Nhà sáng lập Elise nói thẳng: Du học sinh về nước làm việc chậm hơn người trong nước 2 năm, chấp nhận mức lương bằng hoặc thấp hơn sau sẽ phát triển vượt trội!

Chủ đề “nhiều du học sinh về nước khó xin việc do ảo tưởng lương cao” không chỉ gây tranh luận sôi nổi trong chương trình “Cơ hội cho ai? – Whose chance?” tập 11, mà còn dấy lên cuộc tranh cãi trên mạng xã hội quanh việc so sánh nền giáo dục trong nước – nước ngoài, và câu chuyện bỏ tiền tỷ ra nước ngoài thì về nước phải được lương bao nhiêu.

Là một trong 5 vị sếp ngồi ghế nóng, bà Lưu Nga – nhà sáng lập thương hiệu thời trang Elise – tâm sự bà có 3 người con được đào tạo từ nước ngoài.

Và bà luôn căn dặn các con rằng đã đi học ở nước ngoài, khi quyết định về nước làm việc, các con phải chậm hơn các bạn trong nước 1 – 2 năm.

Các con phải vào một môi trường nào đó, và làm việc như các bạn trong nước, nhưng phải cố gắng hơn rất nhiều lần để hiểu văn hóa và giá trị người Việt. Sau đó, đưa kiến thức học được ở nước ngoài vào, thể hiện vượt trội so với năng lực các bạn trong nước. Đó mới là con đường các con cần phải đi theo“, bà Nga nói.

61648bc747bd839fbb28bb3a3ebd72bc.jpg

Bà Lưu Nga (ở giữa). Ảnh: Elise.

Trong cuộc tranh luận giữa du học sinh Úc Lê Minh Thùy và sinh viên ĐH Bách Khoa TPHCM mới ra trường Phạm Hồng Nhung, khi Thùy phải dừng bước trước một ứng viên trong nước, sếp Nga cũng dành nhiều lời khuyên cho Thùy.

Em đã chấp nhận đi nước ngoài học 4 năm, em có thêm 2 năm để học ở Việt Nam mà không phải đóng học phí, em vẫn có lương chỉ là chấp nhận mức lương ngang bằng với các bạn ở trong nước, hoặc thấp hơn một chút cũng không sao cả. Nhưng giá trị, những gì em học được ở nước ngoài sẽ được phát huy rất nhiều“, sếp Elise nhắn nhủ.

Trước đó, bà Lưu Nga cũng bày tỏ: “Bằng cấp cũng chỉ là một tờ giấy. Về cơ bản, các em học tập và tốt nghiệp ở nước ngoài và Việt Nam mới ra trường là như nhau. Có thể ngoại ngữ của các bạn du học sinh sẽ tốt hơn, nhưng không phải doanh nghiệp nào ở Việt Nam cũng cần nhân viên sử dụng ngoại ngữ nhiều”.

Bà cũng khuyên nhủ Thùy trong một cuộc phỏng vấn, khả năng ứng biến tình huống là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, việc đặt nặng vấn đề làm việc đa quốc gia, đa ngôn ngữ của các du học sinh là không nên. Bà cho rằng các du học sinh hãy xem mình như một sinh viên tại Việt Nam, thì các bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn.


Bình An