Mất cơ hội việc làm vì đồng hương cư trú bất hợp pháp

Học ngoại ngữ, chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi để sang Hàn Quốc làm việc, Diệp sốc khi hay tin quê mình nằm trong danh sách dừng tuyển lao động.

Tháng 7, Diệp tăng tốc học tiếng chuẩn bị cho kỳ thi tuyển lao động nông nghiệp đi Hàn Quốc. Cùng lúc này Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thông báo ngừng đưa người đi làm việc ở nước ngoài tại 8 huyện. Trong danh sách có Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, quê Diệp. Cô gái 25 tuổi vội lên các hội nhóm trên mạng hỏi han khắp nơi và cuối cùng đành chấp nhận sự thật.

Nghi Xuân, vùng đất nằm giữa bờ sông Lam và biển, luôn dẫn đầu Hà Tĩnh về số người xuất ngoại, cũng là địa phương nhiều năm trong danh sách cấm đưa lao động sang Hàn Quốc vì tỷ lệ cư trú bất hợp pháp cao. Đến tháng 5/2022, toàn huyện có hơn 14.500 người làm việc ngoài nước, đông nhất là Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Riêng lao động tại Hàn Quốc chưa về nước là 679.

Diệp đành bỏ ngang lớp tiếng Hàn đã theo được gần một tháng, chịu mất học phí và kỳ thi cho lao động ngành nông nghiệp diễn ra vào tháng 8. “Có học tiếp cũng chẳng thể đi. Nếu quê không vào diện cấm, giờ có khi em đã nộp xong hồ sơ nếu đậu tiếng Hàn”, cô gái 24 tuổi nói.

Bạn bè nói Diệp cố đợi tỷ lệ bỏ trốn giảm xuống, Nghi Xuân thoát danh sách đen thì lại đi học. Nhưng cô đã nộp hồ sơ vào nhà máy làm công nhân điện tử, chấp nhận mức lương 8 triệu đồng mỗi tháng – bằng một phần sáu thu nhập nếu đi Hàn Quốc. Diệp không thể chờ, khi còn người mẹ đau ốm, hai đứa em và một trong số đó năm nay vào đại học.

Phòng ở của lao động Việt cư trú bất hợp pháp tại Nhật Bản, cuối tháng 8/2022. Ảnh: Hải Bình

Phòng ở của lao động Việt cư trú bất hợp pháp tại Nhật Bản, cuối tháng 8/2022. Ảnh: Hải Bình

Chưa mất cơ hội sang Hàn Quốc, nhưng anh Kỳ, 30 tuổi, quê Thanh Hóa, phải hơn hai năm chật vật tìm cách đi. Tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 900 lao động (chiếm 8,8%) trong tổng số 6.000 người đang làm việc tại Hàn Quốc hết hạn không về nước, bỏ ra ngoài làm việc bất hợp pháp. Huyện của anh Kỳ lọt danh sách tạm dừng tuyển lao động xuất khẩu theo Chương trình EPS.

Được người bạn mách nước, anh Kỳ xin chuyển hộ khẩu sang nhà họ hàng ở huyện khác, vay hơn chục triệu đồng học khóa tiếng Hàn ba tháng ở TP Thanh Hóa. Đầu năm 2022, anh vượt qua hai vòng thi tiếng Hàn và thực hành dành cho lao động ngành sản xuất chế tạo theo Chương trình EPS. Thêm vài tháng chờ đợi, anh Kỳ nhận được thông báo tuyển dụng từ phía Hàn Quốc.

Nghe tin hai huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa nằm trong danh sách hạn chế đưa người đi, anh thấy tiếc khi nhiều người có nguyện vọng nhưng không thể đi. Chọn xuất khẩu để kiếm tiền trả khoản nợ cá nhân và gửi về nuôi vợ con, anh chưa bao giờ mong sẽ giàu. Khi nhắc về những người đồng hương bỏ trốn bên Hàn Quốc, anh chỉ tặc lưỡi “Chắc họ có lý do riêng”.

Tình trạng lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp đã kéo dài nhiều năm khiến các cơ quan quản lý Trung ương lẫn địa phương đau đầu. Những năm 2003-2005, tỷ lệ này tại Nhật Bản là 30-40%; Hàn Quốc 25-30%, Đài Loan trên 9%. Một số thị trường bị đứt gãy, như Đài Loan ngừng tiếp nhận lao động giúp việc gia đình từ tháng 1/2005 đến giữa năm 2015.

Hàn Quốc ngừng gia hạn tiếp nhận mới lao động Việt Nam từ năm 2013 đến 2016, khiến 35.000-40.000 người Việt lỡ cơ hội đi làm việc. Hai nước đã phối hợp tìm cách giảm thiểu tỷ lệ bỏ trốn bằng nhiều biện pháp, như ký quỹ trước khi đi, xử phạt hành chính 100 triệu đồng. Phía Hàn Quốc miễn, giảm xử phạt đối với lao động tự nguyện hồi hương, không bị tạm giam… Kết quả từ trên 50 huyện thị bị tạm dừng những năm 2016 về trước giảm còn 8 huyện năm 2022.

Lao động Việt Nam làm nông nghiệp tại Hàn Quốc. Ảnh: Hùng Lê

Lao động Việt Nam làm nông nghiệp tại Hàn Quốc. Ảnh: Hùng Lê

Ông Nguyễn Gia Liêm, Cục phó Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đánh giá: “Khó có nguy cơ Hàn Quốc tạm ngừng tiếp nhận lao động như những năm trước đây, song lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp đã tước đi nhiều cơ hội của thanh niên muốn đi làm việc tại nước này, ảnh hưởng danh tiếng địa phương, uy tín của lao động Việt Nam tại các thị trường”.

Người vi phạm cũng không được đảm bảo tư cách pháp lý, thậm chí gặp tình trạng bóc lột, cưỡng bức lao động, ốm đau không thể thăm khám.

Hiện mức xử phạt hành chính 80-100 triệu đồng, cấm đi làm việc ở nước ngoài 2-5 năm là hình phạt mạnh tay nhất với lao động đi Hàn Quốc nếu vi phạm. Nếu quyết định xử phạt không thể giao trực tiếp cho người vi phạm thì sẽ được niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã nơi cư trú của người đó trước khi đi làm việc ở nước ngoài, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi đã ra quyết định xử phạt và được gửi cho gia đình người bị xử phạt hoặc người bảo lãnh (nếu có).

Song luật sư Phan Văn Chiều, Đoàn luật sư Hà Tĩnh, phân tích quy định xử phạt 100 triệu đồng chưa sát thực tế, bởi để phạt hành chính một người thì bắt buộc mời họ lên làm việc và gửi quyết định. Trường hợp này người dân không ở Việt Nam nên không thể xử lý. “Với lao động bỏ trốn, nên điều chỉnh theo hướng xử lý đặc thù. Cơ quan quản lý cần ban hành quy chế phối hợp với các nước, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động. Ai vi phạm hợp đồng thì thông tin phải được chuyển về cho cơ quan quản lý của Việt Nam để thi hành nhanh chóng”, luật sư đề xuất.

Mức thu nhập hấp dẫn tại thị trường Hàn Quốc được các cơ quan quản lý chỉ ra là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp. Đồ họa: Tiến Thành

Mức thu nhập hấp dẫn tại thị trường Hàn Quốc được các cơ quan quản lý chỉ ra là một trong những nguyên nhân của tình trạng lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp. Đồ họa: Tiến Thành

Đầu tháng 7, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thông báo tạm dừng tuyển lao động làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS với tám huyện đến hết năm 2022. Đó là TP Chí Linh (Hải Dương); huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa (Thanh Hóa); huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) và huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).

Các huyện, thị xã này có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc lớn, từ 70 người trở lên, tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên. Việc tạm dừng không áp dụng với người dự tuyển ngành ngư nghiệp; lao động đi theo chương trình EPS về nước đúng hạn và người cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước trong thời gian Hàn Quốc miễn phạt.

*Tên nhân vật đã được thay đổi.

Hồng Chiêu – Đức Hùng