăn Tết với gia đình. Thế nhưng, năm nay do thu nhập bấp bênh nên anh quyết định ở lại Tp.HCM để tiết giảm các chi phí. “Ở lại Sài Gòn ăn Tết cũng buồn lắm, nhưng nếu về quê thì không đủ chi phí. Chưa kể, thị trường BĐS có thể còn khó khăn dài, nên phải tiết kiệm tối đa nhất”, anh Th cho hay.

Trái ngược với các môi giới không về quê ăn Tết thì nhiều môi giới BĐS lại tìm cách về quê sớm sau thời gian dài không bán được hàng. Họ có thể là các môi giới bị doanh nghiệp cắt giảm. Hoặc môi giới tự do nhưng suốt thời gian dài không phát sinh giao dịch. Thay vì ở lại Tp.HCM, các chi phí phòng trọ, tiền sinh hoạt vẫn phải trả đều đặn thì về quê môi giới có thể tiết giảm được các chi phí. Những môi giới chưa có gia đình có thể “nương tựa” người thân ở quê, chờ thị trường tốt lên quay lại Tp.HCM làm ăn.

Hải, một môi giới tự do, ở trọ tại Tp.HCM đã quyết định về quê sớm từ tuần trước. Trước đó, nam môi giới này than vãn: “Tết năm nay xác định bánh chưng không thịt chị ạ!. Hồi tháng 5/2022, em còn bán được các sản phẩm đất nền tại Xuyên Mộc, còn mấy tháng nay gần như phải dùng tiền hoa hồng trước đó để sinh sống. Hiện cũng cạn kiệt tài chính rồi nên về quê ăn Tết sớm với bố mẹ…”.

Nhiều môi giới BĐS đang rời Tp.HCM về quê nghỉ Tết sớm vì suốt thời gian dài không bán được hàng. Ảnh. HV

Một số khác thì không bán được hàng nên mua vé xe, vé tàu về quê trước để giảm được các chi phí này. Ghi nhận cho thấy, các sàn giao dịch BĐS nhỏ lẻ tại các khu dân cư, khu đô thị tại Q.9, Q.2 (cũ, nay là Tp.Thủ Đức) hiện đã đóng cửa gần hết. Nhân viên kinh doanh cũng đang dần rời Tp.HCM về quê. Ở một số khu vực dự án thường hiện diện các bàn trực của môi giới cũng vắng bóng. Khung cảnh đìu hiu đang hiện rõ trên thị trường BĐS, đặc biệt ở các khu vực vốn là “điểm nóng” trước đó.

Tuy vậy, ở một số doanh nghiệp địa ốc có nguồn hàng mở bán cận Tết, lực lượng môi giới vẫn bán. Họ vẫn ở lại để tham gia các buổi training bán dự án mới. Điều này cũng tạo nên niềm tin cho thị trường BĐS trong bối cảnh “khó chồng khó”.


Là thời gian để “chuẩn hoá” nghề môi giới BĐS?

Theo thống kê của Viện nghiên cứu Kinh tế – Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services (FERI), thị trường kém thanh khoản khiến cho hoạt động của doanh nghiệp môi giới BĐS bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong 10 tháng đầu năm 2022, số lượng doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn là gần 2.300 doanh nghiệp, tăng gần 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể gần 1.000 doanh nghiệp, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều doanh nghiệp phải tái cơ cấu lại mô hình, giảm quy mô, tinh giảm hệ thống nhân sự.

Tại talkshow “Thị trường bất động sản: thanh lọc, tồn tại, phát triển” diễn ra mới đây tại Tp.HCM, theo các chuyên gia trong ngành, giai đoạn trầm lắng cũng là thời điểm tốt để doanh nghiệp hoàn thiện hệ sinh thái ngành, ứng dụng công nghệ trong công tác bán hàng và quản trị.

Ông Trần Minh Hoàng, Phó tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay, thanh khoản giảm sâu, ngân hàng tăng lãi suất, nhà đầu tư thiếu niềm tin đã khiến môi giới “liêu xiêu”, chật vật trước sóng gió của thị trường.

“Chưa bao giờ môi giới BĐS lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Giao dịch không có dẫn tới tình trạng doanh thu của các doanh nghiệp môi giới sụt giảm. Hệ quả, thu nhập của môi giới cũng gặp nhiều khó khăn, chưa kể phải chịu âm do tiền chạy quảng cáo, chi phí phát sinh”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, hiện nhiều doanh nghiệp môi giới BĐS đang gặp khó khăn. Trong đó, doanh nghiệp tinh gọn bộ máy vận hành, giảm đến 60-70% nhân sự, số còn lại chuyển sang CTV hoặc giảm lương, chính sách … để cố gắng vượt qua thử thách. Doanh thu các công ty môi giới đang giảm mạnh, trung bình mức giao dịch rơi vào khoảng 20% so với mức trung bình hàng tháng /theo dự án. Đặc biệt khó khăn là việc chậm phí môi giới của chủ đầu tư, chính việc chậm phí môi giới này đã làm cho các bạn môi giới đã vất vả thì càng khó khăn hơn gấp nhiều lần. Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, nhiều dự án chậm tiến độ, không thực hiện đúng cam kết thì khách hàng cũng phản ánh với môi giới. Theo đó, có nhiều trường hợp môi giới áp lực không chịu nỗi phải xin nghỉ, hoặc chuyển nghề khác.

Lúc này đây, vị chuyên gia này cho rằng, môi giới BĐS vô cùng khó khăn với nghề. Chỉ những người đang làm nghề mới có thể thấu hiểu được những khó khăn đó tới mức nào. Thực tế, rất nhiều bạn vì mục tiêu lớn hơn, sẵn sàng đầu tư chi phí vào các kênh marketing để tăng thêm khách hàng, để tiến đến giao dịch thành công cũng là hành trình dài đầy thử thách mới bán được. Tuy nhiên, việc nhận phí môi giới cũng không hề thuận lợi.

Tuy vậy, theo ông Lâm, đây lại là giai đoạn “thanh lọc” đội ngũ môi giới. Trong bối cảnh cực kì khó khăn của thị trường, vẫn thấy rất nhiều các bạn môi giới bám trụ nghề. Hằng ngày các bạn vẫn gắng sức trên hành trình nghề nghiệp của mình.

“Tôi luôn trăn trở, từ phương diện cá nhân, luôn khao khát một môi trường ngày càng chuyên nghiệp, giá trị công sức của các nhà môi giới được đánh giá cao, và là một trong những nghành có điều kiện. Dù giờ đây có luật quy định phải có chứng chỉ môi giới là một bước tiến, nhưng để cả thị trường vận hành chuyên nghiệp thì cần một hành trình dài với nhiều sự nỗ lực của nhiều bên. Một nhà môi giới cơ bản phải trang bị cho mình những kiến thức nền tảng: Kiến thức nghành tổng thể; Kỹ năng tư vấn; Tiêu chuẩn hành nghề. Dù rằng là môi giới cá nhân hay thuộc tổ chức thì các nhà môi giới cũng sẽ tuân thủ chặc chẽ các tiêu chuẩn và yêu cầu. Lúc này đây, những người tạm bợ sẽ rời nghề môi giới BĐS, chỉ còn lại những bạn thật sự chọn nghề”, ông Lâm chia sẻ.

Theo một số chuyên gia, để tồn tại trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp môi giới BĐS nên tập trung vào chuẩn hóa hoạt động đào tạo. Đây cũng là khoảng thời gian để doanh nghiệp xây dựng một đội ngũ môi giới BĐS tinh thông chuyên môn, dày dạn kinh nghiệm, chuẩn hóa hành vi, ứng xử, phù hợp với các quy định pháp luật…


Theo Hạ Vy