Nhiều doanh nghiệp chỉ nộp bảo hiểm xã hội khi công an vào cuộc

Doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) thường né tránh cán bộ bảo hiểm, nhưng mang tiền nộp ngay khi có công an cùng thanh kiểm tra.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến hết tháng 9, doanh nghiệp chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi lên gần 14.600 tỷ đồng, chiếm gần 3,4% số phải thu. Việc chậm đóng xảy ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp do cố tình chây ì, dùng tiền cho hoạt động kinh doanh khác thay vì đóng BHXH.

Ông Phạm Tuấn Cường, Vụ phó Thanh tra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho hay liên ngành công an – bảo hiểm đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra tại địa phương. Sự vào cuộc của công an tạo chuyển biến rõ rệt, giúp thu hồi 500 tỷ đồng nợ đọng BHXH.

Trước đây, doanh nghiệp thường né tránh làm việc với cơ quan Bảo hiểm xã hội hoặc cử người đại diện không có thẩm quyền giải quyết. Nhưng khi có công an đi cùng đoàn thanh kiểm tra thì doanh nghiệp lập tức nộp tiền chậm đóng, nợ đọng. Riêng năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thu hồi được gần 4.400 tỷ đồng tiền chậm đóng.

Đoàn công tác liên ngành bảo hiểm xã hội - công an làm việc tại tỉnh Bắc Giang, tháng 10/2022. Ảnh: Duy Nguyễn

Đoàn công tác liên ngành bảo hiểm xã hội – công an làm việc tại tỉnh Bắc Giang, tháng 10/2022. Ảnh: Duy Nguyễn

Ngoài tăng thanh kiểm tra đột xuất doanh nghiệp nợ đóng từ ba tháng trở lên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã lập hồ sơ chuyển cơ quan điều tra xử lý đơn vị cố tình trốn đóng BHXH theo Điều 216, Bộ luật Hình sự. Song theo ông Cường, kiến nghị khởi tố vụ án hình sự đang có nhiều vướng mắc về chính sách, thẩm quyền, khó khởi tố với tội danh trốn đóng BHXH, cần sửa đổi một số quy định để tạo đồng bộ giữa pháp luật hành chính và hình sự.

Ông Lê Hùng Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nói thêm đã củng cố hơn 300 hồ sơ vụ doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm chuyển cơ quan công an. Song khi công an địa phương tới làm việc, một số doanh nghiệp lập tức nộp số tiền này nên không khởi tố nữa.

Một số hồ sơ do chưa đủ yếu tố cấu thành tội, khó làm rõ thế nào là cố tình trốn đóng. Doanh nghiệp nói “chưa kịp đóng chứ không phải cố tình trốn”. Tới đây, khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, cơ quan này sẽ đề xuất làm rõ thế nào là cố tình trốn đóng cũng như trách nhiệm pháp nhân để xử lý dứt điểm tình trạng này.

Bốn năm qua, cơ quan Bảo hiểm xã hội kiến nghị khởi tố 382 vụ trốn đóng BHXH nhưng chưa vụ nào bị xử lý, 186 vụ trong đó bị cơ quan điều tra xác định không khởi tố vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Hơn 3.200 tỷ đồng nợ BHXH kéo dài nhiều năm khiến hơn 206.000 lao động ảnh hưởng quyền lợi song cơ quan quản lý kêu khó thu hồi.

>>Trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN bị xử lý thế nào?

Hồng Chiêu