Nhiều nhà máy chủ động tăng lương cho công nhân

Không chờ phương án điều chỉnh lương tối thiểu, nhiều nhà máy ở TP HCM, Bình Dương đã tăng lương cho người lao động để bù đắp khi giá cả leo thang và giữ chân công nhân.

Từ ngày 1/5, hơn 1.200 lao động của Công ty cổ phần cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng ở Khu công nghiệp An Hạ (huyện Bình Chánh, TP HCM) sẽ đồng loạt được nâng lương 5-10%, tùy vị trí công việc.

Với công nhân trực tiếp sản xuất, mỗi ngày công sẽ được tăng thêm 20.000-50.000 đồng, tương đương 500.000 đồng đến một triệu đồng mỗi tháng. Nhà máy khoán sản phẩm, nếu công nhân làm tốt, thu nhập dao động ở mức 8-9 triệu đồng. Trường hợp năng suất trong tháng không đạt kế hoạch, người lao động vẫn nhận mức lương cơ bản trên 7 triệu đồng. Mức tăng này nhằm đảm bảo công nhân mới vào, làm đủ ngày công, thu nhập ít nhất 8,5 triệu đồng.

Công nhân nhà máy Đại Dũng trong giờ sản xuất. Ảnh: An Phương

Công nhân nhà máy Đại Dũng trong giờ sản xuất. Ảnh: An Phương

Ông Trịnh Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc công ty, nói rằng đợt bùng phát dịch năm ngoái, kế hoạch sản xuất bị ảnh hưởng, chi phí “3 tại chỗ” tăng cao khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, việc cân đối nguồn tiền không phải là điều dễ dàng.

“Tuy nhiên nếu giữ nguyên mức lương cũ, công nhân không sống được”, ông Hùng nói. Khi trạng thái “bình thường mới” được thiết lập, các nhà máy bắt đầu hoạt động, cạnh tranh lao động, nhân sự thiếu hụt. Do đó, tăng lương không những bù đắp chi phí sinh hoạt mà còn giúp nhà máy giữ chân lao động.

Theo lãnh đạo Công ty Đại Dũng, khi khó khăn công nhân đã đồng hành với công ty, đặc biệt thời điểm dịch bùng phát, họ chấp nhận xa gia đình 3-4 tháng để bám nhà máy, hoàn thành các đơn hàng. Vì vậy khi khó khăn đi qua, doanh nghiệp phải chia sẻ lại lợi ích với người lao động.

Tăng lương cho người lao động không phụ thuộc phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng cũng là phương án mà nhà máy Kurabe Industrial Việt Nam ở Khu công nghiệp VSIP 1 (TP Thuận An, Bình Dương) thực hiện. Hàng năm tùy vào lợi nhuận đạt được, nhà máy tăng lương cơ bản 6-8% cho toàn bộ lao động.

Ông Nguyễn Thành Ngữ, Chủ tịch công đoàn công ty, cho hay năm ngoái bùng dịch khiến lợi nhuận nhà máy không như kỳ vọng, sản xuất gián đoạn, chi phí “3 tại chỗ” khá lớn. Tuy nhiên từ đầu năm nay, ban giám đốc vẫn quyết định nâng lương căn bản lên 7% và tăng thêm 150.000 đồng để bù trượt giá, cảm ơn người lao động gắn bó doanh nghiệp lúc khó khăn.

Với mức tăng này, mức lương căn bản thấp nhất nhà máy đang áp dụng là 5,5 triệu đồng, chưa kể các khoản phụ cấp một triệu đồng. Công nhân mới vào, làm đủ ngày công và có tăng ca thu nhập đạt tầm 10 triệu đồng.

Theo ông Ngữ, nhà máy Kurabe tăng lương hàng năm nên những công nhân có thâm niên lương khá cao. Công ty có gần 2.700 lao động, những người có thâm niên trên chục năm, riêng lương căn bản đã đạt trên 10 triệu đồng. Do đó, ở đợt tăng lương này, họ được tăng thêm ít nhất 850.000 đồng.

“Doanh nghiệp chủ động tăng lương giúp công nhân an tâm gắn bó”, ông Ngữ nói. So với mặt bằng chung, mức lương của Kurabe khá cạnh tranh, đảm bảo người lao động đủ sống.

Công nhân ở một nhà máy may mặc tại Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng

Công nhân ở một nhà máy may mặc tại Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng

Kurabe Việt Nam là một trong hơn 200 doanh nghiệp, chiếm hơn 50% các nhà máy đóng ở các Khu công nghiệp VSIP 1, 2 chủ động tăng lương 3-12%, chưa kể các khoản phụ cấp tăng thêm cho người lao động, tính từ đầu năm đến nay.

Bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch công đoàn Khu công nghiệp VSIP, nói giữa lúc nguồn lao động có phần khan hiếm, bỏ nhà máy ra làm tự do hoặc hồi hương, việc các công ty chủ động tăng lương đã góp phần giữ công nhân ở lại. Đặc biệt, tăng lương sớm giúp ổn định quan hệ lao động, hạn chế tranh chấp tập thể.

“Giá cả leo thang, hai năm tạm hoãn tăng lương tối thiểu, đời sống công nhân khó khăn. Họ chờ tăng lương đã lâu nên tăng nhiều hay ít cũng khiến lao động phấn khởi”, bà Chi nói. Những nhà máy tăng thấp hơn mức đề xuất lương tối thiểu vùng sẽ tiếp tục bổ sung khi đề xuất tăng lương được Chính phủ thông qua.

Không chỉ năm nay, vào năm 2021, Chính phủ không điều chỉnh mức lương tối thiểu và trong bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng kinh doanh, song vẫn có 20,5% doanh nghiệp điều chỉnh tiền lương cho người lao động, mức tăng 5,3%. Riêng nhóm ngành sử dụng đông lao động như dệt may tỷ lệ là 1,6% doanh nghiệp, da giày là 0,9% và chế biến thủy sản là 0,2% với mức tăng 4,2-4,7%.

Con số trên là một phần trong kết quả điều tra tình hình thực hiện tiền lương, thu nhập của người lao động và tác động của điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2020-2021 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện tại 2.000 doanh nghiệp thuộc 18 tỉnh, thành phố và vùng kinh tế.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, nói trong lúc vẫn còn những tranh cãi về thời gian chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2022, việc các nhà máy chủ động tăng lương từ đầu năm hoặc trước ngày 1/7 chính là động lực lớn cho công nhân. Thực tế, ở những doanh nghiệp này mối quan hệ lao động thường hài hòa, công nhân an tâm gắn bó, giảm nguy cơ thiếu hụt lao động.

Lê Tuyết