Nhà máy chuẩn bị chỗ ở đón công nhân

TP HCMSau khi chốt cọc 70 phòng trọ, nhà máy Việt Nam Samho ở huyện Củ Chi cho nhân viên quét dọn, kiểm tra điện nước chuẩn bị đón công nhân trở lại sau Tết.

Để tìm được khu nhà trọ còn nhiều phòng trống, ở gần nhà máy, từ cuối năm ngoái, cán bộ công đoàn Công ty TNHH Việt Nam Samho bắt đầu tìm kiếm nhiều nơi. Theo yêu cầu của ban giám đốc, chỗ ở phải đảm bảo những công nhân mới lên thành phố, chưa quen đường có thể đi bộ an toàn đến xưởng. Bước đầu nhà máy dự kiến thuê 100 phòng, đủ cho ít nhất 200 người sống thoải mái.

Ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch công đoàn, nói công nhân mới chủ yếu ở các tỉnh miền Tây, khi lên thành phố thường đi cả gia đình hoặc cùng người thân. Các phòng trọ tập trung một nơi sẽ giúp họ an tâm vì được ở gần nhau. Sau gần một tháng tìm kiếm, Samho quyết định chọn khu trọ cách nhà máy chừng 5 phút đi bộ, đảm bảo an ninh. Tính cả gác lửng, diện tích mỗi phòng hơn 20 m2, giá thuê mỗi tháng một triệu đồng; điện, nước thu theo giá quy định.

Ông Nguyễn Thanh An và bà Doris Sanchez, Giám đốc nhân sự Công ty Việt Nam Samho, kiểm tra phòng trọ trước khi bàn giao cho công nhân. Ảnh: Lê Tuyết

Ông Nguyễn Thanh An và bà Doris Sanchez, Giám đốc nhân sự Công ty Việt Nam Samho, kiểm tra phòng trọ trước khi bàn giao cho công nhân. Ảnh: Lê Tuyết

“Công ty ký hợp đồng 6 tháng, trả một nửa tiền giữ chỗ và thanh toán phần còn lại khi công nhân đến ở”, ông An nói. Công đoàn lập đội đồng hành với người mới, ngoài dọn dẹp phòng sẽ hướng dẫn công nhân tới các cửa hàng mua sắm đồ dùng với giá hợp lý, chỉ dẫn các địa chỉ cần thiết như hiệu thuốc, trạm y tế xã…

Ông Đỗ Trương Hoàng Phúc, Trưởng phòng Nhân sự Công ty Việt Nam Samho, cho hay sau Tết, nhà máy cần tuyển 1.500 công nhân. Để thu hút lao động, doanh nghiệp tăng nhiều khoản hỗ trợ như thưởng cho người mới 2,4 triệu đồng. 4 năm đầu làm việc, mỗi năm công nhân được tặng gần 5 triệu đồng. Sau khi phỏng vấn, người lao động đi làm ngay, được đóng bảo hiểm xã hội, hưởng đủ lương mà không cần qua thử việc. Đặc biệt công ty tăng mức hỗ trợ nhà trọ hàng tháng lên 500.000 đồng, thuê sẵn phòng đón công nhân mới.

Theo ông Phúc, ở Củ Chi, giá phòng trọ mỗi tháng khoảng một triệu đồng. Nếu công nhân tiết kiệm, ở ghép 3 người, mức hỗ trợ 500.000 đồng đủ trả luôn tiền điện nước. Tuần tới sẽ có 50 lao động từ An Giang đến ở phòng trọ do nhà máy thuê. Khi nhu cầu tăng lên, công đoàn tiếp tục tìm, tăng số lượng phòng.

Tương tự, với mục tiêu hỗ trợ chỗ ở cho lao động quay lại thành phố sau Tết, Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP HCM tái khởi động “combo việc làm 3 trong 1” gồm nhà trọ 0 đồng, test nhanh miễn phí Covid-19 và giới thiệu việc làm. Để có được ít nhất 50 phòng trọ miễn phí từ một tháng, hơn 500 phòng cam kết giảm giá thuê đến 50% cho lao động mới ở tỉnh quay lại thành phố. Trước Tết, nhân viên trung tâm xuống từng khu trọ, gặp chủ nhà để vận động.

Ông Nguyễn Văn Sang, Phó giám đốc Trung tâm, nói công nhân ở tỉnh khi cần trợ giúp có thể liên hệ các cơ sở đoàn thanh niên ngay nơi mình cư trú. Khi đến thành phố, người lao động đến địa chỉ số 1A Nguyễn Văn Lượng, phường 6, quận Gò Vấp, để được hướng dẫn. Dự kiến lao động quay lại TP HCM sẽ tăng trong một tháng tới nên chương trình hỗ trợ sẽ kéo dài đến cuối tháng 3.

Người lao động ở trong nhà trọ 0 đồng trên phường Thạnh Xuân, quận 12. Ảnh: Hà An

Người lao động ở trong nhà trọ 0 đồng trên phường Thạnh Xuân, quận 12. Ảnh: Hà An

Không chỉ nhà máy Việt Nam Samho, Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP HCM, từ trước Tết, nhiều doanh nghiệp ở thành phố cũng chuẩn bị sẵn chỗ ở chờ lao động quay lại. Ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thành phố cho rằng khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, người lao động phải nhốt mình trong các phòng trọ chật chội suốt 3-4 tháng.

“Chỗ ở bí bách chính là nỗi ám ảnh của nhiều công nhân, khiến họ rời thành phố”, ông Việt Anh nói. Thấu hiểu điều này, nhiều doanh nghiệp chủ động tìm kiếm các phòng trọ, đảm bảo không gian thông thoáng, an toàn để thu hút người lao động quay lại.

Thông tin từ Liên đoàn lao động TP HCM, trước mắt các công đoàn cơ sở thương lượng để doanh nghiệp tăng hỗ trợ nhà ở cho người lao động, vận động chủ trọ miễn, giảm tiền phòng. Về lâu dài thành phố có kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội, cải tạo các khu trọ xuống cấp, đảm bảo chỗ ở an toàn cho lao động ngoại tỉnh.

Về chính sách chung, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lên phương án triển khai gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng, một phần trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Gói sẽ tập trung hỗ trợ tiền mặt cho người lao động thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất trong 3 tháng. Công nhân, lao động đang ở tại chỗ được hỗ trợ 3 tháng, trong khi người trở lại thị trường lao động cũng được giúp 3 tháng với mức cao gấp đôi.

Khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, sau Tết, thành phố cần tối đa 55.600 lao động, tập trung ở các ngành dệt may, giày da, sản xuất, thực phẩm, cơ khí, hóa chất, dược, cao su, dịch vụ lưu trú và ăn uống… Còn số người tìm việc cuối năm ngoái gần 20.000 người. Con số này dự kiến tăng lên nhiều vì lượng lớn sinh viên tốt nghiệp cuối năm ngoái nhưng kẹt ở quê, lao động hồi hương nay trở lại thành phố.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê, hết năm 2021, cả nước có khoảng 2,2 triệu lao động trở về các tỉnh, thành do Covid-19. Trong số này, hơn 1,1 triệu người về từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam… Để hồi phục thị trường lao động sau đại dịch, các địa phương và doanh nghiệp cần có chính sách an sinh, nhà ở, bố trí công ăn việc làm thu hút lao động thời gian tới.

Lê Tuyết