Người lao động thu nhập 7,6 triệu đồng/tháng trong quý III

Người làm công hưởng lương đạt thu nhập bình quân 7,6 triệu đồng/tháng trong quý III/2022, tăng 126.000 đồng so với quý II, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 1/10, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mức thu nhập bình quân tháng của người lao động quý III/2022 tăng 1,6 triệu đồng so với quý III/2021. Trong đó, thu nhập lao động nam 8 triệu/tháng; nữ 7 triệu/tháng.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, người lao động thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 800.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Theo kết quả khảo sát sơ bộ, 83% số hộ dân có thu nhập tăng hoặc không đổi so với cùng kỳ.

Thị trường lao động Việt Nam tiếp tục phục hồi, số người đang làm việc và thu nhập bình quân tháng đều tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm.

Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý III/2022 là 50,8 triệu, gồm 14 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; khu vực công nghiệp và xây dựng 17 triệu người; khu vực dịch vụ 19,8 triệu.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III là 2,28%, giảm 0,04% so với quý trước; giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Toàn quốc có 8% thanh niên (15-24 tuổi) thất nghiệp, tăng 0,39% so với quý trước; giảm 0,87% phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Công nhân làm việc tại xưởng công ty may mặc Dony, quận Tân Bình, TP HCM, ngày 21/10/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Công nhân làm việc tại xưởng công ty may mặc Dony, quận Tân Bình, TP HCM, ngày 21/10/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Từ tháng 7/2021 đến nay, toàn quốc hỗ trợ 85.000 tỷ đồng cho 55 triệu lượt người và 856.000 doanh nghiệp gặp khó khăn. Cả nước đã hỗ trợ tiền thuê nhà 3.500 tỷ đồng cho hơn 5 triệu lao động.

Ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số được thúc đẩy. Việt Nam đứng thứ 63 thế giới và thứ 4 Đông Nam Á chỉ số toàn cầu về Hệ thống khởi nghiệp kỹ thuật số của ADB.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, thời gian tới các đơn vị đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng; tạo nền tảng nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Viết Tuân