Mới 2% hồ sơ gói hỗ trợ thuê nhà ở TP HCM được duyệt

Nhiều nhà máy chậm triển khai, sợ bị truy thu nếu chi không đúng… là lý do lượng hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà ở thành phố gửi lên ít so với dự kiến.

Từ cuối tháng 3, Chính phủ ban hành Quyết định 08 về thực hiện chính sách hỗ trợ khoảng 6.600 tỷ đồng tiền thuê nhà cho 3,4 triệu lao động. Muốn được hỗ trợ, người lao động phải làm hồ sơ thông qua doanh nghiệp gửi cơ quan bảo hiểm. TP HCM là địa phương có số người thuộc diện hỗ trợ nhiều nhất, gần 1,2 triệu người, kinh phí dự trù 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên đến chiều 23/5, Bảo hiểm xã hội TP HCM mới xác nhận cho hơn 21.000 trường hợp, chiếm gần 2%.

Công nhân Nidec Việt Nam trong giờ sản xuất. Ảnh: An Phương

Công nhân Nidec Việt Nam trong giờ sản xuất. Ảnh: An Phương

Công ty TNHH Nidec Việt Nam ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức) là một trong những doanh nghiệp chủ động hướng dẫn người lao động làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà ngay khi Quyết định 08 được ban hành. Từ đầu tháng 4, công đoàn in sẵn các biểu mẫu đặt ở nhà ăn công ty, hướng dẫn người lao động điền thông tin. Sau hai tháng, gần 2.000 công nhân ở trọ gửi hồ sơ, song đến nay danh sách nhưng chưa thể nộp cơ quan bảo hiểm xã hội xét duyệt.

Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch công đoàn Công ty Nidec Việt Nam, cho biết nguyên nhân chính là doanh nghiệp e ngại phải truy thu tiền nếu lao động không thuộc nhóm được hỗ trợ. Ví dụ công nhân mới vào nhà máy, đang thử việc, chưa phải tham gia bảo hiểm xã hội. Nhóm này sẽ được đưa vào diện vừa quay lại thị trường lao động, được hỗ trợ mỗi tháng một triệu đồng. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm xác nhận danh sách này. Tuy nhiên việc xác định người lao động thực sự mới quay lại thị trường hay ở công ty khác chuyển sang là rất khó.

“Chưa kể có tình huống người lao động ở nhà người quen, không phải trả tiền nhưng vẫn làm hồ sơ hỗ trợ thì có bị cho là khai gian dối”, ông Hồng đặt câu hỏi. Hồ sơ đề nghị nhận gói hỗ trợ có ba biểu mẫu, trong đó mẫu số 01 do người lao động tự khai để doanh nghiệp lập danh sách. Với gần 2.000 người, bộ phận nhân sự không thể đến từng địa chỉ để thẩm định thông tin. Tuy nhiên, nếu sai sót mà tiền đã chi, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm thu hồi.

“Nếu người lao động nghỉ việc thì thu hồi rất khó. Vậy lấy nguồn từ đâu để trả cho ngân sách”, ông Hồng nói.

Một nguyên nhân khác được doanh nghiệp lý giải là nhận hướng dẫn từ sở ngành thành phố chậm gần hai tháng so với thời điểm Quyết định 08 ban hành. Nhiều nhà máy không nắm chắc thông tin nên chưa triển khai cho người lao động.

Nữ công nhân Kim Chi tại phòng trọ ở TP Thủ Đức.  Ảnh:Lê Tuyết

Nữ công nhân Kim Chi tại phòng trọ ở TP Thủ Đức. Ảnh: Lê Tuyết

Ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi), cho biết ngay khi có Quyết định 08, doanh nghiệp đã chủ động liên hệ Phòng Lao động, Bảo hiểm xã hội huyện để hỏi thủ tục. Tuy nhiên, các đơn vị này trả lời phải chờ thành phố. Gần một tháng sau, UBND TP HCM mới ban hành kế hoạch thực hiện, sau đó lại tiếp tục chờ Bảo hiểm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn. Đầu tuần nay, huyện mới hướng dẫn cho bộ phận nhân sự của công ty để triển khai cho công nhân.

Nhà máy Samho Việt Nam có hơn 10.000 công nhân, gần 40% thuê trọ. Ông An dự kiến nhanh nhất đầu tháng 6 mới lập được danh sách và nộp cho bảo hiểm duyệt. Kế đến các bước nộp danh sách về Phòng Lao động, chờ UBND huyện cấp kinh phí.

Vị cán bộ công đoàn lâu năm cho rằng có nhiều vướng mắc nên thời gian người lao động nhận tiền sẽ muộn. Đơn cử trong giấy đề nghị hỗ trợ tiền thuê trọ, công nhân phải xin được thông tin và chữ ký chủ nhà trọ. Nhiều chủ nhà ở Củ Chi sống ở quận trung tâm, thuê người quản lý. Công nhân không biết mặt chủ nhà, không có số điện thoại, đi làm cả ngày nên việc xin chữ ký chủ sẽ rất khó khăn.

Cũng với lý do thông tin chưa rõ ràng nên Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex (SEHC) ở Khu công nghệ cao vẫn chưa triển khai gói hỗ trợ thuê trọ cho hơn 6.000 lao động làm thủ tục. Bà Kiều Ngọc Hoa, Chủ tịch công đoàn công ty, nói rằng nhiều doanh nghiệp xung quanh “chạy” trước gần hai tháng nhưng đến nay vẫn chưa nộp được hồ sơ. Do đó, SEHC sẽ chờ vướng mắc được tháo gỡ, thông tin rõ ràng mới phổ biến cho người lao động.

“Làm không đúng phải sửa, bổ sung, người lao động đi tới lui sẽ nản”, bà Hoa nói. Hiện, hàng tháng người lao động đều nhận được hỗ trợ nhà trọ 500.000 đồng từ doanh nghiệp nên phần nào an tâm, chấp nhận chờ.

Thủ tục nhận tiền thuê trọ từ gói hỗ trợ 6.600 tỷ. Đồ họa: Tạ Lư

Thủ tục nhận tiền thuê trọ từ gói hỗ trợ 6.600 tỷ. Đồ họa: Tạ Lư

Ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM, cho rằng tính đến chiều 23/5, mới có 1.855 đơn vị gửi hồ sơ của hơn 21.000 lao động và cơ quan này đã duyệt hết. So với con số tổng trường hợp thuộc diện được hỗ trợ dự kiến gần 1,2 triệu người là thấp do doanh nghiệp nộp về ít.

Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Nguyễn Văn Lâm cho rằng việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ người thuê trọ ở thành phố vẫn đúng tiến độ. Số lượng doanh nghiệp nộp danh sách tăng lên mỗi ngày. Một số được xét duyệt trước do doanh nghiệp chủ động triển khai, hướng dẫn người lao động làm hồ sơ mà không chờ thành phố.

Về một số khó khăn của doanh nghiệp, ngành lao động TP HCM cũng chủ động hướng dẫn, tháo gỡ. Đối với các chủ nhà trọ, thành phố đã chỉ đạo phòng chuyên môn ở các quận, huyện, TP Thủ Đức kêu gọi chủ nhà trọ tạo điều kiện cho người lao động được hưởng gói hỗ trợ.

Lê Tuyết