Nhiều doanh nghiệp ủng hộ tăng lương từ 1/7 dù tăng chi phí

Đang chi trả cho lao động cao hơn lương tối thiểu vùng, nhiều doanh nghiệp ủng hộ việc tăng thêm 6% từ 1/7 theo đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó phòng Tài chính, Công ty Chiếu sáng và Thiết bị đô thị Hà Nội, cho biết thu nhập của công nhân năm 2020 khoảng 12 triệu đồng/tháng và giảm xuống còn 11,5 triệu đồng vào năm 2021 do ảnh hưởng của dịch. Do đó, tăng lương tối thiểu vùng tác động không lớn tới quỹ lương doanh nghiệp này mà ảnh hưởng chủ yếu tới chi phí đóng BHXH, BHYT.

Bà Nhung phân tích, lương tối thiểu tăng 6% thì chi phí đóng BHXH cũng tăng tương ứng. Công ty tính toán với 400 lao động, tiền đóng BHXH sẽ tăng khoảng 500 triệu đồng, vẫn nằm trong dự tính chi trả được. “Tiết kiệm chi phí, năng suất lao động tăng thì công ty mới có điều kiện tăng lương cho lao động”, bà Nhung nói.

Ông Nguyễn Tràng Huy, Trợ lý giám đốc Công ty Việt Pacific, doanh nghiệp chuyên ngành dệt may ở Hà Đông, cho biết đơn hàng thời điểm này ổn định, thậm chí tăng, đảm bảo thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng cho công nhân. Công ty đang trả lương cơ bản cho lao động cao hơn lương tối thiểu vùng, với mức tăng 6% doanh nghiệp vẫn cân đối được quỹ lương, tiền đóng BHXH.

“Hai năm không điều chỉnh lương, thêm dịch bệnh khiến nhiều công nhân bỏ việc, công ty từ 1.500 lao động xuống còn 1.200, nhiều người đã rút BHXH một lần”, ông Huy nói.

Công nhân Catalan vận hành dây chuyền trong nhà máy ở Bắc Ninh, tháng 3/2022. Ảnh: Hồng Chiêu

Công nhân Catalan vận hành dây chuyền trong nhà máy ở Bắc Ninh, tháng 3/2022. Ảnh: Hồng Chiêu

Công ty Catalan (KCN Yên Phong, Bắc Ninh), doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gạch ốp lát đi châu Âu, hiện có hơn 800 lao động với mức thu nhập bình quân 10,5 triệu đồng vào năm 2020 và tăng lên 10,9 triệu vào năm 2021, gồm lương cơ bản, tiền tăng ca, các khoản phụ cấp.

Ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó giám đốc Catalan, cho biết công ty trả lương theo thời gian cho lao động khối hành chính và lương khoán sản phẩm cho công nhân trực tiếp sản xuất. Tiền lương trả cho lao động thực tế đang cao hơn nhiều so với lương tối thiểu vùng, nên việc điều chỉnh không ảnh hưởng nhiều tới tiền lương của người lao động.

Chi phí doanh nghiệp sẽ tăng khi lương tăng 6%, song theo ông Nguyên, phần tăng chủ yếu là tiền đóng BHXH, BHYT và một số khoản khác và vẫn trong mức chịu đựng. Catalan đầu tư máy móc hiện đại, tỷ lệ lao động trực tiếp sản xuất ít, tỷ lệ tiền lương trong giá thành sản phẩm chiếm phần nhỏ. Chi phí lớn nhất mà doanh nghiệp phải gánh là giá thành nguyên liệu tăng bất quy tắc như đất hiếm, mắt thần, cảm ứng, có những thứ tăng 300-400%; phí nhiên liệu gas tăng tới 88% so với nhiên liệu thường…

Đồng tình tăng lương tối thiểu từ 1/7, ông Nguyên lý giải khó khăn sau hai năm đại dịch đã thành mặt bằng chung với toàn thể doanh nghiệp, không ai hơn ai. Lao động kiệt quệ mà không biết kêu ai vì giá cả tất cả mặt hàng xăng dầu, gas, chi phí đi lại, ăn ở đều tăng. Tiền lương chiếm tỷ trọng không quá cao trong giá thành sản phẩm và so với các nước trong khu vực vì chi phí nhân công của Việt Nam vẫn thấp, tăng lương sớm thì người lao động được hưởng thêm quyền lợi.

Đại dịch đã tạo nên cuộc khủng hoảng toàn diện khiến làn sóng lao động dịch chuyển từ thành phố về nông thôn và vẫn đang âm thầm diễn ra, gây nên sự thiếu hụt, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. “Việc điều chỉnh lương để giữ chân lao động ở lại thành phố rất quan trọng, đỡ phải trả giá về sau”, ông Nguyên nói.

Lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử ở KCN Quế Võ (Bắc Ninh), nơi đang sử dụng 32.000 lao động chủ yếu là công nhân phổ thông, cho biết nếu tăng lương tối thiểu, chi phí đội lên “không thành vấn đề với công ty”.

Tiền lương hiện trả cho công nhân của công ty này vượt gần 2 triệu so với lương tối thiểu vùng, trên 6 triệu đồng. Mỗi năm doanh nghiệp tăng tiền thâm niên 4 đợt, mỗi lần 100.000 đồng cho tất cả lao động, tính cả công nhân nghỉ việc riêng hoặc vi phạm trong khi làm việc. Khoản này cộng vào lương tính đóng BHXH, để giữ chân công nhân, tăng sức cạnh tranh với các công ty khác trong vùng.

TS Phạm Thu Lan, Viện phó Công nhân Công đoàn, cho biết qua khảo sát gần 200 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, dịch vụ… tại 10 tỉnh, thành phố, nhiều doanh nghiệp thiện chí tăng lương và 66,7% trả lời đồng ý tăng từ ngày 1/7 chứ không chờ đến đầu năm sau. Trên 30% doanh nghiệp được hỏi chưa ủng hộ hoặc không có ý kiến.

Với mức tăng lương tối thiểu 6%, Bộ phận Kỹ thuật thuộc Hội đồng Tiền lương quốc gia tính toán chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng trung bình 0,4-0,5%, riêng ngành dệt may tăng 1-1,1%. Khảo sát của Trung tâm Quan hệ lao động chỉ rõ biên độ lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may, da giày tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu khoảng 5-6%.

“Chi phí sản xuất tăng khoảng 1,1% là mức không đáng kể so với biên độ lợi nhuận của các doanh nghiệp thâm dụng lao động”, bà Lan kết luận.

TS Đỗ Quỳnh Chi, chuyên gia nghiên cứu về quan hệ lao động tại hội thảo về tăng lương tại Hà Nội, chiều 26/4. Ảnh: Hồng Chiêu

TS Đỗ Quỳnh Chi, chuyên gia nghiên cứu về quan hệ lao động tại hội thảo về tăng lương tại Hà Nội, chiều 26/4. Ảnh: Hồng Chiêu

TS Đỗ Quỳnh Chi, Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động, đánh giá lương tối thiểu hiện chỉ chiếm 60% thu nhập của người lao động với hệ thống trả lương theo thời gian và khoảng 40% với hệ thống lương sản phẩm. Mức này rất thấp. Trong khi giá đơn hàng của ngành da giày đã tăng khoảng 5-10%, dệt may khoảng 3%. Các doanh nghiệp vẫn sẽ có dư địa để tăng lương cho lao động.

Qua khảo sát, bà Chi nhận định kể từ tháng 10/2021 đến nay có một cuộc cạnh tranh tương đối khốc liệt để lôi kéo lao động lẫn nhau giữa hai khu vực: Phía Nam – nơi tập trung các khu công nghiệp lâu đời với miền Bắc và Trung – nơi có các khu công nghiệp mới nổi.

Sau đợt dịch bùng phát, nhiều doanh nghiệp dù gặp thế bí đã chủ động nâng lương để giữ chân công nhân và nhiều nơi chi trả cao hơn lương tối thiểu vùng. Các doanh nghiệp dệt may miền Bắc, miền Trung thậm chí được hưởng lợi khi nguồn lao động phía Nam trở về, nhận đơn hàng mới, được tăng giá.

Bà Chi phân tích doanh nghiệp không phản đối tăng lương mà chủ yếu không muốn tăng từ ngày 1/7. Với doanh nghiệp trả lương theo thời gian bao giờ cũng “neo” giá trị của bậc thấp nhất trong hệ thống lương chênh 0,5-3% so với lương tối thiểu và điều chỉnh khoảng 5% với các bậc tiếp theo. Hệ thống lương của các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động lên tới 20 bậc với những công nhân làm việc 18-20 năm nhận lương cao. Khi lương tối thiểu tăng 6%, doanh nghiệp thường điều chỉnh lương cơ bản cho lao động ở tất cả bậc. Quỹ lương lập tức tăng lên với tỷ lệ tương ứng. “Nước lên đẩy thuyền lên” khiến các công ty kêu.

Với doanh nghiệp trả lương theo sản phẩm, lương tối thiểu gần như là lương cơ bản tính đóng BHXH, BHYT, chi phí công đoàn… Tăng lương có thể không tăng ngay lập tức vào thu nhập của công nhân, nhưng tiền đóng vào các quỹ này của doanh nghiệp tăng.

Doanh nghiệp có thể lường trước việc tăng khoản đóng nhưng có thể không ngờ phía công đoàn đề xuất tăng từ ngày 1/7. Các công ty lớn có thể đàm phán lại với các nhãn hàng, nhưng với doanh nghiệp gia công thì rất khó thương lượng. Khi đó, quỹ lương đội lên và “ăn” thẳng vào lợi nhuận doanh nghiệp. Với những công ty vừa và nhỏ, phần chi phí khi lương tăng cùng với giá nguyên vật liệu, xăng dầu, hậu cần… đội lên khiến lợi nhuận giảm sút. Đây là lý do chính mà các hiệp hội doanh nghiệp muốn tăng lương từ đầu năm sau.

Bà Chi cho rằng thay vì chỉ kiến nghị với Chính phủ, các doanh nghiệp nên liên kết với nhau để thương lượng với các nhãn hàng – nơi cầm túi tiền của doanh nghiệp xuất khẩu thông qua đơn hàng. Và việc tăng lương tối thiểu là cần thiết cho cả đôi bên trong hoàn cảnh này, nên được coi là vấn đề bất khả kháng vì lợi ích hội nhập.

Chuyên gia khuyến nghị cần thêm sự có mặt của nhãn hàng, tạo nên cuộc thương lượng ba bên thay vì hai bên lao động – giới chủ như hiện tại. Các nhãn hàng gần như vẫn đứng ngoài câu chuyện tăng lương, phúc lợi, chế độ của các nước gia công trong khi đây là câu chuyện của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tổng liên đoàn lao động thống kê số cuộc đình công tự phát tăng đột biến trong quý I/2022, tới 64 cuộc, tăng 40% so với cùng kỳ, chủ yếu liên quan đến tiền lương, chế độ phúc lợi. Từ năm 2018 đến nay, cả nước ghi nhận 591 cuộc đình công, ngừng việc tập thể. Đình công trong ngành dệt may chiếm tới 40%, da giày 15%, điện tử 10%, chế biến gỗ 7% và các ngành khác 28%.

Hồng Chiêu