Nhiều ngành thiếu nhân lực chất lượng cao
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những vấn đề làm nóng nghị trường trong các phiên chất vấn tại Quốc hội vừa qua. Nhiều đại biểu cho rằng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam còn hạn chế, nhất là trong các ngành kinh tế mũi nhọn, kinh tế số; cơ cấu đào tạo chưa bám sát nhu cầu thị trường lao động, nhất là trong các ngành kinh tế mới.
Cung không đủ cầu
Thiếu nhân lực chất lượng cao phần nào tác động đến tốc độ tăng năng suất lao động, làm chậm tiến trình cải thiện đời sống người lao động.
Theo báo cáo của Chính phủ, việc đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp là yếu tố có ý nghĩa quyết định đến phát triển nhanh, bền vững. Thực tế, trình độ nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu trong các ngành, lĩnh vực mới. Tình trạng mất cân đối về cơ cấu trình độ, ngành, vùng miền vẫn là điểm yếu trong việc phát triển nhân lực của Việt Nam.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết nguồn cung nhân lực cho thị trường lao động không ngừng gia tăng về số lượng, cải thiện về chất lượng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều ngành kinh tế mũi nhọn đang đứng trước thách thức bởi thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chẳng hạn, ngành du lịch mỗi năm cần khoảng 40.000 nhân sự mới, 25.000 nhân sự phải đào tạo lại. Tuy nhiên, hằng năm, các trường chỉ đào tạo khoảng 20.000 sinh viên, trong đó tỉ lệ lao động du lịch được đào tạo chuyên nghiệp còn thấp, chỉ chiếm 43%.
Công nghệ của Việt Nam đang từng bước vươn tầm thế giới nhờ đội ngũ nhân lực chất lượng cao
Logistics cũng được đánh giá là ngành có tiềm năng phát triển lớn, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế nhưng nguồn nhân lực chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu. Đa phần doanh nghiệp (DN) logistics khó tuyển được những nhân sự quản lý, điều hành, điều phối; buộc phải thuê từ nước ngoài.
Đáng chú ý, ngành công nghệ thông tin, công nghiệp số của Việt Nam cần khoảng 150.000 kỹ sư mỗi năm nhưng năng lực đào tạo hiện mới đáp ứng được 40% – 50%. Trong đó, riêng ngành công nghiệp bán dẫn hiện có nhu cầu khoảng 10.000 kỹ sư/năm nhưng chỉ được đáp ứng chưa đến 20%.
“Thiếu hơn 80% nhân lực công nghiệp bán dẫn là sự thiếu hụt rất lớn, ảnh hưởng đến ngành công nghiệp đang được cả thế giới quan tâm này. Trong khi đó, áp lực nguồn nhân lực tiếp tục tăng khi đã có trên 50 DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn” – báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH nêu rõ.
Chuyển đổi cơ cấu lao động
Được xác định là có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ cũng đang gặp khó khăn về nguồn nhân lực. Số lao động có tay nghề cao trong các ngành này đang rất hạn chế so với nhu cầu. Trong đó, người có tay nghề cao về công nghệ, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa vô cùng khan hiếm.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho rằng ngoài chuyện quản lý nhà nước, cần quan tâm đến những vấn đề quan trọng như: công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động; vốn và nguồn vốn chất lượng cao để xây dựng nền tảng sản xuất, chế biến; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố nền tảng.
Về giải pháp căn bản để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng cần sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới đào tạo. “Thời gian tới, phải đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu lao động để thu hút đầu tư vào đào tạo nhân lực chất lượng cao. Trong đó, chú trọng phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thị trường; kết nối DN và đào tạo kép – mỗi DN phấn đấu trở thành một trường nghề” – Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH nhấn mạnh.
Ngân hàng Thế giới nhận định Việt Nam cần hỗ trợ phát triển mạnh mẽ về nhân lực, lực lượng lao động có kỹ năng để chuyển đổi thành nền kinh tế thu nhập trung bình cao vào năm 2035. Do đó, Việt Nam phải sắp xếp lại cơ cấu quản trị lĩnh vực giáo dục đại học nhằm tạo điều kiện phát triển và cải thiện chất lượng; phân bổ ngân sách đầy đủ, có cơ chế ưu đãi nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học đổi mới sáng tạo, cải thiện kết quả đầu ra.
Chính phủ cũng vừa phân công trách nhiệm cho các bộ liên quan để từng bước cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, đề án nâng cao năng suất lao động được giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ; đề án nâng cao năng suất, đào tạo chất lượng cao do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì. Về hệ thống đào tạo trường nghề, Bộ LĐ-TB-XH cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm nhận.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, nhu cầu nhân lực hàng không tại Việt Nam rất lớn nhưng nguy cơ thiếu hụt cũng không nhỏ. Toàn ngành đang có khoảng 44.000 nhân lực và dự kiến sẽ đạt hơn 58.000 người vào năm 2025, song năng lực đào tạo rất hạn chế, khó đáp ứng nhu cầu. Những vị trí chuyên gia, kỹ sư công nghệ hàng không, phi công, điều hành bay… đều khó tìm trong nước.